Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam
Đau thương và sức mạnh Kỳ 1: Những ký ức đau buồn
Thứ sáu: 05:25 ngày 22/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “…Thật vô cùng man rợ, quân Khmer Đỏ đã chặt đầu, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, chôn sống, tàn sát tập thể, nhiều gia đình, nhiều căn hầm trú ẩn 16, 17 người bị giết sạch. Đã có 592 người bị cướp đi mạng sống. Nơi đây, nền Trường tiểu học Tân Thành, 11 thầy cô giáo đã bị sát hại”.

Nhiều chiến sĩ trẻ bị thương trong cuộc chiến (ảnh: Tư liệu).

Bia chứng tích tội ác của quân diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary tại xã Tân Lập ghi rõ: “Lúc 0 giờ 15 phút ngày 25.9.1977, quân Khmer Đỏ (Pol Pot- Ieng Sary) đã xâm lược biên giới Việt Nam, đốt phá, bắn giết và tàn sát đồng bào ta tại các ấp Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thành, Bảy Bàu, Chàng Riệc… thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Thật vô cùng man rợ, quân Khmer Đỏ đã chặt đầu, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, chôn sống, tàn sát tập thể, nhiều gia đình, nhiều căn hầm trú ẩn 16, 17 người bị giết sạch.

Đã có 592 người bị cướp đi mạng sống. Nơi đây, nền Trường tiểu học Tân Thành, 11 thầy cô giáo đã bị sát hại”. Nội dung ghi trên bia chứng tích này đã phần nào khái quát được nỗi đau thương, mất mát của người dân xã Tân Lập, huyện Tân Biên trong một đêm kinh hoàng và đau thương tột độ.

Trong đêm này còn có một số điểm dân cư thuộc các xã Long Phước, Long Khánh, huyện Bến Cầu bị bọn diệt chủng tấn công, đưa con số người dân vùng biên giới bị giết hại lên tới khoảng 800 người.

Biên giới Tây Nam đất nước có 240km nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giáp với Vương quốc Campuchia, từ xa xưa vốn có truyền thống đoàn kết hữu nghị. Nhưng có một thời gian không dài, chỉ khoảng 3 năm, đất nước Chùa Tháp tươi đẹp bị chìm trong biển máu dưới tay bọn diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary.

Bọn diệt chủng không chỉ gieo tai hoạ thảm khốc cho đất nước Campuchia mà còn gây ra cuộc chiến tranh phá hoại trên suốt tuyến biên giới giáp với nước ta vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước.

Tại các địa phương vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh, chuyện về cuộc chiến đẫm máu từ 40 năm trước vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người. Vượt qua nỗi đau trong quá khứ, người dân vùng biên ngày nay luôn chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng quê hương, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Đã 40 năm trôi qua, nhưng đến nay, sự kiện đau buồn này vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người dân xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Nhắc đến đêm kinh hoàng ấy, bà Nguyễn Thị Túc, 64 tuổi, hiện ngụ ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập vẫn còn hoảng hốt.

Bà đau đớn nhớ lại, là dân Việt kiều từ Campuchia về Tân Lập sinh sống, mấy năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà rất hăng hái tham gia công tác cách mạng, là cán bộ “bình dân học vụ” làm nhiệm vụ “diệt giặc dốt” do UBND xã giao.

Công việc hằng ngày của bà là đi vận động người dân chưa biết chữ trong các ấp, tập trung thành từng nhóm ở các gia đình có nhà cửa rộng rãi để giáo viên đến dạy “xoá mù chữ”.

Đêm 24 rạng sáng 25.9.1977, sau khi xem hết vở cải lương trên truyền hình, bà đi ngủ. Nằm chưa được bao lâu, mẹ của bà đến bên giường lay bà dậy, hốt hoảng bảo có tiếng súng nổ nhiều từ phía biên giới, hình như Pol Pot đánh sang nước mình.

“Lúc đó tôi nghĩ, mình thường họp hành ở xã nên biết dọc theo biên giới đều có bố trí bộ đội canh gác, nên tôi trả lời với mẹ rằng không có chuyện gì đâu, rồi nằm xuống ngủ tiếp”- bà Túc kể. Một lúc sau, mẹ của bà lại chạy vào giường giục dậy.

Lần này bà Túc bật dậy, chạy ra sân xem, thấy trong đêm thu trăng sáng đạn bay đỏ rực trên trời. Bà liền dẫn mẹ và hai người em chạy ra đường. Trên đường từ hướng cửa khẩu biên giới chạy về huyện Tân Biên (nay là QL22B) có nhiều người dân chạy tán loạn.

Bà nghe từ phía sau đám người chạy loạn có nhiều tiếng súng bắn và những tiếng Khmer hô lớn “cáp dùn, băn dùn”. Là dân Việt kiều Campuchia, bà hiểu tiếng hô đó có nghĩa là “chém hết, giết hết người Việt”.

Bà Túc kể lại diễn biến đêm kinh hoàng.

Ngưng một lúc để nén cơn xúc động, bà Túc kể tiếp, trong lúc hoảng loạn, bà chạy sang bên kia đường nấp trong bụi rậm thuộc khu vực lô 2, còn mẹ và hai người em của bà trú ẩn bên lô 1. Hai lô đất cách nhau con đường nhựa. Có lẽ sợ có bộ đội Việt Nam phục kích, bọn Pol Pot không lục soát bên lô 2, mà chỉ bắn giết bên lô 1.

Nằm bên lô 2, nghe tiếng người em gái kêu la rất to, bà Túc biết em mình bị bắn, nhưng không dám chạy qua cứu. “Lúc đó, cứ cách một căn nhà, chúng đốt một căn để lấy ánh sáng thấy đường bắn dân mình. Thấy bất kỳ ai chúng cũng xả súng. Vì vậy, những người núp bên lô 2 không ai dám nhúc nhích, sợ chúng càn qua giết”- bà Túc thổn thức.

Sáng hôm sau, nghe im tiếng súng, bà bò qua lô 1, thấy mẹ và đứa em gái đã chết, đứa em trai bị thương rất nặng ở bụng. Lúc đó, bọn Pol Pot vẫn chưa rút, trong đợt càn thứ hai, em trai của bà không qua khỏi.

Trên đường chạy giặc, bà chứng kiến nhiều cảnh tượng chết chóc rất dã man do bọn Pol Pot gây ra cho người dân vùng Tân Lập. Một phụ nữ mang thai, sắp đến ngày sinh nở, Pol Pot cũng không tha. Một em bé vừa chạy vừa kêu khóc, bị bọn chúng bắn chết. Có người quỳ dưới đất, chắp tay van lạy, chúng bắn bật ngửa ra sau.

Một gia đình trú ẩn dưới hầm an toàn rồi, một ông già biết tiếng Khmer leo lên giải thích với chúng đây là những người dân lương thiện, chúng kêu lên sắp thành hàng ngang, xả súng giết hết.

Ở khu vực Bảy Bàu, bọn Pol Pot không dùng súng bắn mà dùng dao chặt đầu, dùng búa đập đầu cực kỳ man rợ. Mấy ngày sau, khi bọn Pol Pot bị quân ta đánh lui về bên kia biên giới, bà Túc và nhiều người khác mới dám trở về, cùng với anh em Dân công hoả tuyến, Thanh niên xung phong của tỉnh, của huyện được huy động đến giúp đỡ đồng bào, tìm xác người thân để chôn cất. Bà nghẹn ngào, rơi nước mắt: “Khi tìm được, thi thể người chết đã trương sình, chỉ có thể nhận dạng qua quần áo…”.

Nhắc đến chiến tranh biên giới Tây Nam ở Tây Ninh, ai cũng cảm thương trường hợp  11 giáo viên tiểu học bị giết cùng một lúc trong đêm 25.9.1977. Trong quá trình đi tìm tư liệu thực hiện ký sự này, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Văn Mừng- 63 tuổi, một giáo viên may mắn còn sống sót sau đợt thảm sát của bọn Pol Pot tại Tân Lập.

Ông Mừng hồi tưởng lại, thời điểm đó, ông là giáo viên của điểm trường Tân Chánh, cách điểm trường Tân Thạnh, nơi có các thầy cô giáo bị thảm sát khoảng 2km. Hôm đó là ngày thứ bảy, lẽ ra các thầy cô giáo trở về gia đình ở Hoà Thành, Thị xã như thường lệ, nhưng vì ngày chủ nhật đúng vào ngày Tết Trung thu nên các thầy cô ở lại nhà tập thể làm lồng đèn, chuẩn bị quà bánh để hôm sau tổ chức cho các em học sinh vui chơi.

Nhà ông Mừng ở gần điểm trường Tân Thạnh nên ông biết rất rõ sự kiện đau buồn này. Khoảng 12 giờ khuya, ông nghe 3 tiếng súng nổ, liền chạy ra xem, thấy bọn Pol Pot từ phía ấp Tân Thạnh đánh lên.

Ông liền kéo gia đình và nhiều người khác chạy ra khỏi nhà, nằm mẹp trong đám lúa. Đến khoảng 4 giờ, thấy tình hình không ổn, sợ trời sáng bọn giặc phát hiện ra nên ông bàn bạc với một số người quyết định băng qua đường chạy về hướng Đông, hướng sâu vào nội địa tỉnh nhà.

Bà con đồng ý, con nít thì bồng, cõng trên lưng, đợi lúc bọn giặc im tiếng liền kéo nhau băng qua đường. Vậy mà chúng cũng phát hiện, xả súng bắn theo, một vài người bị trúng đạn chết, số còn lại cố chạy khỏi. Ngày hôm sau, ở trong rừng hết thức ăn, nước uống, một mình ông Mừng liều mạng mò mẫm trở về nhà tìm gạo thóc và những người thân còn kẹt lại.

Về đến nơi, ông thấy người dì ruột mang thai sắp sinh con bị bắn gãy hai chân không đi được, chồng của dì bị bắn chết nằm trên miệng giếng gần đó. Ông không biết làm sao, chỉ biết kéo người dì vào trong vườn mãng cầu để nằm trong bóng mát. Sau đó, ông hái vội mấy trái mãng cầu rồi chạy trở lại chỗ bà con đang trốn. Đến trưa hôm sau, ông lại trở về thì người dì đã chết. 

Khi chiến trường im tiếng súng, ông Mừng và một số người khác tìm gom xác người thân đem đi chôn. Đến khu tập thể của Trường Tân Thạnh, ông thấy dưới giếng cạn có nhiều giáo viên bị giết chết khi xuống đây trú ẩn. Một số giáo viên còn lại trốn dưới gầm giường nhà tập thể, cũng bị chúng xả súng bắn chết hết.

Ông Mừng hỏi thăm thì được biết, trong số những giáo viên ở Trường Tân Thạnh, chỉ có một thầy giáo kịp chạy cùng với dân về hướng Đông may mắn thoát chết. “Sau đó, tôi cùng bà con địa phương giúp đỡ người thân, gia đình 11 thầy cô giáo xấu số đem về địa phương chôn cất. Từ đó đến nay, mỗi khi nhớ đến sự kiện ấy, tim tôi cứ thắt lại”- ông Mừng nghẹn ngào nói.

Một nhân chứng khác là ông Nguyễn Hữu Hạnh, 40 năm trước là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, năm nay đã 78 tuổi. Ông Hạnh vẫn còn nhớ như in hình ảnh về cuộc chiến tranh biên giới xảy ra tại xã mình. Ông bồi hồi kể lại: đêm kinh hoàng ấy, bất ngờ ông nghe có nhiều tiếng súng nổ đùng đoàng.

Mở cửa ra xem, ông thấy nhiều người dân chạy trên đường. Họ vừa chạy vừa kêu lớn: “Quân Pol Pot đốt nhà, giết dân”. Bất chấp nguy hiểm, ông chạy ngược về ấp Tân Thạnh, nơi khói lửa ngất trời để quan sát. Khi đến gần khu dân cư, ông nấp trong ruộng mía, nhìn thấy bọn Pol Pot đuổi theo xả súng bắn vào dân chạy giặc rất dã man. Ông liền trở về Uỷ ban xã gọi điện thoại báo tình hình lên huyện.

Mấy ngày sau, lực lượng Công an vũ trang- tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay, cùng bộ đội Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 lên đánh đuổi quân Pol Pot sang bên kia biên giới. Lúc đó, ông và anh em dân quân trong xã cùng với lực lượng đoàn viên thanh niên của trên huy động đi gom xác dân lành bị giết.

Ông tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm. Chỉ tính riêng ở xã Tân Lập, đã có 592 người dân vô tội bị cướp đi mạng sống. Ngoài số người chết có người thân đến nhận xác đưa đi mai táng, những người chết không người đến nhận, UBND xã dành một phần đất để chôn cất họ.

Mấy năm sau, khi đất nước Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng của bọn Pol Pot, bà con Tân Lập mới lác đác trở về địa phương sinh sống. Nhiều người đã định cư ở địa phương khác cũng về Tân Lập để bốc cốt người thân đưa đi chôn cất. Vì thế hiện nay, ở Tân Lập không còn nghĩa địa chôn cất những nạn nhân trong vụ thảm sát đêm 25.9.1977.

Ông Som Phát kể lại việc bị Pol Pot đâm vào cổ họng suýt chết.

Không chỉ tàn sát, giết hại những người dân Việt Nam, bọn Pol Pot còn  tàn sát, giết hại người dân tộc Khmer trong những năm đen tối ngay trên đất nước Campuchia. Khi chúng tôi hỏi thăm, ông Som Phát- 57 tuổi, sinh sống ở ấp Thmei, xã Bos Mon, huyện Rom Doul, tỉnh Svay Rieng vẫn chưa hết bàng hoàng và đau buồn kể: “Gia đình tôi cũng là nạn nhân của bọn Pol Pot. Chúng nó đưa cha tôi đi, bất ngờ đá một cái làm ông té xuống rồi giết luôn. Còn chúng tôi, khi chúng nó dẫn đi được khoảng 200m thì bắt đứng sang một bên, cột tay lại, đánh túi bụi rồi dùng dao đâm, chém.

Em của tôi bị đâm trúng lưng, một đứa em nhỏ khác bị nó nắm hai cái chân giơ lên rồi đập xuống. Anh tôi cũng bị giết chết. Má tôi đang có thai 7 tháng cũng bị giết, mặc dù đã quỳ lạy van xin. Bản thân tôi bị bọn Pol Pot đâm tổng cộng 13 nhát, trong đó có một nhát ngay cổ họng, may mà không chết. Gia đình tôi có tổng cộng 7 người, nay chỉ còn một mình tôi sống sót.

Ông Som Phát kể tiếp: “Người trong phum này bị giết hết. Riêng tôi còn sống sót do bỏ chạy qua biên giới, được bộ đội Việt Nam giúp đỡ, cho ăn uống, băng bó và điều trị vết thương...”.

Đức An - Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh