Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo báo cáo của UBND huyện Dương Minh Châu, năm 2020, nhiều diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, cây mì, chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao, với tổng diện tích 2.222,7 ha.
Một khu đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng tại địa bàn xã Truông Mít.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đồng nghĩa với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cụ thể, diện tích lúa một vụ chuyển sang trồng cây hằng năm là 1.172,3 ha, cây lâu năm 870,7 ha, nuôi trồng thuỷ sản 4,7 ha; diện tích lúa hai vụ chuyển sang trồng cây lâu năm là 175 ha. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất nông nghiệp tính đến năm 2020 đạt 120,96 triệu đồng/ha/năm, tăng 25,3% so với năm 2016.
Riêng trong năm 2021, đất lúa một vụ trên địa bàn huyện được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 200 ha, cây lâu năm 332 ha. Trong đó, cây sầu riêng (150 ha) chiếm diện tích chuyển đổi nhiều hơn so với các loại cây khác, kế đến là cây mì và mãng cầu. Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của UBND huyện giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sẽ được chuyển đổi là 3.092 ha. Trong đó, lúa một vụ chuyển sang trồng cây hằng năm là 740 ha, trồng cây ăn quả 2.308 ha, nuôi trồng thuỷ sản 44 ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, điều kiện về đất đai, nguồn nước, khí hậu, nhu cầu của thị trường; hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi…
Cần nói rõ, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đồng nghĩa với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, chính quyền sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Công tác quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, bảo đảm chất lượng cây giống, các loại vật tư thiết yếu sẽ được chú trọng.
UBND huyện Dương Minh Châu xác định, lấy hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường làm mục tiêu phát triển lâu dài, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch. UBND huyện sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; tổ chức liên kết trong sản xuất, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất.
Về nguồn lực, UBND huyện Dương Minh Châu tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và nguồn ngân sách của tỉnh; các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến công, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; chỉ đạo các phòng chức năng của huyện tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ cùng phối hợp thực hiện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đối với UBND các xã, thị trấn, căn cứ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của huyện, xây dựng kế hoạch theo địa bàn quản lý phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Niêm yết công khai thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân có nhu cầu biết, thực hiện; phối hợp với các phòng, ban, ngành huyện triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.
Minh Quốc