Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đầu năm, người trồng mía kém vui
Thứ ba: 17:55 ngày 12/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày tết vừa qua, nhiều người trồng mía trên địa bàn tỉnh mất vui do thua lỗ vì giá mía quá thấp, chi phí đầu tư cao, giá thuê nhân công tăng cao hơn so với mọi năm.

Mía được tập kết tại nhà máy đường TTC-BH.

Mùng 5 Tết, gia đình ông Út Đúng (xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) tất bật thu hoạch mía đưa về nhà máy chế biến. Ông Út Đúng chia sẻ, năm nay mía đạt sản lượng cao, nhưng giá mía lại thấp. Đã vậy, chữ đường do nhà máy đo cho kết quả thấp trong khi tạp chất cao nên ông và nhiều người trồng mía khác huề vốn hoặc lỗ.

Anh Nguyễn Tấn Lợi (cùng ngụ xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) cho biết, hơn 10 năm qua, gia đình anh thuê 2 ha đất để trồng mía. Những năm trước, người trồng mía luôn có lời, thậm chí coi cây mía là cây trồng chủ lực, cho thu nhập khá. Nhưng năm nay, người trồng mía “thê thảm” vì thua lỗ.  

Theo anh Lợi, ruộng mía của gia đình anh luôn cho năng suất cao hơn 80 tấn/ha nhưng nhà máy “đánh” tạp chất đến 5,17% và chữ đường chỉ đạt 8,75 CCS. Với tạp chất và chữ đường như vậy thì giá mía chỉ còn khoảng 700.000 đồng/tấn, nông dân không thể sống được với cây mía.

Bên cạnh đó, tình trạng mía bị cháy khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ. Chị Hồng Nhung (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) cho biết, gia đình chị trồng 3 ha mía, ruộng mía của gia đình phát triển tốt và đang chờ ngày thu hoạch. Chưa hết rầu vì giá mía quá thấp thì mùng 2 Tết, ruộng mía của gia đình chị bỗng dưng bốc cháy rụi 0,5 ha, ước thiệt hại hơn 10 triệu đồng. “Cây mía càng ngày càng gặp khó khăn hơn nên sẽ phải cân nhắc liệu có nên trồng tiếp nữa hay không”, chị Nhung băn khoăn.

Chị Nhung cho biết thêm, giá thuê nhân công đốn mía tăng từng ngày, từ 200.000 đến 250.000 đồng/tấn mía cây tuỳ vào mía đứng hay mía nằm, tăng 50.000 - 70.000  đồng/tấn so với vụ trước.

Một nông dân trồng mía khác cũng ở xã Tân Hội chia sẻ: “Chưa bao giờ cảm thấy mía “đắng” như lúc này. Dù năng suất đạt cao nhưng nhiều người phải chịu lỗ vốn. Cứ cái đà này, người trồng mía không biết lấy gì để sống”.

Theo Công ty Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-BH), tổng sản lượng mía ép của 3 nhà máy Thành Thành Công - Biên Hoà - Nước Trong đạt khoảng 530.000 tấn, chiếm 1/3 tổng sản lượng mía ép dự kiến cả vụ. Trong những ngày tết, các nhà máy thu mua khoảng 6.000 - 7.000 tấn mía cây đưa vào chế biến.

Trong thời gian vừa qua, vấn nạn mía cháy đã và đang diễn ra khá phức tạp, chiếm 20% trên tổng sản lượng các nhà máy tiếp nhận. Các trường hợp mía cháy phát sinh gây xáo trộn kế hoạch thu hoạch chung trên toàn vùng nguyên liệu.

Nhằm hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này, cũng như diện tích mía đến tuổi thu hoạch, mía xấu cần thu hoạch sớm, Công ty TTC-BH đã tiếp nhận và ép mía trong suốt Tết Nguyên đán 2019. Ngoài ra, Công ty TTC-BH xây dựng chính sách hỗ trợ khách hàng, đầu công, tài xế và sắp xếp nguồn công, xe thu hoạch mía trong tết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mía là cây trồng truyền thống, trước đây đã mang lại lợi nhuận tương đối cao cho người nông dân. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua và hiện nay, lợi nhuận mà cây mía mang lại cho người dân chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/ha/năm, thấp nhất so với các cây trồng khác. Chính vì vậy, nông dân có xu hướng trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các nhà máy và công ty mía đường hoạt động trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, cải thiện mối quan hệ với người trồng mía, tập trung hiện đại hoá thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại sản phẩm cạnh đường và sau đường, giảm giá thành sản xuất đường để tăng sức cạnh tranh của ngành đường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tây Ninh xác định cây mía không phải là cây có nhiều lợi thế so sánh với các cây trồng khác. Đồng thời, giá trị gia tăng của cây trồng này cũng hạn chế. 

Do đó, các doanh nghiệp chế biến mía đường cần triển khai có hiệu quả khâu định hướng phát triển sản xuất và chế biến mía tập trung ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nhất; giúp nông dân liên kết sản xuất để cơ giới hoá đồng bộ; nâng cao năng suất, chữ đường gắn với mục tiêu giảm giá thành sản xuất.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến mía đường từng bước phát triển mía đường hữu cơ; từng bước cơ cấu lại quá trình chế biến, đa dạng hoá sản phẩm, tận thu được phụ phẩm để hạ giá thành sản xuất đường mà không hạ giá thu mua mía của nông dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cần “sắp xếp lại” để hạn chế tối đa các yếu tố ảnh hưởng đến chữ đường. Có như vậy, cây mía mới phát triển bền vững. 

ĐÌNH CHUNG

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục