Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đấu thầu đào tạo giáo viên: Một hình thức cử tuyển mới ? 

Cập nhật ngày: 10/05/2021 - 10:24

BTN - Tháng 9.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NÐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí đối với sinh viên sư phạm. Vừa qua, Bộ GD&ÐT tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở để triển khai nghị định, trong đó thông tin thu hút sự quan tâm là mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm rất cao, đồng thời, việc đào tạo giáo viên thực hiện theo tinh thần “đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ”.

Sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh tại lễ khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh minh hoạ

“Lương” đi học cao hơn đi dạy

Theo tinh thần của Nghị định 116, việc đào tạo giáo viên được thực hiện theo cách đặt hàng, đấu thầu giữa địa phương với cơ sở đào tạo. Hằng năm, UBND cấp tỉnh rà soát, tính toán, xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh. Sau đó, địa phương gửi Bộ GD&ÐT trước ngày 31.1 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng, năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ xác định, thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh. Căn cứ theo đó, cơ sở đào tạo giáo viên công khai rộng rãi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo giáo viên và thông báo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên.

Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở và nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo theo một trong các hình thức: thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo trực thuộc; đặt hàng đào tạo giáo viên cho cơ sở; đấu thầu lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo giáo viên.

Quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên giữa cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của địa phương.

Nghị định 116 quy định, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khoá học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khoá học theo năm học.

Nghị định quy định mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nếu sinh viên klhông thực hiện đúng cam kết ban đầu. Cụ thể, sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; sinh viên sư phạm hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định (gấp hai lần thời gian đào tạo); sinh viên sư phạm hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Ðối tượng không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng. Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng chưa đủ thời gian theo quy định và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành giáo dục. Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi đào tạo giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định.

Nghị định cũng quy định, sinh viên sư phạm nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. Sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định thì được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại nghị định này, nhưng thời gian hưởng không vượt quá thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo.

Đang chờ hướng dẫn

Một cán bộ có thâm niên làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục ở Tây Ninh cho biết, mặc dù Nghị định của Chính phủ ban hành từ tháng 9 và có hiệu lực kể từ tháng 11.2020, nhưng đến nay mới được bàn nhiều vì không có thông tư hướng dẫn chi tiết. Cách nay ít ngày, Bộ GD&ÐT tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương để ban hành công văn chính thức thực hiện Nghị định 116.

Vị cán bộ này nhìn nhận, Nghị định 116 là chính sách mới nhằm thu hút học sinh phổ thông thi vào ngành sư phạm. “Giáo viên mới ra trường tổng thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ cho mỗi sinh viên sư phạm đến 3,6 triệu đồng/tháng. Thời gian học đại học gần 5 năm, tính ra, mỗi sinh viên được hỗ trợ cả trăm triệu đồng trong suốt thời gian học. Học sinh nào yêu ngành sư phạm thì đây là một lựa chọn tốt” - vị cán bộ bình luận.

Tuy vậy, chính sách này liệu có thành công hay không, thành công ở mức nào, cách thức thực hiện ra sao, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tại cuộc hội thảo, có nhiều ý kiến nêu lên nhưng chưa nhận được câu trả lời thoả đáng từ Bộ.

“Có ý kiến nêu, trường hợp sau khi tốt nghiệp, sinh viên sư phạm vẫn làm trong ngành nhưng không về tỉnh (nơi đặt hàng đào tạo) mà đến công tác trong ngành giáo dục ở tỉnh khác thì có phải bồi hoàn kinh phí hay không?”- vị cán bộ ngành Giáo dục thông tin. Mặt khác, chính sách tuyển dụng, theo quy định của Bộ Nội vụ là phải có cạnh tranh, vì ngoài nhóm đối tượng được hỗ trợ chính sách thì vẫn có sinh viên tự do.

Khi tổ chức tuyển dụng, nếu sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí đi học nhưng không trúng tuyển, còn sinh viên tự do lại trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng thì sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng có phải bồi hoàn kinh phí hay không? “Về nguyên tắc, nếu họ không trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng thì không thể yêu cầu bồi hoàn kinh phí, vì họ cũng muốn thực hiện cam kết nhưng lại không trúng tuyển”- vị này nêu ý kiến.

Một ý kiến khác (cũng đang làm công tác tổ chức trong ngành) bình luận rằng, chính sách mới, xét về bản chất, không khác nhiều so với chế độ cử tuyển trước đây. Suốt thời gian dài, chế độ cử tuyển không phát huy hiệu quả hoặc có nhưng hạn chế.

“Chúng ta chưa quên rằng, nhiều năm trước, sinh viên cử tuyển học xong ra trường không bố trí được việc làm vì không có chỉ tiêu biên chế, trong đó có cả sinh viên sư phạm”- người này cho biết. Vẫn theo ý kiến này, trước khi ban hành văn bản chính thức để thực hiện, Bộ GD&ÐT, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu kỹ, nếu không sẽ mâu thuẫn với các quy định khác (vẫn đang có hiệu lực).

“Sinh viên mầm non học mất 3 năm, sinh viên ngành giáo dục phổ thông học mất hơn 4 năm. Khi học xong nếu không có chỉ tiêu tuyển dụng thì sao?”- vị cán bộ băn khoăn, và theo ông, để đơn giản hơn, có thể cho học sinh phổ thông (sau khi tốt nghiệp THPT) đăng ký học sư phạm theo nguyện vọng, học xong về địa phương bố trí việc làm.

“Hệ thống hoá” một cách khái quát có thể thấy, chính sách đào tạo, chế độ tuyển dụng trong ngành giáo dục có nhiều biến động, thay đổi theo từng giai đoạn, từng thời kỳ. Có giai đoạn thiếu giáo viên trầm trọng nhưng cũng có giai đoạn sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp rất nhiều.

Cũng có thực tế, giáo viên (tất cả các cấp, bậc học) vừa thừa vừa thiếu, tức thừa thiếu cục bộ. Tuy nhiên, năm học 2021-2022, việc thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh là một điều gần như chắc chắn.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, hệ thống trường cao đẳng sư phạm chỉ có thể đào tạo giáo viên mầm non, không đào tạo giáo viên phổ thông nữa. Nhìn rộng ra, dịch chuyển lao động (trong mọi ngành nghề) là điều không quá khó hiểu.

Vấn đề ở đây, đối với ngành giáo dục, việc tính toán nhu cầu nhân lực tương đối dễ hơn so với lĩnh vực khác, vì chỉ cần căn cứ vào tỷ lệ tăng dân số, quy mô trường lớp là tính được nhu cầu nguồn lao động trong ngành. Tuy vậy, theo quy định hiện hành, ngành giáo dục (từ trung ương xuống địa phương) chỉ quản lý, điều hành về chuyên môn của ngành, còn vấn đề con người, biên chế, tuyển dụng, hợp đồng... lại do ngành Nội vụ nắm giữ.

Việt Ðông


 
Liên kết hữu ích