Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất san lấp, có thiếu không? 

Cập nhật ngày: 11/04/2023 - 23:42

BTN - Hy vọng tình trạng “khát” nguồn vật liệu xây dựng tại các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho các dự án giao thông trọng điểm “về đích” theo kế hoạch...

Một mỏ khai thác đất tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Thời gian qua, tại các công trình thi công dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như dự án nâng cấp, mở rộng ĐT 782-ĐT 784 (đoạn từ tuyến tránh QL22 đến ngã tư Tân Bình); đường Đất Sét - Bến Củi và đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công các dự án đều gặp khó khăn trong việc tìm vật liệu xây dựng phục vụ công trình, nhất là nguồn đất san lấp. Vậy nguồn đất san lấp trong tỉnh có thật sự “khát” như các nhà thầu phản ánh hay không?

Dự án một nơi, mỏ đất nằm một nẻo

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khát” nguồn đất san lấp tại các dự án giao thông trọng điểm do hiện nay các mỏ vật liệu đất, sỏi đỏ trên địa bàn thị xã Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu (kể cả các vùng lân cận) khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu của dự án, các nhà thầu phải huy động từ các huyện Tân Châu, Tân Biên về công trình với cự ly vận chuyển xa (khoảng 80-90km) làm mất thời gian và tăng chi phí nên ảnh hưởng đến tiến độ công trình (tuyến đường ĐT 787B, ĐT 789).

Theo đơn vị này, do các mỏ vật liệu trên địa bàn không đáp ứng trữ lượng cho các dự án nên khi lập dự toán Dự án thành phần 1 - tuyến đường N8, cự ly vận chuyển ở các mỏ từ Tân Biên, Tân Châu về đến công trình rất xa, dẫn đến giá trị dự toán tăng cao.

Như vậy, nguồn đất san lấp trong tỉnh không “khát” trầm trọng, nhưng nguyên nhân là do “dự án một nơi, các mỏ đất nằm một nẻo”.

Tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, theo ghi nhận có hai mỏ khai thác khoáng sản (đất san lấp) đang khai thác. Thế nhưng theo đại diện một mỏ khoáng sản ở đây, phần lớn đất san lấp dành cho các công trình giao thông của doanh nghiệp này trúng thầu. Mỏ khoáng sản còn lại, phần đất là đất sét gạch và doanh nghiệp này cũng dành để phục vụ việc sản xuất gạch của doanh nghiệp. Hai doanh nghiệp này cũng thừa nhận có bán đất san lấp nhưng khối lượng không nhiều.

Ở thị xã Trảng Bàng, khó khăn lắm mới tìm thấy một mỏ khai thác đất ở ấp Bình Lợi, xã Phước Bình. Theo chủ doanh nghiệp, mỏ khai thác đất còn thời hạn tới năm 2025. Doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề xây dựng cầu đường bộ nên đất san lấp chủ yếu dành cho các công trình mà doanh nghiệp đã được lựa chọn thầu. Theo đại diện doanh nghiệp, không có đất dư để bán ra ngoài.

Thiếu hụt đất san lấp cộng với phát sinh người dân đào lấy đất công trình nên nhà thầu chỉ biết khó ròng (ảnh chụp tại dự án đường 787B)

Nhà thầu gian nan xoay xở nguồn đất

Một đại diện mỏ khoáng sản đất san lấp ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết, cách đây vài tháng, các ngành chức năng có khảo sát trữ lượng đất san lấp của mỏ. Một vài nhà thầu thi công các công trình giao thông trọng điểm ở Trảng Bàng, Dương Minh Châu có đề nghị báo giá đất san lấp cộng luôn chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, khoảng cách từ mỏ khai thác đất đến công trình đến khoảng 70km, hiện tại, giá vận chuyển mỗi ki-lô-mét dao động khoảng 30 ngàn đồng, khoảng cách xa thì mức trung bình có thể thấp hơn.

Đó chỉ là chi phí vận chuyển chứ chưa tính đến giá đất san lấp, hiện tại giá đất san lấp tại mỏ khoảng 140 ngàn đồng/m3. Như vậy, nếu với cự ly vận chuyển từ mỏ đất đến các công trình giao thông đang triển khai thi công có khoảng cách 70km, giá một xe đất san lấp có khối lượng 10m3 hơn 3 triệu đồng.

Cũng theo một nhà thầu thi công, nếu vận chuyển đất san lấp từ các mỏ khai thác đất nằm trên địa phận huyện Tân Biên về công trình có thể với khoảng cách xa hơn thì giá tiền đất san lấp cao hơn so nhiều với giá tham gia dự thầu. Vì vậy nhà thầu không thể mua đất san lấp từ các mỏ xa như vậy để thi công công trình.

Có nhà thầu có mỏ khai thác đất đành chấp nhận “lỗ” để vận chuyển nguồn đất về công trình triển khai thi công. Các nhà thầu khác trông chờ vào nguồn đất mua từ các tỉnh, thành lân cận và được đưa về bằng sà lan theo đường thuỷ để giảm chi phí nhưng không thể chủ động được nguồn đất san lấp.

 Đó là chưa kể đến đá xây dựng phục vụ công trình hiện tại cũng phải phụ thuộc vào mỏ đất của các tỉnh, thành lân cận, còn mỏ đá Lộc Ninh chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.

Trước kiến nghị của các chủ đầu tư và nhà thầu về sự bất cập dẫn đến nguồn đất san lấp phục vụ các công trình giao thông trọng điểm ở tỉnh khan hiếm. Sở Xây dựng cho biết sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án trên cơ sở rà soát lại các mỏ đã khai thác.

Hy vọng tình trạng “khát” nguồn vật liệu xây dựng tại các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho các dự án giao thông trọng điểm “về đích” theo kế hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong tương lai.

Thế Nhân