Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đâu chỉ có U.23
Chủ nhật: 08:41 ngày 15/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu không phải là những người có đam mê thực thụ hoặc “dân trong nghề” thì cũng khó mà biết được chỉ tròn 1 tháng nữa, Đại hội Thể thao châu Á Asian Games (ASIAD) 2018 sẽ diễn ra. Nói đến ASIAD lúc này, có lẽ người hâm mộ chỉ biết đó là sự kiện mà đa số các cầu thủ U.23 Việt Nam sẽ góp mặt.

Đây là một câu chuyện đáng suy nghĩ đối với thể thao Việt Nam. ASIAD là đấu trường mà nền thể thao Việt Nam đang khao khát được chứng tỏ năng lực của mình. Tranh đoạt huy chương tại ASIAD gian nan không kém gì Olympic. 3 kỳ đại hội gần đây, đoàn thể thao Việt Nam chỉ có được 1 HCV mỗi kỳ. Tham vọng lớn nhất của chúng ta tại ASIAD sắp đến, cũng chỉ là 3 HCV. 


Vậy nhưng, không ai nói gì về các môn thể thao khác, những “hy vọng vàng” thật sự so với môn bóng đá vốn có thành tích tốt nhất trong lịch sử chỉ là vào đến vòng tứ kết hồi năm 2010. Những VĐV đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình, chỉ mong một lần thành công, để thể thao Việt Nam được rạng rỡ trên đấu trường châu lục, lại hoàn toàn không được biết đến. Những giọt mồ hôi, những câu chuyện cảm động khi vượt qua nỗi khó nhọc của đời sống để tập luyện hàng ngày, hàng giờ suốt nhiều năm trời đã không được nhắc đến. Chỉ vì giới truyền thông ưu ái dành hết thông tin cho U.23 Việt Nam. 

Tất nhiên, cũng không thể trách truyền thông hay người hâm mộ chỉ biết đến bóng đá mà quên đi hàng trăm tấm gương về nghị lực, hàng chục câu chuyện truyền cảm hứng từ những môn thể thao khác. Nói cho cùng, trách nhiệm đó thuộc về những nhà quản lý thể thao, và năng lực của họ trong việc phát triển nền thể thao chuyên nghiệp. 

Đơn cử như ngay ở môn bóng đá. Chỉ vì U.23 Việt Nam thi đấu ở ASIAD mà V-League buộc phải tổ chức đến 7 vòng đấu trong vòng có 5 tuần ngay trong dịp World Cup 2018 diễn ra. Trên thế giới, gần như chỉ duy nhất Việt Nam làm như vậy. Chỉ vì người hâm mộ đặt quá nhiều kỳ vọng vào U.23 nên các nhà quản lý cũng đành chiều theo dư luận, sẵn lòng bỏ qua mọi tiêu chuẩn thông thường. Điều này khiến cho V-League sa sút nghiêm trọng về lượng khán giả đến sân. Nhiều trận đấu kém chất lượng với những tỷ số “đáng ngờ” xuất hiện trong nhiều vòng đấu gần đây. V-League được xem là “xương sống” của nền bóng đá, là “cái nôi” tạo ra những Quang Hải, Tiến Dũng… nhưng chính V-League lại đang bị chi phối quá nhiều bởi các đội tuyển quốc gia, khiến cho quy trình phát triển trở nên ngược ngạo, chẳng khác gì tái diễn cảnh “xây nhà từ nóc”. 

Với bóng đá mà còn như vậy, huống hồ gì những môn thể thao khác. Nếu bản thân các nhà quản lý không thể tự giữ gìn giá trị môn thể thao của mình, không tìm cách để tạo sự quan tâm cho nó, không biết cách truyền thông hợp lý, thì cho dù sự cống hiến của các VĐV có nhiều hơn những cầu thủ U.23 bao nhiêu thì cũng chẳng ai biết đến. Rồi một khi phong trào không được phát triển, sự yêu thích trong cộng đồng ngày một ít đi, liệu có thể duy trì phần đỉnh cao mãi?

Ở một góc độ khác, việc đặt hết sự quan tâm vào U.23, chẳng khác gì tạo ra thứ áp lực quá lớn dành cho các cầu thủ trẻ. Cần phải nhớ rằng, kỳ tích ở U.23 châu Á có một phần đến từ sự thoải mái về tâm lý của cầu thủ, giúp họ càng chơi càng hay thay vì trở nên nặng nề về tinh thần. Nay, cả một cuộc hành trình của thể thao Việt Nam tại ASIAD gần như phụ thuộc vào khả năng thành công hoặc thất bại của đội tuyển U.23. Đó chắc chắn không phải là điều mà những ai có trách nhiệm với nền thể thao nước nhà mong muốn. Hãy tưởng tượng đến việc U.23 bị loại sớm và ASIAD cũng kết thúc với người hâm mộ, thì đó đâu phải là lỗi của các cầu thủ trẻ. 

Chúng ta từng nhận quyền đăng cai ASIAD 2018 với mong muốn khẳng định năng lực thể thao của mình chứ không phải chỉ để chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia chỉ yêu bóng đá mà thôi.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục