Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần 200 năm nay, làng Vĩnh Xuân vẫn là khu buôn bán sầm uất và chứa đựng nhiều lớp địa tầng văn hoá của vùng đất Tây Ninh. Làng Vĩnh Xuân nay đã có nhiều thay đổi, nhưng thấp thoáng giữa lòng TP. Tây Ninh vẫn còn một số công trình kiến trúc lưu dấu thời gian.
Cầu Quan mới được xây dựng lại vẫn giữ kiến trúc cũ.
Làng Vĩnh Xuân xưa
Ngày nay, nhắc tới làng cổ Vĩnh Xuân, nhiều người có thể không hình dung được khu làng này ở đâu trên vùng đất Tây Ninh. Tuy nhiên, nếu có dịp tản bộ hoặc điều khiển phương tiện giao thông chầm chậm qua các con đường trên địa bàn phường 1, TP. Tây Ninh, sẽ nhận ra nơi đây còn nhiều dấu ấn của thời xa xưa.
Có thể nhận ra khu phố cổ đã tồn tại gần 200 năm là phố Gia Long. Gọi là phố cổ Gia Long bởi khu vực này toạ lạc hai bên đường Gia Long cũ, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám. Nơi đây từng là một khu phố dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp khá sầm uất. Khu phố chỉ trải dài khoảng 300m, hai bên đường nhà san sát nhau, người dân sinh sống bằng nghề kinh doanh. Có thể tìm thấy ở đây đủ các mặt hang, từ chế biến thủ công thô sơ đến sản xuất theo kỹ thuật hiện đại; từ ly nước sâm giải nhiệt mát lạnh, những chiếc bánh bao, bánh mì nóng hổi, cây kim, cuộn chỉ đến các mặt hàng gia dụng như nồi cơm điện, bếp từ, đồng hồ, máy lạnh, máy giặt, xe gắn máy… Đến nay, trên khu phố này vẫn còn nhiều cửa hiệu nổi tiếng của người Hoa đã trở thành quen thuộc đối với người dân Tây Ninh, như Phú Lai, Quảng Hải, Quảng Lợi v.v...
Bà Lương Thạch Quang, 72 tuổi, người dân phố cổ Gia Long nhớ lại: “Bà nội của tôi là người Hoa đầu tiên về đây sinh sống. Lúc đó, nơi này còn hoang sơ. Bà cất căn nhà vách ván đơn sơ để ở. Sau đó, xây lên nhà tường, lợp ngói, mở tiệm buôn bán nước giải khát. Những năm tiếp theo, có thêm nhiều người Hoa chạy giặc cũng đến đây làm ăn. Có người mở tiệm bán nước giải khát, có người bán cơm. Dần dần hình thành khu phố Gia Long chuyên về kinh doanh buôn bán và duy trì hoạt động đến nay”.
Một cơ sở tôn giáo đã tồn tại hơn 150 năm, đến nay còn mang tên ngôi làng cổ là chùa Vĩnh Xuân (Phước Lâm tự). Ngôi cổ tự này được xây dựng năm 1872, toạ lạc ven rạch Tây Ninh (trên đường Phan Chu Trinh, phường 1, TP. Tây Ninh ngày nay). Tuy không được xây dựng trên núi Bà Đen, nhưng đây là một trong những chùa thuộc hệ thống chùa của núi Bà Đen. Nguyên do, ngày xưa, giao thông đường bộ chưa phát triển, hầu hết tăng ni, phật tử, khách hành hương từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên viếng chùa Bà đều di chuyển đường sông. Họ đi thuyền men theo sông Vàm Cỏ Đông, vào rạch Tây Ninh và neo thuyền trước chùa Vĩnh Xuân. Sau khi nghỉ ngơi qua đêm, khách hành hương tiếp tục di chuyển bằng đường bộ lên núi Bà Đen tham quan, cúng viếng.
Chùa Vĩnh Xuân còn là nơi dự trữ lương thực để đưa lên hệ thống chùa Bà trên núi. Hiện nay, trước sân chùa vẫn còn tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát, hồ bán nguyệt trồng sen trắng và các ngôi mộ cổ của các vị trụ trì tiền nhiệm đã viên tịch. Thầy Thích Niệm Lực, trụ trì chùa Vĩnh Xuân cho biết: “Ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn cố gắng giữ gìn kiến trúc cũ, để ghi dấu thời khai sơn lập điện của tín ngưỡng thờ Bà Đen trên vùng đất Tây Ninh”.
Chùa Vĩnh Xuân- cơ sở tôn giáo mang tên làng cổ Vĩnh Xuân.
Sự tích bến Trường Đổi
Cách chùa Vĩnh Xuân vài trăm mét còn có một địa danh của làng Vĩnh Xuân xưa, đó là bến Trường Đổi. Trong ghi chép “Tây Ninh xưa và nay”, tác giả Huỳnh Minh giải thích sự tích bến Trường Đổi là do những người Chàm (người Chăm ngụ phường 1) ở đây chán ghét người Pháp, không đem sản vật ra chợ bán cho quân giặc. Người Chàm chỉ trao đổi hàng hoá với người Việt. Địa điểm họp trao đổi hàng hoá giữa người Chàm và người Việt được gọi là bến Trường Đổi.
Trong bài viết “Trận đánh bến Trường Đổi 150 năm trước”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Việt miêu tả, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây từng diễn ra trận đánh khiến 12 quân lính cùng quan Tham biện thiệt mạng. Trận thắng tuy không lớn, nhưng có ý nghĩa to lớn, cổ vũ tinh thần nghĩa quân, rằng chúng ta có thể đánh và tiêu diệt giặc Pháp.
Những năm gần đây, bến Trường Đổi được một người dân đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái với mong muốn lưu giữ địa danh xưa và phát triển khu sinh thái giữa lòng phố thị. Nhưng vì một số lý do, dự án này chưa hoàn thiện theo mong muốn. Hiện nay, một người khác đã đến thuê, mở quán cà phê lấy tên bến Trường Đổi. Trong khuôn viên có nhiều cây sanh cao to, rợp bóng mát quanh năm. Dưới bóng cây, chủ quán xây dựng một căn nhà mát theo kiến trúc cổ. Bên trong và ngoài căn nhà bày biện nhiều bàn cà phê. Nhưng đa số khách đến vẫn thích ngồi thưởng thức cà phê ở dãy bàn đặt dọc theo bờ rạch Tây Ninh.
Ở vị trí này, vừa nhâm nhi từng giọt đắng, vừa thoả sức ngắm nhìn những chiếc thuyền nhỏ thỉnh thoảng lướt trên dòng rạch. Vào mùa này, ngồi dọc bờ rạch còn có thể tận hưởng từng cơn gió nhẹ mang theo hơi nước phả vào người mát rượi.
Từ bờ rạch này còn có thể ngắm nhìn ngọn núi Bà Đen sừng sững giữa đồng bằng, nơi chất chứa nhiều huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn. Hoặc nhìn thấy vị trí của thành Săng-đá xưa- nơi thực dân Pháp đóng quân (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), để tưởng nhớ về trận đánh đã từng diễn ra hơn 150 năm về trước, khiến hơn 10 quan, quân Pháp thiệt mạng.
Cầu Quan cũng là dấu ấn của một thời làng cổ Vĩnh Xuân. Chiếc cầu này được cơ quan AKROF của Pháp xây cất năm 1924, có ba nhịp cầu vồng nối 2 bờ rạch Tây Ninh. Mặt cầu rộng 4 mét, hai bên có lối dành riêng cho người đi bộ.
Gần 100 năm qua, cầu Quan là công trình giao thông huyết mạch vào khu phố cổ Gia Long nói riêng, của thành phố Tây Ninh nói chung. Sau gần một thế kỷ sử dụng, chiếc cầu nổi tiếng ở thành phố Tây Ninh đã trở nên nhỏ hẹp, khó đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người và phương tiện giao thông. Vì vậy, năm 2012, chiếc cầu Quan huyền thoại được ngành giao thông tháo dỡ và xây dựng thay thế bằng chiếc cầu khác.
Cầu Quan mới vẫn giữ nguyên dáng dấp cũ, nhưng có chiều ngang rộng hơn, chịu tải cao hơn và có hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ, bảo đảm an toàn giao thông ban đêm. Những năm gần đây, Tây Ninh đầu tư xây dựng thêm cầu mới Trần Quốc Toản với quy mô lớn hơn, song song với cầu Quan, đồng thời, xây dựng đường Trần Quốc Toản rộng tương xứng để giảm tải cho cầu Quan và đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn qua phố cổ Gia Long.
Kiến trúc quán cà phê bến Trường Đổi.
Ngoài những di tích kể trên, làng cổ Vĩnh Xuân còn được gợi nhớ bởi một số công trình khác, như nhà Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên cùng nhiều ngôi nhà cổ khác được xây dựng từ thời Pháp, hiện còn tồn tại ở chợ Tây Ninh cũ và dọc hai bên bờ rạch Tây Ninh.
Làng cổ Vĩnh Xuân là tiền thân của thành phố Tây Ninh, đường sá, phố, phường rộng đẹp, khang trang hơn, dân cư đông đúc hơn, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Có thể nói làng cổ Vĩnh Xuân là một quyển biên niên sử thu nhỏ của hành trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng đất Tây Ninh xưa và nay.
Đại Dương