Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dấu ấn dòng họ Phạm trong tiến trình mở cõi ở Tây Ninh
Chủ nhật: 23:16 ngày 14/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dòng họ Phạm là một trong những dòng họ khẩn hoang đầu tiên tại vùng đất này.

Từ giữa thế kỷ XVII, người Việt theo cuộc Nam tiến đi khai khẩn đất đai, định cư ở Hóc Môn rồi di chuyển dần đến Trảng Bàng, qua Gò Dầu rồi lên tận núi Bà Đen. Theo gia phả của một số gia đình ở Tây Ninh, vùng đất Bình Tịnh (nay là phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) được coi là một trong những nơi người Việt đến định cư từ rất sớm. Trong đó, dòng họ Phạm là một trong những dòng họ khẩn hoang đầu tiên tại vùng đất này.

Khung cảnh bên ngoài nhà thờ họ Phạm tại khu phố Bàu Mây. (Ảnh: Phí Thành Phát)

Theo dấu xưa

Theo cuộc Nam tiến, ông Phạm Văn Tân từ vùng Ngũ Quảng đến Hóc Môn, đi qua Củ Chi đặt chân tại làng Bình Tịnh để khẩn hoang, lập nghiệp và gầy dựng dòng họ. Nơi vùng đất mới còn hoang vu, nhiều thú dữ mà trong dân gian đến nay còn truyền miệng câu ca dao “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Ngoài kiếm sống bằng nghề làm nông, dùng thuốc Nam để chữa bệnh cứu người, ông Phạm Văn Tân còn dạy võ cho người dân trong vùng để tự vệ.

Cùng đi với ông Phạm Văn Tân có hai người con là ông Phạm Văn Xanh và bà Phạm Thị Tươi và các cháu Phạm Văn Hồ, Phạm Văn Hảo, Phạm Văn Hớn (là con của ông Xanh) đến khai khẩn ở An Đước. Theo “Tiểu sử làng An Tịnh”, An Đước khi xưa có tục danh là xóm Suối Sâu. Dù ngày nay suối đã cạn nhưng vẫn dùng làm ranh giới giữa An Tịnh và Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh).

Xưa, vùng này có ba xóm: Lợi Hoà Đông, Bàu Mây nằm giữa quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22A) và Tịnh Phong. Năm 1908, làng sáp nhập 3 xóm này lại gọi là ấp An Đức hay An Đước. Sau nhiều lần tách nhập địa giới hành chính, vùng đất này hiện nay là 4 khu phố An Đước, Bàu Mây, Suối Sâu và Tịnh Phong của phường An Tịnh. Đến nay, con cháu họ Phạm vẫn còn sinh sống tại các khu vực này.

Rời miền đất Trảng, con gái ông Phạm Văn Tân là bà Phạm Thị Tươi lấy chồng về Gò Dầu tiếp tục khẩn hoang. Nhà bên cạnh con suối (nay thuộc địa phận Suối Cao A, xã Phước Đông), bà dạy võ cho cư dân trong vùng.

Theo lời kể của người dân địa phương, bà còn mở quán nước làm nơi nghỉ chân cho những người đi rừng. Đến nay, tên của bà trở thành địa danh của xóm, của chợ, của cầu và trong thơ ca dân gian.

Bà Phạm Thị Ánh (89 tuổi) thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên.

Tại ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu hiện nay dân gian vẫn quen gọi với nhau là xóm Bà Tươi. Chợ Phước Đông từ trước năm 2007 người dân vẫn gọi là chợ Bà Tươi. Đứng từ chợ còn nhìn thấy cầu Bà Tươi bắc ngang qua suối mang tên bà, nối đôi bờ ấp Suối Cao A và ấp Phước Đức A thuận tiện cho giao thông qua lại. Hiện bên cạnh con suối mang tên bà còn ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ của làng, quanh năm được dân địa phương hương khói.

Đến Gò Dầu, còn nhớ mọi người vẫn truyền miệng nhau bài thơ:

   “Nhà em ở xóm Gò Dầu,

   Ra đi nhớ mẹ lại rầu bốn phương.

   Nhớ rồi nghĩ lại càng thương,

   Bước qua mương Sáng, em vô Bời Lời.

   Bời Lời cũng thấy vui vui,

   Nhớ về bóng mẹ, suối Bà Tươi thật thà”

Hậu duệ của dòng họ Phạm còn giỏi chữ Nho, am tường y học. Đời thứ 5 có ông Phạm Văn Thậm từng giữ chức Hương sư dạy học ở làng An Tịnh. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nhiều gia đình họ Phạm tham gia nuôi giấu cán bộ, bộ đội hoạt động cách mạng. Nhiều người con họ Phạm đã hy sinh bảo vệ quê hương An Tịnh, bảo vệ độc lập hoà bình cho Tổ quốc đã được Nhà nước phong liệt sĩ.

Việc thờ cúng trong dòng họ Phạm

Trong khoảng năm 1946, do chiến tranh loạn lạc, dòng họ phải bỏ nhà sơ tán nên việc thờ cúng tại miếu đã bị gián đoạn. Tuy vậy, việc thờ tổ tiên của dòng họ vẫn được duy trì trong từng gia đình, một lòng tròn đạo hiếu với tổ tiên.

Ngôi nhà của ông Phạm Văn Chơn- hậu duệ đời thứ 7 giữ gia phả bằng chữ Nho của dòng họ bị cháy nên gia phả cũng không còn, chỉ còn giữ lại được bài vị “Cửu huyền thất tổ” và một số thư tịch xưa. Đến năm 1954, ông Phạm Văn Dối đã thực hiện lời hứa với các bậc tiền hiền lập lại miếu thờ họ bên cạnh gốc cây xay trên mảnh đất do dòng họ khai khẩn.

Mộ ông Phạm Văn Di tại nghĩa địa Cây Xay khu phố Bàu Mây. (Ảnh: Phí Thành Phát)

Ảnh hưởng bởi chiến tranh, ngôi miếu thờ của dòng họ nhiều lần phải di dời. Cây xay tại miếu cũng bị quân Mỹ ủi gãy. Hoà bình lập lại, cho đến năm 1981, ông Phạm Văn Dối cùng dòng họ về nơi xưa lập lại nhà thờ phụng cúng tổ tiên cho đến nay. Từ đó, nhà thờ họ Phạm được bà con quen gọi là miếu Cây Xay.

Nhà thờ hiện toạ lạc trong đồng mả Cây Xay thuộc khu phố Bàu Mây, phường An Tịnh, được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, mái lợp tôn, bên trong có hai bàn thờ chính là Cửu huyền thất tổ và Tiên sư tổ sư. Bên ngoài miếu có các bàn thờ Phật bà Quan Âm, Thổ Địa và miễu ông Tà dưới chân cây xay.

Đến nay, nhà thờ họ Phạm vẫn còn giữ tục cúng việc lề vào ngày 12.2 (nông lịch), cứ ba năm cúng lớn một lần có diễn xướng dân gian, đây là dịp để con cháu từ khắp nơi cùng trở về quây quần bên nhau tưởng nhớ tổ tiên. Mâm cúng được dọn trên chiếc chiếu trải dài trước bàn thờ, trong mâm cúng có các món ăn đặc sản địa phương, đặc biệt phải có món cá lóc nướng trui trên để thêm vài hạt muối trắng, đây là dấu hiệu riêng để nhận biết của dòng họ Phạm. Bên ngoài sân nhà thờ bày thêm hương án cúng Sơn thần (ông Hổ) có thịt sống hoặc heo quay gợi nhớ về thời khẩn hoang mở cõi của tổ tiên.

Trước đây, vào ngày tiên thường 11.2, con cháu trong dòng họ đi săn bắt các loài chim, động vật ở rừng về chế biến để dâng cúng tổ tiên. Ngày nay, lệ này không còn.

Trải qua hơn 7 đời, con cháu họ Phạm đã sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông, cùng nhau thờ cúng tổ tiên, bảo ban con cháu và chung sức, đồng lòng góp sức cho quê hương An Tịnh ngày càng phát triển.

Minh Trí

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
mua nhang trầm sạch
Tin cùng chuyên mục