Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đầu tư cho giáo dục thường xuyên, bao giờ thôi... lãng phí ?
Thứ tư: 06:15 ngày 13/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện tại, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy nghề đã được trang bị nhưng chưa phát huy hiệu quả sử dụng là do không chiêu sinh được (nghề cơ khí, sửa chữa xe máy). Để khắc phục những hạn chế nêu trên, hai ngành chức năng sẽ tăng cường phối hợp trong thực hiện đào tạo nghề lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn; đào tạo nghề cho doanh nghiệp.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bến Cầu.

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, có đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (Sở GD-ĐT) xung quanh những vấn đề liên quan đến hệ giáo dục thường xuyên (hệ GDTX), nội dung chất vấn đại ý như sau: thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho nhiều Trung tâm GDTX, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các trung tâm này còn rất thấp, vì sao có sự lãng phí đó? Giải pháp khắc phục những mặt hạn chế hiện nay là gì?

Theo giải trình lãnh đạo Sở GD-ĐT, thực hiện chủ trương của Trung ương, Sở đã tổ chức lại Trung tâm GDTX theo hướng một trung tâm thực hiện 3 chức năng: giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp. Tất cả các Trung tâm GDTX trong tỉnh đều được đưa vào kế hoạch cải tạo nâng cấp hoặc xây mới. Hiện tại, chỉ còn 2 Trung tâm ở Hoà Thành và thành phố Tây Ninh chưa được sửa chữa thay thế (do nhiều nguyên nhân), dù cơ sở vật chất đã xuống cấp.

THIẾT BỊ DẠY NGHỀ: CÒN 60% “CHƯA DÙNG TỚI”

Về việc mua sắm thiết bị, từ năm 2011 đến 2016, kinh phí đầu tư cho khoản này chiếm 10,8% tổng mức đầu tư. Các thiết bị theo dự án xây mới hoặc cải tạo chủ yếu là thiết bị cơ bản như bàn ghế giáo viên, bàn ghế học sinh, bảng viết, bàn ghế phòng làm việc và các thiết bị thực hành phục vụ dạy nghề. Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, Tây Ninh có hai Trung tâm GDTX được đầu tư xây dựng với quy mô tương đối lớn (ở Châu Thành và Bến Cầu).

Ngành Giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức lại Trung tâm GDTX Châu Thành theo hướng không xây dựng mới Trường THPT Châu Thành, chuyển toàn bộ trường này sang sử dụng cơ sở vật chất tại Trung tâm GDTX. Hiện tại, Trường THPT Châu Thành có hơn 500 học sinh, dự báo năm học tới sẽ tăng lên khoảng 620 em. Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi các phòng chức năng (trừ các phòng thực hành dạy nghề) của Trung tâm GDTX Châu Thành sang cho Trường THPT Châu Thành.

Đối với Trung tâm GDTX Bến Cầu, do vị trí xây dựng không thuận lợi nên không phát huy tác dụng. Số phòng học xây mới của trung tâm này là 22 phòng, thực hiện theo hướng Chương trình kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 2008-2012. Trung tâm có quy mô xây dựng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho các đối tượng phục vụ khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Tuy nhiên, khu kinh tế này hiện không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, và điều đó đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút người học vào Trung tâm GDTX Bến Cầu. Các trung tâm GDTX còn lại đều được xây dựng và đầu tư với quy mô vừa phải, đủ đáp ứng yêu cầu cần thiết khi thực hiện 3 chức năng.

Cũng theo giải trình của Sở GD-ĐT, thiết bị, dụng cụ, vật mẫu phục vụ cho dạy nghề lao động nông thôn đã được trang cấp cho tất cả các trung tâm GDTX trong tỉnh. Danh mục các loại thiết bị nhằm phục vụ cho việc đào tạo 5 nhóm nghề cơ bản gồm: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, bảo vệ thực vật; cơ khí; điện dân dụng; sửa chữa xe máy và thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ giảng dạy.

Tính đến thời điểm hiện nay, còn hai nhóm nghề: cơ khí và sửa chữa xe máy chưa mở được lớp. Sở đã và đang chỉ đạo trung tâm GDTX các huyện, thành phố phối hợp với các trường cao đẳng Nghề, trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật của tỉnh liên kết chiêu sinh các nhóm nghề cơ khí, hàn tiện và sửa chữa xe gắn máy, nhiều trung tâm đã liên kết và ra thông báo chiêu sinh. Với nghề điện dân dụng, chỉ có hai trung tâm ở Hoà Thành và Gò Dầu là mở được lớp cho lao động nông thôn.

Đánh giá chung về kết quả đầu tư thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhìn nhận, việc đầu tư cho các Trung tâm GDTX đáp ứng được yêu cầu dạy một số nghề cơ bản, phổ biến hiện nay.

Điều này làm tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Song thực tế cũng cho thấy, việc khai thác, sử dụng thiết bị, dụng cụ dạy nghề lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả cao. Số thiết bị đã sử dụng (trên tổng chủng loại được cấp) chỉ đạt 40%.

Nguyên nhân: trong quá trình điều tra nhu cầu nghề cho lao động nông thôn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dựa vào danh mục nghề và cơ cấu chuyển dịch ngành nghề theo chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngành nghề (từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp) ở giai đoạn đầu khó thực hiện. Nhiều người đi làm công nhân ở các khu công nghiệp mà không qua học nghề tại địa phương (họ được chủ sử dụng lao động đào tạo tay nghề).

Sở LĐ-TB&XH và Sở GD-ĐT chưa dự báo sát nhu cầu phát triển ngành nghề trong tỉnh, nhất là những ngành nghề phi nông nghiệp. Vì vậy, hiện tại, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy nghề đã được trang bị nhưng chưa phát huy hiệu quả sử dụng là do không chiêu sinh được (nghề cơ khí, sửa chữa xe máy).

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, hai ngành chức năng sẽ tăng cường phối hợp trong thực hiện đào tạo nghề lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn; đào tạo nghề cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên kết ngành trong đào tạo nghề, liên kết giữa các trường: cao đẳng Nghề, trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật với Trung tâm GDTX các huyện, thành phố

TIẾN ĐẾN MỖI TỈNH MỘT ĐẦU MỐI DẠY NGHỀ

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, theo điều lệ, Trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân. Mô hình giáo dục này tổ chức thực hiện: chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ. Trung tâm GDTX còn có chức năng liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, hướng nghiệp, dạy nghề ngắn hạn.

Với các chức năng, nhiệm vụ như trên, các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Hằng năm, số học sinh theo học các lớp 10, 11, 12 tại các Trung tâm GDTX gần 1.000 người, phần lớn là số học sinh không vào được các trường THPT do học lực rất yếu, gia đình khó khăn.

Ngoài ra, trung tâm còn dạy nghề phổ thông cho khoảng 24.000 học sinh các cấp. Thực tế cho thấy, số học sinh học chương trình THPT ở các Trung tâm GDTX đã giảm nhiều (trừ 2 đơn vị ở thành phố Tây Ninh và Hoà Thành vẫn duy trì số lượng ổn định).

Trong tình hình như vậy, các trung tâm vẫn hoạt động bằng cách liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề ngắn hạn. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa khai thác hết cơ sở vật chất hiện có. Để khắc phục những hạn chế vừa nêu, ngành GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lại trung tâm. Trung tâm sẽ đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp; đào tạo nghề dưới 3 tháng; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên như chương trình xoá mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học.

Qua phần trả lời chất vấn như vừa trình bày ở trên, cũng cần ghi nhận những nỗ lực của Sở GD-ĐT nhằm giảm thiểu lãng phí, đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp trong ngành. Lĩnh vực đào tạo nghề đạt hiệu quả thấp nhưng việc mở các lớp xoá mù chữ có thể cho kết quả còn... thấp hơn.

Bởi vì hiện nay, tỷ lệ dân số biết chữ rất cao. Và trong thực tế, những người chưa biết đọc biết viết cũng hiếm khi muốn đến học chữ ở trung tâm, vì họ còn phải lao động kiếm sống. Nếu muốn biết chữ (để thi lấy bằng lái xe), nhiều người thường thuê giáo viên đến dạy tại nhà- chỉ cần viết được họ tên của mình, thậm chí chỉ cần biết... ký tên là đủ! Còn việc dạy nghề cho học sinh phổ thông thật ra không nhiều ý nghĩa. Bởi phần lớn các em khi học mấy tiết nghề ở đây chỉ để được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi, hoàn toàn không phải để đi làm.

Liên quan đến câu hỏi về việc cơ ngơi mới của Trung tâm GDTX Bến Cầu đặt ở Lợi Thuận (một xã biên giới của huyện Bến Cầu), ý kiến giải trình nêu rằng, nếu nói trung tâm không thu hút được người học là do vị trí không thuận lợi như thế thì chỉ đúng một nửa. Vì ngay cả trường dạy nghề chính quy đặt ở trung tâm đô thị vẫn “đói” người học đó thôi! Vấn đề ở đây là những mâu thuẫn trong chính sách phân luồng sau trung học cơ sở cũng như tâm lý học sinh không muốn học nghề.

Có vẻ như mô hình GDTX cơ bản đã... kết thúc vai trò. Ngày 25.10 vừa qua, Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, trong đó nói rõ: mỗi tỉnh sẽ chỉ còn một đầu mối dạy nghề.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục