Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đầu năm 2019, bãi bỏ hàng loạt giấy phép con
Thứ hai: 10:48 ngày 09/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ 1/1/2019, sẽ bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ - các quy định này đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Ảnh minh họa

Nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, như quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch công nghiệp dược,… đang tồn tại. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. 

TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2019 nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.

Luật Quy hoạch cũng tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành; đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đa ngành, từ đó giúp các cấp, các ngành quản lý, phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương… 

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch. Luật này sẽ đảm bảo quy định của các luật liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 để tránh tạo khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện các loại quy hoạch. 

Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm) đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Bản chất các quy hoạch sản phẩm này chỉ là các điều kiện kinh doanh. 

Luật gồm 12 điều, trong đó có 11 điều sửa đổi 11 Luật, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành luật. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, việc ban hành Luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ sản xuất kinh doanh hóa chất, thuốc lá, dược, công chứng…).

Chẳng hạn trong lĩnh vực công chứng, Luật bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 70 Luật Công chứng: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương và thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với Luật Quy hoạch, bảo đảm đúng với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. 

Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) chỉ rõ, việc bỏ quy hoạch tổng thể về hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đại biểu cũng cho rằng, không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì các văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư.

Ngoài ra, Luật Công chứng cũng quy định chặt chẽ các điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh thì xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, Luật bãi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển, tổ chức hành nghề công chứng là hoàn toàn đúng đắn, có căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển, tổ chức hành nghề công chứng để phù hợp với Luật Quy hoạch, bảo đảm tính xã hội hóa do thị trường quyết định dựa trên cơ sở cung cầu các tổ chức hành nghề công chứng bình đẳng trong hành nghề, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ. Nhà nước có trách nhiệm phát triển phòng công chứng ở những nơi khó khăn mà khu vực tư không có khả năng đầu tư nhằm đảm bảo phục vụ cho người dân./. 

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục