Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Câu chuyện pháp luật
Dẫu gì cũng khúc ruột rà
Thứ ba: 22:40 ngày 30/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hy vọng, khi tiến hành hoà giải tại toà, phía bị đơn kịp suy tính thiệt hơn, đúng sai trong việc “quyết chiến” để giữ được nhiều tiền nhưng kèm cái bia miệng của thế gian hay “thủ hoà”, bớt đi ít tiền nhưng giữ được tình cảm gia đình tốt đẹp.

Trước mặt tôi là T.T.S (sinh 1996), ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh, gương mặt hiền lành, có chút ngơ ngác có lẽ vì nghĩ nát óc, cậu cũng chẳng hiểu vì sao cô ruột lại đối xử với mình như người xa lạ- kể từ khi S phát hiện phần di sản thừa kế từ ông bà nội của cha cậu (mất năm 2011) bị cô mình “tước mất”. Khá nhiều lần, S tìm gặp cô để hỏi lý do, câu trả lời mà cậu luôn được nhận là: “Bút sa gà chết, mày đã ký cho rồi còn hỏi làm gì?”.

Trích lục hồ sơ từ cơ quan chức năng, cho thấy: Vợ chồng ông T.C.L- mất năm 1977 và bà V.T.Ð - mất năm 2003 không để lại di chúc. Hai ông bà có 7 người con, trong đó có T.T.T (cha của S). Năm 2004, chị em ông T.T.T thực hiện việc phân chia di sản thừa kế bằng tờ thuận phân có chứng thực của chính quyền địa phương ngày 6.12.2004.

Theo đó, phần đất thuộc thửa số 151, tờ bản đồ số 5 diện tích 5.300,7m2 được uỷ quyền cho bà T.T.H đại diện 7 chị em (đồng sở hữu) đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nếu sau này có nhu cầu sử dụng, sang bán phải được sự đồng ý của các đồng sở hữu và sẽ lập tờ thoả thuận riêng.

Năm 2012, bà T.T.H làm thủ tục cấp chủ quyền và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với tư cách là “người đại diện theo tờ thuận phân đã được Phòng Tư pháp Thị xã chứng thực vào ngày 6.12.2004”.

Phần diện tích thửa 151 được xác định lại là 5164,5m2. Tuy nhiên, người đại diện theo tờ thuận năm 2004 đã “biến” đồng 7 sở hữu chỉ còn lại 3. Phần của S (thừa kế phần di sản thừa kế của cha) và 2 đồng sở hữu khác biến mất.

Theo lời S, tháng 6.2016, bà T.T.H bảo S và hai em trai của bà H là T.T.L và T.T.Th lên phường để ký chia đất, bảo là: “Lên chỉ ký thôi, rồi về, phần còn lại giấy tờ để tao lo”. Tin tưởng bà T.T.H, đồng thời đinh ninh, khi chia mỗi người sẽ được 1/7 diện tích đất thừa kế nên cả ba “lên ký rồi về”.

Nhưng chờ mãi, vẫn không thấy bà T.T.H giao giấy tờ đất được chia, đồng thời đến cuối năm 2019, cả ba phát hiện toàn bộ diện tích đất đã được sang tên cho 3 người cô (phần bà T.T.H gấp đôi do một đồng thừa kế “cho tặng” phần của họ), ngay sau khi họ được bảo "giấy tờ tao lo".

S kể, khi cậu mới 4 tuổi, cha mẹ chia tay, S ở với cha. Ðến năm S 12 tuổi, cha qua đời, cậu được chú T.T.L (song sinh với cha S) nhận làm con nuôi và sống chung với hai chú (T.T.T và T.T.Th). Hai ông chú ít học, nghề nghiệp lại không ổn định, cũng chưa ai lập gia đình nên cuộc sống cả ba khá vất vả.

Mồ côi cha, mẹ lại không kề cận nên cô chú nói sao nghe vậy. Khi phát hiện phần di sản thừa kế của mình “bỗng dưng” biến mất, cứ nghĩ là người trong nhà, cả ba cũng chỉ muốn mấy chị, mấy cô thương em, thương cháu cho ngược lại ít tiền để xoay xở cuộc sống. Nhưng giấy trắng mực đen- như lời các cô đã nói là “bút sa gà chết”, mọi hy vọng đều tiêu tan.

Chúng tôi nhiều lần liên lạc với các cô của S, mong được lắng nghe để hiểu chính xác vì sao xảy ra cớ sự, hy vọng có cơ hội thuyết phục hai bên tìm phương án hoà giải, thay vì phải đưa vụ việc ra toà như ba chú cháu đang thực hiện. Lên chốn pháp đình, tình cảm huyết thống xem như đã chặt đứt. Tiếc là mọi cố gắng đều vô vọng, chỉ nhận được duy nhất một phản hồi: Ðể toà giải quyết.

Vụ kiện đang được TAND thành phố Tây Ninh thụ lý và tiến hành giải quyết. Nhưng đây là vụ kiện dân sự, toà có thể đình chỉ vụ án bất cứ lúc nào theo yêu cầu của nguyên đơn. Hy vọng, khi tiến hành hoà giải tại toà, phía bị đơn kịp suy tính thiệt hơn, đúng sai trong việc “quyết chiến” để giữ được nhiều tiền nhưng kèm cái bia miệng của thế gian hay “thủ hoà”, bớt đi ít tiền nhưng giữ được tình cảm gia đình tốt đẹp.

PN. Nguyễn Thiện

Tin cùng chuyên mục