Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đâu chỉ là bổn phận
2010-11-02 11:29:00

“Khi giảng bài, muốn biết học sinh có hiểu bài hay không, chúng ta hãy nhìn vào mắt học sinh…”. Đó chính là kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên Trường THCS Thị trấn, huyện Dương Minh Châu.

“Khi giảng bài, muốn biết học sinh có hiểu bài hay không, chúng ta hãy nhìn vào mắt học sinh, nếu ánh mắt các em long lanh thì chứng tỏ các em hiểu bài, nếu ánh mắt mệt mỏi không linh hoạt thì chứng tỏ các em ấy chưa hiểu bài”. Đó chính là kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên Trường THCS Thị trấn, huyện Dương Minh Châu.

Tính đến năm học 2010-2011 này, cô Phượng vào nghề đã được 13 năm. Mỗi năm, cô lại tích luỹ thêm những kinh nghiệm phục vụ giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp. Những học sinh ương bướng, ngỗ nghịch khi được cô Phượng quan tâm, giúp đỡ đều trở nên ngoan ngoãn hơn. Khi nhắc đến cô, các em học sinh thường nói: cô Phượng thương học trò lắm! Tận tâm với nghề, thương học trò, cô Phượng đã giúp các em có hoàn cảnh khó khăn đã bỏ học có điều kiện trở lại lớp và an tâm học tập, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cho nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, có em Phan Văn Khởi, học trò lớp cô làm chủ nhiệm năm học vừa qua. Khởi có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng rất chăm học. Em đã từng đoạt giải học sinh giỏi vòng huyện, tỉnh. Để giúp em có điều kiện học tập tốt hơn, cô Phượng đã viết bài về em gởi cho chương trình Điều kỳ diệu của HTV7. Nhờ đó, em Khởi đã được chương trình tìm đến ghi hình, trước mắt tài trợ 12 triệu đồng. Chương trình đã phát sóng vào lúc 18 giờ 15 phút chủ nhật ngày 17.10.2010. Em Đoàn Thanh Lưu, học sinh lớp 9E do cô chủ nhiệm, cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, tưởng như phải nghỉ học. Nhờ cô Phượng viết bài về cảnh ngộ của em đưa lên Báo Tây Ninh, Báo Thanh Niên, Lưu đã được các nhà hảo tâm tài trợ hơn 10 triệu đồng và 100kg gạo. Công ty TNHH Tấn Hưng ở Tp Hồ Chí Minh còn nhận tài trợ cho em mỗi tháng 1,5 triệu đồng trong suốt thời gian đi học của Lưu. Chương trình Điều kỳ diệu của HTV7 đã đến quay phim về Lưu. Trước mắt, em đã nhận được sự tài trợ từ chương trình 12 triệu đồng. Và sau khi phóng sự về trường hợp của Lưu được lên sóng, em sẽ tiếp tục được sự giúp đỡ của cộng đồng.

Cô Phượng hướng dẫn học sinh trao đổi nhóm trong giờ học Địa lý lớp 7A2, năm học 2009-2010.

Cô giáo Phượng cũng rất quan tâm đến các em học sinh đặc biệt khó khăn ở trường khác. Trong đó, có em Dương Cẩm Phương, học sinh lớp 9, Trường THCS Suối Đá. Cha mất sớm, mẹ bị liệt nửa người, trong điều kiện gia đình như vậy, cô bé vẫn vượt khó học giỏi. Cô Phượng đã giúp em bằng cách đưa tin về chương trình Điều kỳ diệu, và Phương đã được tài trợ trên 15 triệu đồng (chương trình đã phát sóng hoàn cảnh của em vào tối chủ nhật 3.10.2010). Còn nhiều học sinh nghèo khó khác được cô Phượng dang tay giúp đỡ. Những bộ quần áo mới, những bộ sách giáo khoa do cô mượn lại từ các học sinh cũ, những cây viết bi màu xanh… cô Phượng đều chắt chiu dành cho học trò nghèo.

Yêu nghề, cô giáo Phượng luôn dành tâm huyết cho việc giảng dạy. Cô chưa bao giờ cho rằng môn Địa lý mà cô đang giảng dạy là môn học phụ. Cô bảo nếu bản thân giáo viên còn xem nhẹ thì làm sao lôi cuốn học sinh? Từ đó, cô Phượng luôn thực hiện đổi mới phương pháp trong giảng dạy với phương châm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cho các em. Những bài giảng của cô luôn cuốn hút học sinh, đưa các em đến những chân trời mới bằng cách thức nhẹ nhàng, dễ tiếp thu. Từng là học trò của cô, giờ đây chúng tôi đã trưởng thành và đã rời khỏi giảng đường đại học. Có người giờ đã là đồng nghiệp của cô. Thế nhưng, những bài giảng năm nào của cô vẫn còn văng vẳng bên tai. Đặc biệt, tôi nhớ cô viết bảng đẹp lắm. Chữ viết của cô lôi cuốn chúng tôi tập trung chú ý nhìn lên bảng, nhiều bạn trầm trồ, thán phục cô. Với ngần ấy năm cô Phượng đứng lớp, cũng là ngần ấy thời gian cô đạt những danh hiệu cao quý của nghề. Hai lần cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô còn nhận được giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi “Viết về gương điển hình tấm lòng yêu trẻ trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” của báo Yêu Trẻ do Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 2007.

Biết sắp xếp hợp lý giữa công việc ở trường và ở gia đình, cô Phượng thường bảo, vai trò của người phụ nữ trong việc “giữ lửa” gia đình là rất quan trọng, nếu không thường xuyên “hâm nóng” bữa cơm gia đình, thì cuộc sống gia đình sẽ rất tẻ nhạt, công tác cũng sẽ bị ảnh hưởng và học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi.

Tôi rất khâm phục cô Phượng, bởi hằng năm làm công tác chủ nhiệm, cô đều dành được thời gian đến thăm, tìm hiểu hầu hết hoàn cảnh gia đình học sinh của mình, được phụ huynh học sinh tin yêu và kính trọng. Những việc cô đã giúp đỡ học sinh thì nhiều vô kể, thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về việc ấy thì cô chỉ mỉm cười: “Có gì đâu, đó là bổn phận và trách nhiệm thôi”.

NGỌC XUÂN

 

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan