BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đất trả công người

Cập nhật ngày: 21/02/2011 - 12:20

Theo chân đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Tân Hội (Tân Châu) đi thăm trang trại của anh Hồ Thanh Tùng, hội viên của Hội.

Rẫy mì của anh Tùng mới trồng được gần 4 tháng đang rất xanh tốt, cây mì đã cao hơn đầu người, đất dưới gốc cây bị nứt nẻ do củ mì đang phát triển.

Năm 2010, anh Tùng thu hoạch mì đạt năng suất “kỷ lục”, chưa từng có ở xã Tân Hội: bình quân 70 tấn/ha. Giá bán thời điểm này từ 130 đến 140 triệu đồng/ha. Trừ chi phí đi anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Hỏi bí quyết nào trồng mì đạt năng suất cao như thế, anh Tùng vui vẻ trả lời: không có bí quyết gì đâu, trồng mì trước hết phải làm đất thật kỹ, chú trọng khâu cày bừa làm cho đất xốp. Đất xốp giúp cây mì phát triển nhanh và có nhiều củ. Trước tiên là cày phá lâm, sau đó mới cày bừa lại ba lần cho đất tơi xốp rồi mới tiến hành trồng. Có nhiều giống cây mì nhưng anh Tùng chọn giống mì K98. Kinh nghiệm của anh là giống mì K98 rất thích hợp với chất đất ở đây, mì phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao. Anh cũng chú trọng khâu chăm sóc, cần tăng cường lượng phân khi bón lót, vì bón lót thì phân nằm ở dưới đất không bị rửa trôi lúc trời mưa và hạn chế bị bốc hơi. Theo anh: “Một ha mì, tôi thường bón lót 200 bao tro, 1.000 kg phân vi sinh Komix + 1.000 kg lân + 6 bao 20-20-15 loại con cò vàng. Bón thúc làm hai đợt, mỗi đợt 2 bao phân 20-20-15 con cò vàng. Đợt bón cuối cùng phải trộn với 3 bao phân kali để củ mì có trữ lượng bột cao. Về mùa khô phải tưới nước liên tục, đảm bảo đủ nước, đủ độ ẩm cho cây và củ mì phát triển nhanh. Đúng như ông bà ta đã dạy: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Anh Hồ Thanh Tùng (thứ 2 từ trái qua)

Trang trại của anh Tùng trồng mì xen kẽ cao su. Khắp các rẫy mì, cao su đều có lắp đặt hệ thống máy tưới, tưới nước liên tục suốt ngày đêm. Trong trang trại của anh có 6 căn nhà xây dùng cho công lao động ăn ở sinh hoạt và chứa các máy móc, phân bón. Trang trại của anh Tùng luôn duy trì việc làm thường xuyên cho 21 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thu hoạch, số lao động tăng lên khoảng trên 50 người.

Là ông chủ của một trang trại khá rộng lớn, anh Hồ Thanh Tùng luôn vui vẻ với mọi người. Ở tuổi 42, trông anh trẻ trung hơn so với tuổi đời. Anh tâm sự với chúng tôi: quê anh ở tỉnh Bình Định, mùa khô thì nắng hạn làm đất khô cằn, mùa mưa thì bão lũ thiên tai. Anh đã vào thành phố HCM làm thuê đủ nghề, tích cóp dành dụm được vài triệu đồng, dự tính về quê lấy vợ. Đầu năm 1996 tình cờ anh lên Tây Ninh, tới xã Tân Hội, thăm người anh em bà con, thấy đất đai ở đây phì nhiêu, tươi tốt… anh mê liền nên đã ở lại và gắn bó với mảnh đất này. Đất đai lúc đó còn rất rẻ, anh Tùng đã mua 3 ha đất ở sâu trong rẫy để trồng mía. Anh làm một cái chòi ngay trong rẫy để ở. Anh còn mua hai con bò sinh sản, vừa chăm sóc mía vừa chăn nuôi bò. Rẫy mía của anh ở giáp sông Tha La, khu vực này khi đó vắng vẻ không có người ở, đường sá đi lại rất khó khăn. Từ sáng sớm, anh Tùng đã thức dậy đi thả bò ở bãi cỏ gần bờ sông, rồi về làm cỏ chăm sóc cho rẫy mía. Tối đến anh đi giăng lưới bắt cá, ai thuê mướn làm cỏ hoặc rải phân anh đều nhận làm để kiếm thêm thu nhập. Đang ở thành phố đông vui, nhộn nhịp, đèn điện sáng trưng, bây giờ ở một mình lủi thủi trong nương rẫy nhưng anh Tùng vẫn cố chịu, kiên trì, quyết chí phấn đấu vươn lên. Bán mía có tiền, anh lại tập trung mua thêm đất sản xuất. Đàn bò của anh sau vài năm đã có gần 20 con. Vụ mía năm 1999 – 2000 mất giá, không ít người trồng mía thua lỗ phải bán đất đi để trang trải nợ nần. Anh Tùng vẫn kiên trì bám lấy đất, Anh bán hết đàn bò, vay mượn thêm tiền của anh em bà con, bạn bè đầu tư mua thêm đất. Anh cũng tích cực đi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng, chăm sóc: mía, mì, cao su. Các lớp học tập, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng anh đều hăng hái tham gia. Anh luôn luôn xác định phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới có thể thành công.

Chăm chỉ lao động, biết tính toán làm ăn, giờ đây anh Tùng đã có trong tay hơn 65 ha đất sản xuất, gồm 25 ha mía và 40 ha cao su trồng xen kẽ mì. Anh mua 2 công đất ở mặt đường lộ 875 và xây dựng căn nhà tường rộng lớn khang trang, trong nhà có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt sang trọng đắt tiền. Anh cũng đã sắm ôtô du lịch và sắm hẳn 4 xe máy cày để phục vụ cho cày bừa, vận chuyển hàng nông sản. Trừ các chi phí đi, hằng năm gia đình anh còn thu lãi trên 1,5 tỷ đồng. Làm ăn giỏi, anh Tùng còn là hội viên tích cực của Hội Nông dân, rất hăng hái tham gia các phong trào thi đua của Hội, nhiệt tình đóng góp xây dựng nhà đại đoàn kết giúp cho người nghèo hoặc ủng hộ đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, tàn tật… Nhiều năm liền anh được cấp trên biểu dương là nông dân sản xuất giỏi của xã Tân Hội.

CÔNG HUÂN

 

 


 
Liên kết hữu ích