Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đấu thầu qua mạng - minh bạch hóa môi trường đầu tư
Thứ hai: 15:05 ngày 11/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu của thế giới và đang trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý công tác đấu thầu nói chung; tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà quản lý, bên mời thầu cũng như nhà thầu.

Đấu thầu qua mạng góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch cho nhà quản lý, bên mời thầu cũng như nhà thầu. Ảnh: Chí Thanh

Song, đến nay kết quả đấu thầu qua mạng ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, theo Văn bản số 1406/UBND-KH&ĐT (ngày 20-4- 2020) của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai hoạt động đấu thầu qua mạng của các đơn vị thuộc thành phố, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi của các đơn vị năm 2019 đạt 34,4% về số lượng gói thầu và 20,7% về tổng giá trị các gói thầu. Như vậy, tiêu chí tổng giá trị gói thầu đã đạt chỉ tiêu (trên 15%) nhưng số lượng gói thầu chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1-1-2019 (50% số lượng gói thầu).

UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc các đơn vị thực hiện báo cáo đúng quy trình, thời gian, nội dung về thực hiện đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp không báo cáo, chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ. Đáng lưu ý, một số đơn vị chỉ đạt kết quả "rất thấp", "chưa bảo đảm" như huyện Mỹ Đức, Quốc Oai… khi kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng nhìn chung chưa vượt quá 10% đối với cả hai tiêu chí nói trên.

Lý giải thực tế trên, ông Lương Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về tâm lý, có thể một số đơn vị chưa mặn mà với phương thức đấu thầu qua mạng; mặt khác cũng còn do chưa quen với cách làm mới mẻ này hoặc do lúng túng về nghiệp vụ vì nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chất lượng và trang bị hạ tầng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phục vụ thực hiện đấu thầu qua mạng cũng chưa hoàn thiện, các biểu mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chưa đầy đủ... nên dẫn đến trường hợp cả bên mời thầu và các nhà thầu muốn tham gia cũng bị hạn chế, khó thực hiện.

Để chấn chỉnh kịp thời, thành phố yêu cầu 27 đơn vị không thực hiện báo cáo năm 2019; 4 đơn vị báo cáo quá chậm và 18 đơn vị chưa thực hiện đấu thầu qua mạng hoặc chỉ đạt tỷ lệ thấp nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần tuân thủ quy định, chấp hành chế độ báo cáo đúng thời hạn… Yêu cầu 32 đơn vị có báo cáo về hoạt động đấu thầu nhưng báo cáo chậm hoặc đã thực hiện đấu thầu qua mạng nhưng tỷ lệ chưa đạt quy định rút kinh nghiệm, tập trung cải thiện tình hình...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, năm 2020, thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng, bảo đảm quy định tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ; Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16-12-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các chỉ đạo của UBND thành phố.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hoạt động đấu thầu qua mạng có nhiều lợi ích, nhưng nhiều cơ quan vẫn chưa chủ động triển khai. Vì vậy, cần công khai danh sách các địa phương không thực hiện đấu thầu qua mạng hoặc thực hiện chậm để cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội biết và tăng cường giám sát...

“Với trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, chúng tôi sẽ liên tục nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, lựa chọn nhà đầu tư tốt để cùng xây dựng, phát triển hệ thống để thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh.

Chia sẻ về lợi ích của đấu thầu qua mạng, theo ông Adu-Gyamfi Abunyewa, chuyên gia cấp cao về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới, nếu tham gia đấu thầu qua mạng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cơ hội tìm hiểu, “sàng lọc” để biết gói thầu nào thích hợp với mình. Điều đó thể hiện sự bình đẳng trước cơ hội của mỗi doanh nghiệp cũng như góp phần loại bỏ tiêu cực, minh bạch hóa môi trường đầu tư…

Nguồn Hanoimoi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục