BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Đất quê ta

Cập nhật ngày: 20/04/2018 - 08:21

BTN - Quả thật là “Ðất quê ta mênh mông!”- một câu thơ Dương Hương Ly viết trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kháng chiến nên đất còn là nơi để mẹ đào hầm chở che, bảo bọc những đứa con chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch.

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng”

Người lính trong “Ðôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng năm xưa từng có lúc mơ được trở về chốn đồng quê, chỉ để chờ ngắm lúa vàng. Tôi chợt nhớ đến câu thơ này khi đứng trên bến Trường của sông Vàm Cỏ Ðông, thuộc ấp Bến Trường, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành. Ngó qua bên kia sông, bên ấy cũng vàng đồng tới xa tắp, mênh mông. Mà đã giữa tháng tư rồi. Nắng còn dát vàng trên sắc màu rơm rạ.

 

Cậu bé tha thẩn chơi ở bến, dưới gốc cây me tây bảo:- Giá như chú lên sớm chừng mươi bữa, khi lúa chưa gặt thì còn đẹp nữa… Hay là cháu chở ghe xuôi dòng một đoạn nữa, ở đó còn một cánh đồng chưa gặt?

Thôi thôi cậu bé ơi! Chú cũng vừa mới đi qua các xã Hoà Hội và Hoà Thạnh tới đây. Bên ấy, đứng trên cầu Ông Cố (nay là cầu Hoà Bình) đã thấy cả một cánh đồng lúa chín vàng mơ. Và, nhớ xa hơn nữa thì vào cuối tháng ba đầu tháng tư, đi đến đâu ở Tây Ninh ta mà chẳng thấy những cánh đồng vàng.

Gần Thành phố như ở Thanh Ðiền, hoặc ngay trong Thành phố thì ở đầu và cuối phường 1 (khu phố 1 và khu phố 5) đều có những cánh đồng lúa chín. Xa hơn chút nữa như ở bến Ðình Trường Tây nhìn sang bên kia sông là đồng Long Vĩnh. Hay lên cầu Bến Ðình mà ngắm ngược lại phía Cẩm Giang… Ðâu đâu cũng thấy đất quê mình vàng rực cái màu tượng trưng no ấm. Cái màu này đã thấm vào tâm hồn Việt tự bao giờ chả biết.

Quả thật là “Ðất quê ta mênh mông!”- một câu thơ Dương Hương Ly viết trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kháng chiến nên đất còn là nơi để mẹ đào hầm chở che, bảo bọc những đứa con chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch. Và thế là: “Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh…”.

Từ tóc xanh đến tóc bạc đã vài chục năm, là cả một đời người. Nhưng miền đất mênh mông này lại đã nuôi lớn bao thế hệ con người tự thời đi mở đất. Xem lại lịch sử Tây Ninh, để biết cơ cấu phủ huyện ở đây đã hình thành rồi hoàn chỉnh từ năm 1836. Lịch sử khẩn hoang cũng cho thấy con người đi trước, làng nước mới theo sau.

Nghĩa là người Việt đã có mặt ở Tây Ninh từ khá lâu trước đó, ít ra là từ cuối thế kỷ 18, thậm chí thế kỷ 17. Nhưng nếu chỉ tính từ 1836 thôi, thì cũng đã hơn 180 năm, là 7-8 đời người. Vậy cũng có thể coi những cánh đồng lúa là những di tích lâu đời và vô giá nhất. Xin đừng có ai coi thường mà đền bù hoặc bán rẻ như cho.

Tối 16.4, trên truyền hình có một bản tin gây bức xúc. Ðấy là ở một tỉnh miền Trung có một dự án nhân danh cải tạo ruộng đồng thành cánh đồng “mẫu lớn” mà thực chất lại là đào đất đem đi bán. Trên thực tế, có lẽ hoạt động khai thác hoặc biến đổi đất đai đã diễn ra sôi động hơn.

Ở Tây Ninh, trong quá khứ có những cái hố hầm sâu được đào từ những năm núi Bà rộn ràng khai thác đá. Như hồ Ðá (hoặc Mây Núi) đã trở thành hồ nước trong veo nhờ nước ngầm từ núi chảy ra. Các xã gần bên các khu công nghiệp thì xã nào chẳng có thêm những hố hầm sâu, do việc khai thác đất trước kia để lại. Còn ngay lúc này thôi, bên bờ rạch Tây Ninh phía Thanh Ðiền vẫn luôn có những cuộc đào đắp để có thêm những ao, hồ nuôi cá. Ðất thì đem bán. Thật là “tiện cả đôi đường”. Nói có sách, mách có chứng, như cái hồ rộng cả héc ta ở ngay bên gò cây Mít Mọi.

Và ngược lại, cũng có những miền quê ao bàu lại bị lấp đi để tăng diện tích cây trồng. Như ở xã Phước Vinh, còn đâu những trảng Máy Bay Bắn Trâu, bàu Rau Muống, bàu Ðưng… Tới đây, xin giở lại cuốn sách Truyền thống Cách mạng xã Phước Vinh, do Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh in năm 1985, để đọc những đoạn ký ức về vùng đất này, giờ đã xa xôi như cổ tích.

Ðấy là đoạn mô tả những chiếc bàu ở xã Phước Vinh: “Ðến trưa các bàu cặp rẫy lúa có hàng đàn le le, cò trắng, chim sẻ, chim sắt, sa sả, chèo bẻo… về nghỉ trưa tắm mát. Ðến chiều mát, khi khuất ánh mặt trời, nhìn lên các tán cây to, có từng bầy khỉ, từng cặp vượn chí choé nựng con, từng đôi chim công, tố hộ vươn cánh, xoè đuôi nhảy múa…”. Thật có khác nào với truyện Ðất rừng phương Nam của nhà văn Ðoàn Giỏi đã lên phim.

Ðất quê ta vẫn còn mênh mông. Chỉ tiếc…

NGUYỄN