Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng:
Đất trồng lúa thành “công trường”
Thứ bảy: 07:05 ngày 25/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, bảo đảm hài hoà lợi ích cho người trồng lúa.

Con đường tự phát có quy mô dài khoảng 500m thi công trên đất trồng lúa.

Phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, bảo đảm hài hoà lợi ích cho người trồng lúa.

Đất lúa bị “tác động” quy mô lớn

Gần một tháng qua, người dân khu vực cánh đồng Lộc Trung, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng bức xúc trước việc một khu đất nằm giữa cánh đồng trồng lúa có đầy đủ hệ thống thuỷ lợi lại bị chủ đất cho san lấp rầm rộ.

Một người dân địa phương hướng dẫn phóng viên theo con đường kênh nhánh dẫn vào cánh đồng lúa. Không thể tin vào mắt mình khi ngay giữa cánh đồng lúa lại xuất hiện một con đường trải sỏi thi công kiên cố có bề rộng khoảng 4m. Đi theo con đường tự phát này khoảng 500m, bắt gặp một khu đất được san ủi bằng đất đỏ có mặt bằng khoảng 3 ha, một xe máy đào đang tích cực đào múc khu đất.

Người dân bức xúc cho biết, cả cánh đồng mấy chục héc-ta đất chuyên trồng lúa thế này mà một chủ đất (được cho là từ Thành phố Hồ Chí Minh lên mua đất) tự ý san lấp mặt bằng với diện tích lớn như thế, rồi làm đường cắt ngang cánh đồng.

Vậy những người dân chuyên canh tác lúa để sinh sống còn lại trên cánh đồng này sẽ ra sao khi mà con đường tự phát và khu đất chắn ngang, cản trở việc thoát nước, lấy nước canh tác của người dân.

Người dân thắc mắc, dù chủ khu đất san lấp các mảnh đất ruộng và tự làm đường gần cả tháng qua, xe vận chuyển đất, xe cơ giới tập trung làm rầm rộ nhưng chính quyền xã Hưng Thuận không hề có động thái gì. Điều đó làm cho những người nông dân chuyên canh tác lúa trên cánh đồng này vô cùng bức xúc.

Hàng ngày ông Âu Hoàng Hải phải bơm nước từ kênh Đông vào ruộng lúa đang canh tác.

Dân kêu khổ vì trang trại vịt

Ông Âu Thái An (sinh năm 1976, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) đang canh tác lúa tại cánh đồng Lộc Trung không khỏi bức xúc vì hằng ngày phải cho máy bơm hút nước từ kênh Đông để đưa nước vào ruộng lúa với diện tích khoảng 6 ha. Nguyên nhân cản trở việc lấy nước, thoát nước của người trồng lúa vì một trang trại vịt được xây dựng ngang cánh đồng.

Theo ông An, trước đây, những hộ dân canh tác lúa tại cánh đồng này mỗi năm canh tác được 2 vụ nên thu nhập khá ổn định. 3 năm trước đây, một người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh lên mua đất xây dựng trang trại nuôi vịt. Bức tường của trang trại đã chắn ngang con mương vốn cung cấp nước tự nhiên cho cánh đồng, dẫn đến khoảng 6 ha đất trồng lúa của ông bị mất nguồn nước canh tác.

Để có nước tưới trong vụ Hè Thu, hằng ngày người dân phải lấy nước từ kênh Đông bơm vào. Đến vụ Mùa, bức tường rào của trang trại ngăn lại không có đường cho nước thoát, dẫn đến các cánh đồng khu vực bị ngập nên người dân không thể trồng lúa.

Từ khi có trang trại vịt mọc lên, cánh đồng lúa này trước đây canh tác được 2 vụ, nhưng khoảng 3 năm nay chỉ canh tác được duy nhất 1 vụ.

Ông An bức xúc nói, việc phải bơm nước tưới cánh đồng làm tăng chi phí sản xuất lúa, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Chua chát hơn, dù có đất nhưng vào vụ mùa người nông dân không thể xuống giống, bất lực nhìn cánh đồng bị ngập mà nguyên nhân chính là bức tường của trang trại nuôi vịt. Khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương cử người xuống xem xét, thấy rõ những gì người dân đang gánh chịu.

Nhiều nông dân khác canh tác lúa trên cánh đồng Lộc Trung đều kiến nghị chính quyền và cơ quan có thẩm quyền xem lại việc chủ đất tự ý san lấp, mở đường và cất trang trại trên đất trồng lúa có đúng quy định hay không. Cơ quan có thẩm quyền có chấp nhận không? Nếu không xử lý dứt điểm vấn đề này thì nhiều diện tích đất trồng lúa sẽ phải bỏ hoang do các trang trại mọc lên gây ảnh hưởng đến việc canh tác của người dân.

Người dân cung cấp thêm, tại xã Hưng Thuận còn có nhiều trang trại khác nữa được xây cất trên đất lúa. Vì vậy, chính quyền cần vào cuộc kiểm tra để có hướng xử lý, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người làm kinh tế trang trại và người dân canh tác lúa.

Một diện tích đất lúa rộng hàng ha được san lấp rất quy mô, nhưng chính quyền xã Hưng Thuận mới nắm thông tin vài ngày qua.

Chính quyền nói gì

Trao đổi với Báo Tây Ninh, Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận cho biết, việc chủ khu đất lúa tự ý san lấp, làm đường kiên cố, chính quyền xã mới phát hiện và đang cho lập biên bản đình chỉ để xử lý theo hướng buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu đất trước khi vi phạm. Riêng đối với trang trại vịt mà người dân phản ánh, xã Hưng Thuận sẽ cho họp dân cùng chủ trang trại, bàn phương án thiết kế mương thoát nước để bảo đảm hài hoà lợi ích các bên.

Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin xung quanh vấn đề nêu trên, đồng thời tìm hiểu, phản ánh kịp thời thực trạng nhiều trang trại hình thành trái phép trên đất trồng lúa tại các địa phương.

An Khang - Tầm Hoan

Tin cùng chuyên mục