Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cha mẹ đều qua đời, em gái bị tâm thần từ nhỏ do ảnh hưởng chất độc da cam, anh trai nằm liệt giường sau một vụ tai nạn giao thông, một mình anh tần tảo nuôi cả nhà, mù mịt tương lai. Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Minh Hoan (SN 1967, ngụ tổ 6, ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, Dương Minh Châu).
Anh Hoan chăm sóc cho em gái
Được cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Suối Đá giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Hoan. Không thể hình dung hết những vất vả mà người đàn ông 52 tuổi này đang phải gánh chịu. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng chỉ rộng chừng hai chục mét vuông nằm phía sau căn nhà chính- nơi hai người bệnh ăn, ở. Em gái anh Hoan đã ngoài 40 tuổi, cười nói một cách vô thức, miệng đang ngậm một bịch ni-lông, Anh Hoan cho biết, em mình bị tâm thần từ khi mới lọt lòng nên chẳng biết gì cả, đến vệ sinh thân thể hay mặc quần áo cũng phải có người phụ giúp.
Trong góc nhà hơi tối, một người đàn ông tóc bạc, gầy gò nằm bất động trên chiếc gường nhỏ. Anh Hoan cho biết đó là anh trai tên Nguyễn Bạch Nhạn, sinh năm 1960, bị chấn thương cột sống sau vụ tai nạn giao thông khi đi làm mướn về. Sau tai nạn, vợ con anh Nhạn bỏ đi. Gần 10 năm nay, không có điều kiện trị bệnh, anh Nhạn chỉ nằm một chỗ, sức khoẻ ngày càng yếu.
Theo anh Hoan, trước đây khi mẹ anh còn sống, dù sức khoẻ yếu nhưng bà vẫn trông chừng, giúp cho con gái chuyện ăn uống, vệ sinh. Từ khi bà mất, mọi gánh nặng trong nhà chỉ trông vào anh. Vì miếng cơm manh áo, anh Hoan nhận bất cứ việc gì làm nếu có người mướn, từ xịt thuốc, làm cỏ, phụ hồ…
Trước khi đi làm, anh phải dậy thật sớm lo cơm nước cho hai người bệnh rồi tranh thủ đi làm. Anh Hoan không dám đi làm xa mà chọn chỗ gần nhà để đến trưa còn về cho anh và em ăn uống. Khi được hỏi một mình nuôi hai người bệnh như thế có nản không, anh Hoan bảo không.
Anh nói: “Anh mình, em mình cùng máu mủ thì phải có trách nhiệm, chuyện như thế này đâu ai mong muốn. Có người kêu tôi đi tìm hạnh phúc riêng nhưng hơn 50 tuổi rồi, tôi chưa một lần dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng. Cũng có vài mối đánh tiếng nhưng tôi mặc cảm về thân phận, phần nữa vì gánh nặng gia đình nên thôi bỏ qua chuyện vợ, con”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Suối Đá cho biết, gia đình anh Hoan là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Nhiều năm nay, gia đình anh chủ yếu sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, Hội vận động họ đạo Cao Đài trợ giúp thêm cho gia đình mỗi tháng 200.000 đồng. Vào các dịp lễ, tết, địa phương cũng tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà và động viên anh Hoan cố gắng chăm sóc tốt cho anh em của mình.
Quang Hà