Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Câu chuyện cuối tuần
Đâu là “chính danh, chính nghĩa”?
Thứ sáu: 00:11 ngày 01/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc đời mới, kỷ nguyên nhân dân được tự do, đất nước được độc lập.

Cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thế lực thù địch ở ngoài nước; các phần tử phản động, cơ hội chính trị, suy thoái… trong nước lại tung ra những luận điệu cũ rích, “đổi trắng thay đen”, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của một cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi, chia rẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ, đẩy một bộ phận nhân dân xa rời Đảng, Nhà nước.

Gần đây nhất, có một “nhà thơ kiêm nhà văn, nhà báo” còn cho rằng “Cách mạng tháng Tám là một cuộc đảo chính”, lật đổ chính quyền “chính danh, chính nghĩa” Trần Trọng Kim. “Nhà thơ kiêm nhà văn, nhà báo” này nhấn mạnh: “Năm 1945, nếu Việt Nam không có ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, thì nước Việt Nam vẫn giành được độc lập. Nên nhớ là sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Nhật ở Đông Dương đã trao chính quyền, trao độc lập cho người bản xứ. Chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim chính ra đã là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập…”.

Lịch sử vẫn còn ghi, mùa thu năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương. Sau cuộc đảo chính thực dân Pháp đêm 9.3.1945, phát xít Nhật thay chân thực dân Pháp và sau đó câu kết với thực dân Pháp để cai trị Việt Nam.

Dưới sự bắt tay cai trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp, người dân Việt Nam rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”. Để phục vụ chiến tranh, phát xít Nhật đã thi hành nhiều chính sách tàn bạo, đặc biệt là chính sách bắt dân nhổ lúa trồng đay đã đẩy người dân Việt Nam rơi vào nạn đói thảm khốc cuối năm 1944, đầu năm 1945.

Tác giả L.A Patti trong cuốn sách Why Vietnam (Tại sao Việt Nam) đã viết: “Mặc dù việc thiếu hụt lương thực lúc đó là do mùa màng bị thất bát nhưng nguyên nhân chính của nạn chết đói này là do Pháp, Nhật đã cho thi hành một chính sách mua lương thực quá tàn bạo. Cộng thêm với việc cướp đoạt gạo trong bữa ăn của người Việt bằng cách xuất cảng gạo ra thị trường nước ngoài và cho cất rượu để phục vụ lợi ích buôn bán của người Pháp, chế độ thu mua lương thực đã làm cho nông dân cùng quẫn”.

Mặc dù năm 1944, Việt Nam vỡ đê và bị mất mùa nhưng thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để nuôi chiến tranh. Có những năm phải cung cấp trên một triệu tấn (năm 1943: 1.125.904 tấn).

Việc vận chuyển thóc gạo từ miền Nam ra đã bị Nhật cấm vận, cùng với việc vơ vét thóc gạo ở miền Bắc đã làm cho giá thóc gạo tăng cao quá sức chịu đựng của người dân, nhiều người không đủ sức mua và phải chịu cảnh chết đói.

Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto (người Nhật) chủ trì nghiên cứu một công trình công phu về nạn đói năm 1945. Trong công trình này, bằng những chứng cứ lịch sử và thực tiễn, các ông đã khẳng định chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.

Giáo sư Văn Tạo cũng cho biết, trong cuộc trao đổi với ông ở Tokyo, một nhà nghiên cứu nổi tiếng người Nhật là Yuuji đã thống nhất với giáo sư quan điểm cho rằng: “Nhật - Pháp tuy thống nhất với nhau vơ vét thóc gạo nhân dân Việt Nam, nhưng chúng vẫn chuẩn bị diệt nhau.

Việc Pháp thu thóc để cung cấp cho Nhật là có, nhưng không phải không lợi dụng lấy thóc đó để dự trữ chống Nhật”. Và, công trình kết luận: “Thủ phạm gây ra nạn đói khủng khiếp ở Việt Nam năm 1945 là Nhật - Pháp, mà Nhật là kẻ chịu trách nhiệm chính”.

Sau khi đảo chính Pháp, để thực hiện mưu đồ thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, phát xít Nhật đã hứa với vua Bảo Đại sẽ trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Từ đó, ngày 17.4.1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời nhưng trong danh sách nội các không có Bộ Quốc phòng - An ninh, tức không có quân đội, và danh sách nội các phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại sứ Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama. Vì vậy, Chính phủ Trần Trọng Kim thực chất cũng là chính quyền tay sai của Nhật y như chính quyền trước đó là tay sai cho Pháp.

Ông Phan Anh - Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim, sau này đã viết: “Chúng tôi đã lầm rất lớn. Chúng tôi đã tưởng lợi dụng được một đế quốc chống một đế quốc khác, tranh thủ quyền lợi về ta, nhưng trái lại bọn Nhật đã lợi dụng chúng tôi, ít nhất cũng là về danh nghĩa. Đó là một bài học đau đớn!”.

Chính Tổng trưởng nội các Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi” cũng đã viết: “Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp” nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”.

Như vậy đã rõ, thủ phạm chính làm hơn 2 triệu đồng bào chết đói là Nhật, ấy vậy mà “nhà thơ kiêm nhà văn, nhà báo” lại cho rằng, chính quyền “bù nhìn” do phát xít Nhật lập nên là “chính danh, chính nghĩa”.

Trong khi đó, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc đời mới, kỷ nguyên nhân dân được tự do, đất nước được độc lập. Sức lan toả của Cách mạng tháng Tám đã thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, các nước Phi, Mỹ La tinh, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc để giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột.

Đ.H.T

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh