Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Văn hoá - y tế cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Đầu tư để bảo tồn, phát triển
Thứ tư: 00:01 ngày 24/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thông qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng hằng năm, ban tổ chức luôn định hướng, khuyến khích các địa phương có người dân tộc thiểu số đưa các tiết mục ca múa dân gian, hoà tấu nhạc cụ tham gia nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.

Một trò chơi của học sinh người dân tộc thiểu số.

Như tin đã đưa, trong các ngày từ 18 - 22.4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh do ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách làm trưởng đoàn đã thực hiện đợt giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2018. Đoàn giám sát lần lượt làm việc với các huyện Hoà Thành, Tân Châu, Châu Thành, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và  Sở Y tế.

Tính đến thời điểm quý I.2019, có 337 cơ sở thuộc thiết chế văn hoá - thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã được xây dựng. Trong đó có 20 trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng, 40 nhà văn hoá ấp, liên ấp tại 20 xã biên giới và 11 nhà văn hoá dân tộc.

100% xã có dân tộc thiểu số sinh sống đều có trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng. Thông qua  thiết chế nhà văn hoá dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số có tụ điểm sinh hoạt văn hoá; truyền dạy văn hoá truyền thống, lưu giữ nét độc đáo, nét riêng của từng dân tộc; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế; được tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các hoạt động văn hoá, sinh hoạt cộng đồng đã tạo sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa các các dân tộc nhằm cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, xây dựng biên giới ổn định, phát triển, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.

Để tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho hệ thống các thiết chế văn hoá cơ sở hoạt động; nâng cao hiệu quả phục vụ, năm 2018, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12.12.2018 quy định chế độ cho người quản lý và kinh phí duy trì tổ chức hoạt động của hệ thống văn hoá cấp xã, ấp và đặc biệt là nhà văn hoá dân tộc.

Hằng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch còn tổ chức Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hướng dẫn  hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng quy mô lớn với sự tham gia của các đội nghệ thuật quần chúng Kinh, Chăm, Khmer, Hoa...

Thông qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng hằng năm, ban tổ chức luôn định hướng, khuyến khích các địa phương có người dân tộc thiểu số đưa các tiết mục ca múa dân gian, hoà tấu nhạc cụ tham gia nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Đồng thời, chọn các đội hạt nhân, các tiết mục độc đáo, các nghệ nhân tiêu biểu của dân tộc thiểu số tham gia giao lưu văn hoá vùng miền, biểu diễn tại các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi khu vực và toàn quốc.

Trong giai đoạn 2012 - 2018, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện các đề tài khoa học, kế hoạch về rà soát, thống kê và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc. Cụ thể ngành đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun tại Tây Ninh”, qua đó phục dựng, tái hiện một số phong tục, tập quán và lễ hội của người Tà Mun đã và đang có nguy cơ mai một.

Thực hiện kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số lồng ghép trong chương trình kiểm kê phi vật thể của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2015-2020. Năm 2015, ngành thực hiện cuộc khảo sát, kiểm kê văn hoá phi vật thể “Tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc Chăm-Khmer” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Năm 2017, ngành thực hiện cuộc điều tra xã hội học và quay phim phóng sự tư liệu “Đời sống văn hoá dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Năm 2018, thực hiện cuộc điều tra xã hội học và quay phim phóng sự tư liệu “Đời sống văn hoá dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”...

Trong những năm qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hướng mọi hoạt động của ngành về cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, và sáng tạo của nhân dân. Bình quân hằng năm, mỗi thiết chế văn hoá xã tổ chức từ 2 đến 3 hội thi văn hoá văn nghệ; 12 buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động thường xuyên từ 2 đến 4 câu lạc bộ, đội, nhóm văn hoá văn nghệ; các phòng đọc sách mở cửa phục vụ 2 buổi/tuần…

Ngoài kết quả nêu trên, công tác phát triển văn hoá  đối với vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Số lượng trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng xã, nhà văn hoá ấp vùng sâu, vùng biên giới đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp (8/20 xã) so với chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020 đạt 14/20 xã.

Kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị các thiết chế văn hoá, thể thao xã, ấp và việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hoá, thể thao của người dân. Hiệu quả của công tác xã hội hoá đối với việc xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao ở nông thôn và biên giới còn nhiều khó khăn. 

Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở VH-TT&DL kiến nghị, đề xuất với Quốc hội tiếp tục giám sát, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số, trong đó tập trung việc xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ đối với lực lượng làm công tác văn hoá nghệ thuật là người dân tộc thiểu số, các nghệ nhân dân gian đang nắm giữ và truyền dạy văn hoá dân tộc.

Đối với Chính phủ và Bộ VH-TT&DL, ban hành các chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý để khuyến khích và thu hút các tài năng văn nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hoá truyền thống dân tộc để họ yên tâm tham gia lưu giữ, sáng tạo, cống hiến. Đối với HĐND, UBND tỉnh, giám sát, chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở thực hiện chi kinh phí bảo đảm tỷ lệ cơ cấu trong chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hoá đạt 1,8%, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hoá, thể thao cho nhân dân các xã biên giới, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.

Bổ sung thông tin, lãnh đạo Sở cho rằng, khi quyết định xây dựng cơ sở vật chất dành cho các thiết chế văn hoá phải chú ý đến tính hiệu quả, có nhà văn hoá nhưng có hoạt động hay không, hoạt động như thế nào. Việc đầu tư trùng tu các di tích cũng cần có lựa chọn, không nên làm tràn lan.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, ngôn ngữ, văn hoá, ý thức tự giác dân tộc là ba tiêu chí để xác định một dân tộc, do đó, đề nghị Trung ương xem xét thực hiện một công trình nghiên cứu công phu, khoa học xem tộc người Tà Mun có đúng là một dân tộc hay không. Ý kiến khác đề nghị xem xét chế độ kinh phí khi cử vận động viên tham gia các lễ hội, thi đấu thể thao dành cho đồng báo các dân tộc thiểu số.

Ông Huỳnh Thanh Phương đã ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo Sở VH-TT&DL và cho biết sẽ tập hợp kiến nghị, đề xuất báo cáo Quốc hội. Ông Phương cũng đề nghị lãnh đạo Sở duy trì, tìm cách nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì, cải thiện nhà văn hoá chính là bảo vệ nền văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực y tế, báo cáo của Sở Y tế cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số trong khám, chữa bệnh, các đơn vị sự nghiệp y tế đã trích lập Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh để chi hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp người bệnh khó khăn, không có khả năng chi trả do chi phí điều trị lớn.

Từ năm 2014-2018, các đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện việc trích lập Quỹ khám, chữa bệnh số tiền hơn 1,8 tỷ đồng cho người nghèo. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân tại 20 xã khó khăn và vùng dân tộc thiểu số đạt 73,02%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn tỉnh, trong đó thấp nhất là xã Tân Hoà (60,17%), cao nhất là phường 1, TP.Tây Ninh (82,42%).  Các trạm y tế tại 20 xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở hạ tầng kiên cố, trang thiết bị y tế đủ về số lượng theo chuẩn quốc gia, bảo đảm có bác sĩ và nguồn kinh phí ngân sách cấp chi hoạt động.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục