Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dấu ấn “những người hùng”
Thứ tư: 00:07 ngày 26/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Họ là những “chiến sĩ” kiên cường nhất trên mặt trận “không tiếng súng”, để lại dấu ấn đặc biệt trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Trong Khu điều trị hồi sức người nhiễm Covid-19 (ICU) đều là bệnh nhân nặng, nguy kịch, đa số là người có bệnh nền.

 “Khi vào ngành này, tôi đã xác định là cống hiến. Khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đi chống dịch, mình cũng phải góp sức vào. Tết này, tôi cũng nhớ nhà lắm, muốn về thăm quê, thăm cha mẹ, nhưng nếu tình hình chưa ổn, tôi sẽ ở lại tiếp tục công tác”. Bác sĩ Hà Thị Ngọc- Bệnh viện dã chiến số 6 Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu).

Huy động tốt nguồn nhân lực

Đầu tháng 12.2021, Tây Ninh là một trong các tỉnh, thành trên cả nước có số ca mắc Covid-19 tăng cao, mỗi ngày có gần 1.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Dù tỷ lệ tử vong ở mức thấp, nhưng số ca chuyển nặng, chuyển tầng 2, tầng 3 vẫn ở mức cao, gây quá tải ngành Y tế- cả về nhân lực và năng lực.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế và các địa phương đã cử các đoàn y, bác sĩ và cán bộ y tế đến hỗ trợ Tây Ninh chống dịch. Cụ thể, Bệnh viện E- Bộ Y tế cử 2 đoàn với gần 70 bác sĩ, điều dưỡng; đoàn y tế thành phố Hải Phòng cử 50 nhân viên y tế hay đoàn Quân y Sư đoàn 5 trực tiếp hỗ trợ thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 6 (KCN Phước Đông), các bệnh viện tầng 2, khu điều trị và hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ở giai đoạn trước, tỉnh Tây Ninh đã đón đoàn y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang vào hỗ trợ Tây Ninh kiểm soát dịch bệnh.

Bác sĩ CKII Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, sự hỗ trợ của các đoàn bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện E và các tỉnh, thành phố giúp giảm tải cho ngành Y tế tỉnh nhà, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều trị, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

“Những đóng góp của các đoàn y, bác sĩ thời gian qua rất lớn. Ngoài việc huy động nhân lực cho ngành Y tế, rất nhiều đoàn đã góp công, góp sức, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để chúng ta có được thành quả như ngày hôm nay”- bác sĩ Sơn nói.

Hôm nay đã khác hôm qua

Gói ghém lại tình cảm sau lễ cưới đơn sơ một tháng, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền (27 tuổi, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lên đường đi chống dịch. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, bác sĩ Tuyền được phân công chống dịch ở các tuyến dưới, đến khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đám cưới được tổ chức đơn sơ ở quê nhà. Hạnh phúc chưa được bao lâu, đầu tháng 11.2021, bác sĩ Tuyền tiếp tục lên đường đi chống dịch, trở lại Khu ICU (chăm sóc tích cực).

Bác sĩ Tuyền chia sẻ, thời điểm đỉnh dịch ở Tây Ninh, Khu ICU ngày nào cũng tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhân Covid-19 nặng. Áp lực liên tục gia tăng, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng phải nỗ lực hết sức để có thể cứu sống bệnh nhân. “Nhờ có sự hỗ trợ của đồng nghiệp bệnh viện, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện E, chúng tôi được học hỏi nhiều kinh nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19”- bác sĩ Tuyền nói. Đến nay, số bệnh nhân Covid-19 nặng giảm rất nhiều, công việc của y, bác sĩ đang điều trị trong Khu ICU Bệnh viện Đa khoa tỉnh đỡ vất vả hơn, không còn dồn dập như trước.

Đầu quân tại Trung tâm Y tế Gò Dầu hơn một năm, bác sĩ đa khoa Hà Thị Ngọc (30 tuổi, quê Đăk Lăk) đã có hơn 7 tháng đi chống dịch. Hơn một tháng qua, bác sĩ Ngọc túc trực tại Bệnh viện dã chiến số 6 Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu) mà chưa một lần về thăm quê.

Đây cũng là đợt thứ ba chị cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các điểm cách ly, bệnh viện dã chiến. Hỏi lý do vì sao chị chọn Tây Ninh để “đầu quân”? Bác sĩ Ngọc cười nói: “Ở đâu cũng chống dịch, nhưng tôi thích khí hậu ở nơi này, người Tây Ninh nhiệt tình vô kể”.

Trong bệnh viện dã chiến, y, bác sĩ lúc nào cũng căng mình làm việc, có đêm phải thức trắng để xử trí nhanh các tình huống, ca chuyển nặng. Bác sĩ Hoa cho biết thêm: “8 tiếng vào khu điều trị, khi ra ngoài chúng tôi tiếp tục làm hồ sơ, bệnh án cho bệnh nhân.

Mỗi tua trực một tuần, ra nghỉ một tuần xoay vòng. Đợt trước là vậy, còn đợt này, chúng tôi phải ở suốt vì không có người thay. Từ tháng 5.2021 đến nay tôi chưa một lần về nhà. Nay số bệnh nhân giảm rất nhiều, công việc chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn”.

Luôn tin vào ngày mới

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, cùng lực lượng quân đội, công an, doanh nghiệp, chức sắc, tôn giáo, tình nguyện viên, các tổ chức, cá nhân… tham gia chống dịch, ngành Y tế với vai trò chủ công đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Tất cả đều có những đóng góp quan trọng nhằm khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”. Bày tỏ công tác lực lượng ở tuyến xã những ngày qua, y sĩ Nguyễn Trọng Nhân- phụ trách Trạm Y tế xã Thái Bình (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Công việc của chúng tôi đã đỡ vất vả nhiều rồi, chỉ còn làm công tác chuyên môn như khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu, cấp cứu những F0 chuyển nặng, chuyển viện lên tuyến trên.

Từ đầu tháng đến nay, toàn xã có 4 ca F0 trở nặng và được cấp cứu, chuyển viện kịp thời. Tôi chỉ khuyên người dân nên tiêm vaccine đủ và sớm, khi có bệnh phải khai báo nhanh, tránh lây lan cho cộng đồng”.

Các bác sĩ Khu ICU (Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh) điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Tháng 10.2021, tỉnh thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, dỡ bỏ dần phong toả, giãn cách, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đến nay, hơn 90% các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 đạt trên 90%, đang tăng cường triển khai rộng rãi công tác tiêm mũi 3 cho người dân tại các địa phương để tăng thêm độ miễn dịch trong cộng đồng.

So với trước đây, khi số lượng ca nhiễm phát sinh từ 800 đến 1.000 ca/ngày, thì hôm nay, tình hình chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt hơn. Theo thống kê của Sở Y tế, thời điểm hiện tại, số ca mắc mới giảm còn 250 ca/ngày.

Bệnh nhân Covid-19 ở các tầng chỉ còn 240 ca. So sánh thời điểm đỉnh dịch có hơn 16.000 F0 điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, thì nay, số F0 chỉ còn khoảng 2.400 ca. Điều này cho thấy, tình hình dịch đã phần nào được kiểm soát tốt, nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh nhà cũng đáp ứng được công tác quản lý, điều trị F0 trong tháp 3 tầng.

Nhận định về công tác quản lý, điều trị F0, bác sĩ CKII Đỗ Hồng Sơn cho biết, ngành Y tế đang có hướng thay đổi mô hình “Mỗi trung tâm y tế sẽ có một chuyên khoa điều trị Covid-19”, tiến tới đóng cửa dần các bệnh viện dã chiến, đồng thời nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

“Trước đây, chúng ta có những bệnh viện dã chiến chuyên điều trị Covid-19, nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu cơ sở vật chất như một trung tâm y tế cấp huyện. Mô hình chuyển đổi này sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh Covid-19 cho người dân, công tác khám, chữa bệnh thông thường sẽ được nâng lên, phục vụ tốt hơn cho”- bác sĩ Sơn nói.

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là, đặc biệt khi chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam và đang có trong cộng đồng.

“Trong dịp tết nguyên đán này, khả năng lây lan dịch bệnh có thể xảy ra do việc tập trung đông người trong các hoạt động vui chơi, tham quan, họp mặt... Chúng tôi mong rằng, người dân không nên hoang mang, lo âu nếu chúng ta vẫn phải bảo đảm 5K tốt. Tuy nhiên, người dân cũng không nên tập trung quá nhiều, tránh bùng phát dịch bệnh trở lại”- bác sĩ Sơn chia sẻ.

Tâm Giang

“Sang năm mới, chúng tôi mong các ca bệnh Covid-19 sẽ giảm nhiều hơn nữa, để mọi người được vui hưởng tết bình an”. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền- Khu ICU, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh