BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đầu năm xông đất nhà nông: Những người ăn Tết kém vui

Cập nhật ngày: 22/02/2010 - 09:04

* Hoa vạn thọ héo tàn trên đồng ruộng:

Hoa vạn thọ ế ẩm héo tàn trên ruộng

Rong ruổi trên các cánh đồng xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu trong mấy ngày đầu xuân tôi thấy nhiều đám hoa vạn thọ tốt tươi đang nở rộ. Đây là chuyện không bình thường so với mọi năm, vì Tết đã đến, hoa mai, hoa cúc… đã khoe sắc trong mọi nhà rồi, sao hoa vạn thọ vẫn còn đầy đồng như thế? Những ngày sau Tết tôi trở lại thăm các ruộng hoa vạn thọ này thì thấy chúng đã bắt đầu héo tàn. Hỏi ra mới biết năm nay hoa vạn thọ bị “dội chợ”.

Anh Ba Ịch nhà ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước cho biết, Tết năm trước (Quý Sửu), anh chỉ trồng một thiên cây vạn thọ mà bán nguyên đám tại ruộng cho lái cũng được 1,2 triệu đồng. Khoản tiền này góp phần đáng kể cho gia đình anh ăn Tết. Tết Canh Dần này anh trồng tăng lên ba thiên cây vạn thọ. Hôm đưa ông Táo (23 tháng chạp âm lịch) anh lựa những cây trổ sớm nhổ bán được 350.000 đồng. Còn lại gần nguyên đám đến những ngày cận Tết chờ hoài chẳng thấy lái nào đến mua. Đến chiều 28 Tết, vợ chồng anh phải nhổ ra chợ bán lẻ. Cả đêm 28, rồi sáng 29 Tết, vợ chồng anh Ịch chở ra chợ bao nhiêu cây vạn thọ thì lại chở về nhà bấy nhiêu vì chẳng ai hỏi đến. Không riêng gì anh Ịch mà cả xóm anh, với hơn 20 người trồng hoa vạn thọ đều chung cảnh ngộ. Người ít thì vài ba thiên, người nhiều bảy, tám thiên cây. Vợ chồng anh Năm Tỉa trồng tám thiên cây vạn thọ, không lái nào đến mua, những ngày giáp Tết anh phải chở đi bán lẻ từ chợ Gò Dầu đến chợ Long Hoa với giá rẻ như bèo, mà cũng chỉ bán được khoảng một thiên, số còn lại bỏ tàn trên ruộng. Có người trong đêm 28 Tết chở một xe gắn máy bông vạn thọ ra chợ Gò Dầu chờ mấy tiếng đồng hồ không ai hỏi đến. Thấy vậy anh chở lên chợ Long Hoa, ở đây cũng chẳng ai ngó ngàng đến. Anh chở tiếp qua chợ Dầu Tiếng cũng chẳng bán được cây nào, rồi chở về chợ Bàu Đồn, xuống chợ Suối Bà Tươi đến sáng 29 Tết vẫn còn nguyên xe, cuối cùng phải chở về nhà… quăng vô bụi chuối. Người khác thì chở hoa vạn thọ xuống chợ Trảng Bàng, rồi qua Lộc Giang (huyện Đức Hoà, Long An) cũng không bán được cây nào. Anh Mỹ ở ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước gia đình rất nghèo, không có đất, anh hỏi đất nền nhà bỏ không của người ta, rồi ra công đào xới, đầu tư mấy trăm ngàn đồng, trồng hai thiên vạn thọ, những mong kiếm vài triệu cho vợ con ăn Tết. Thấy vạn thọ phát triển tốt tươi, cho hoa đẹp anh mừng khấp khởi, nhưng rồi anh chẳng bán được cây nào. Rồi anh Nhóc, anh Sự, anh Thoàn, anh Quần… hàng chục người như thế, anh nào cũng trồng vài thiên vạn thọ mong kiếm tiền xài Tết. Tết đã qua rồi mà vạn thọ thì vẫn đứng yên, héo tàn trên ruộng. Những người trồng hoa vạn thọ cho biết, sở dĩ năm nay hoa ế ẩm như thế là do có quá nhiều người trồng, trong khi đó hoa từ Đà Lạt cũng về rất nhiều. Cho nên… (!)

* Người chăn nuôi bò sữa không nghỉ tết

Cũng là nông dân, nhưng người chăn nuôi bò sữa thì không bao giờ nghỉ Tết, công việc của họ trong năm ngày nào cũng như ngày nào. Anh Thân Thành Bông nhà ở khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng đang nuôi 10 con bò sữa cho biết, công việc trong ngày của anh bắt đầu từ 3 giờ sáng (kể cả các ngày 30, mùng 1 Tết) và kết thúc khi đêm xuống. 3 giờ sáng anh thức dậy, vệ sinh chuồng trại, rồi cho bò ăn. 4 giờ 30 phút vắt sữa (vắt bằng tay), đến 5 giờ 30, anh chở sữa đến điểm thu mua, cách nhà chừng 5 km (thời gian quy định của công ty thu mua sữa, sáng từ 5 giờ 55 phút đến 6 giờ 35 phút, chiều từ 16 giờ 50 phút đến 17 giờ 30 phút). Bán sữa xong, về nhà lo cắt cỏ chăm sóc bò cho đến 16 giờ vệ sinh chuồng trại, và sau đó vắt sữa, chở sữa đi bán cữ chiều. Bán sữa xong về lại cắt cỏ, cho bò ăn. Suốt ngày quần quật với mấy con bò, nhưng thu nhập của anh Bông cũng chẳng đáng là bao, nhất là những ngày gần đây giá thức ăn tinh cho bò mỗi ngày một tăng. Anh Bông cho biết, cách đây khoảng hai năm, giá sữa tăng lên được khoảng từ 7.200 đồng đến 7.900 đồng/kg (tuỳ theo chất lượng sữa). Lúc đó người chăn nuôi bò sữa rất phấn khởi, vì giá thức ăn cho bò thấp, một bao cám Con Cò loại 25 kg chỉ có 80.000 đồng/ bao. Từ đó đến nay giá sữa vẫn giữ nguyên như vậy, trong khi một bao thức ăn Con Cò anh mua tại thị trấn Trảng Bàng (ngày 20.2.2010) đã lên đến 139.500 đồng/bao. Cả xác mì cũng tăng. Với mức giá thức ăn gia súc như hiện nay, người nuôi bò sữa không còn lời, hoặc lời rất thấp. Trong 10 con bò sữa của anh Bông, hiện có 6 con trong chu kỳ cho sữa, 4 con hậu bị. Mà 6 con trong chu kỳ cho sữa cũng chỉ có 3 con đang vắt sữa được. Hiện nay, mỗi ngày anh Bông vắt được khoảng 45 kg sữa. Tính ra tiền bán sữa cũng vừa đủ tiền mua thức ăn cho cả đàn bò, chưa tính tiền cỏ do anh trồng. Anh Bông cho biết thêm, những người nuôi bò nhiều, số con cho sữa trong đàn cao thì cũng kiếm ăn được. Còn như anh số con đang vắt sữa chưa đến 50% thì không có lời. Có lúc anh định bán đàn bò đi, nhưng tiếc quá, vả lại bán đi rồi anh chẳng biết làm nghề gì khác!

Do thức ăn gia súc ngày càng tăng, người chăn nuôi bò sữa lao động từ khuya cho đến tối mà thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

Những người chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng chỉ mong sao sang năm mới Canh Dần, Nhà nước và các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ khuyến khích người chăn nuôi bò sữa; có biện pháp can thiệp để công ty nâng cao giá mua sữa của nông dân theo kịp mức tăng của thức ăn gia súc, để đảm bảo người chăn nuôi bò sữa có lời. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho mở thêm một điểm thu mua sữa bò tươi nữa ở Trảng Bàng để đảm bảo cho tất cả những người nuôi bò sữa được ký hợp đồng và tiêu thụ sữa một cách thuận lợi hơn. Có như thế mới kích thích được người chăn nuôi bò sữa và từ đó đàn bò sữa của huyện mới giữ vững và phát triển được.

D.H