BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải khắc phục ô nhiễm môi trường: 2 triệu USD hay 6 tỷ đồng?

Cập nhật ngày: 16/06/2009 - 10:04

Bỏ 2 triệu USD để khắc phục ô nhiễm môi trường

Ông Ngô Đức Hà – Phó chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) cho biết, đến nay, toàn tỉnh hiện có 58 cơ sở, nhà máy chế biến khoai mì và 4 cụm lò mì rấm. Theo lộ trình xử lý các cơ sở chế biến, sản xuất gây ô nhiễm môi trường của UBND tỉnh, đến năm 2010 tỉnh sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không thực hiện các biện pháp xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 2 cơ sở chế biến tinh bột mì có công suất lớn (từ 80 tấn bột/ngày trở lên) đang tiến hành đàm phán ký hợp đồng với các đối tác xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới, 4 cơ sở đang tiến hành xây dựng hệ thống xử lý và 1 cơ sở vừa vận hành thử nghiệm thành công hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp… đốt.

Toàn bộ nước thải sản xuất (ảnh nhỏ) sẽ được đưa vào túi ga khổng lồ có dung tích 40.000 m3 nước, 60.000 m3 ga (ảnh lớn)

Theo ông Hà, 7 cơ sở sản xuất chế biến tinh bột mì đang tích cực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vừa nêu đều áp dụng biện pháp mới: thu hồi khí ga từ nước thải. Hiện nay, tuỳ theo quy mô xây dựng và thiết bị máy móc mà hệ thống xử lý nước thải thu hồi khí ga có mức đầu tư khác nhau, trung bình từ 10 đến 20 tỷ đồng hoặc cao hơn (có nơi cho biết họ đầu tư đến… 2 triệu USD). Hầu hết các cơ sở đều ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế theo phương thức sau: Đơn vị tư vấn bỏ tiền đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sau đó thu hồi ga bán lại cho cơ sở sản xuất và bán ra ngoài.

Có thể “tự thiết kế” với chi phí rẻ hơn nhiều

Hệ thống tự động tiêu huỷ khí ga khi nhà máy không sản xuất

Trong khi đó, cơ sở vừa đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống thu hồi khí ga từ nước thải chế biến bột mì (DNTN Thanh Vinh, ấp Ninh Trung, thị xã Tây Ninh) chỉ phải đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Ông Trần Phước Vinh, chủ DNTN Thanh Vinh cho biết: “Số tiền trên tuy không nhỏ, nhưng để đảm bảo sản xuất ổn định, đảm bảo việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã mạnh dạn xuất tiền túi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ mới”. Hệ thống xử lý nước thải thu hồi khí ga của ông Vinh có sức chứa 40.000 m3 nước và khoảng 60.000m3 khí ga, hoạt động theo cơ chế sau: Nước thải sau khi chế biến tinh bột mì từ nhà máy được đưa thẳng ra hồ chứa kín (hố ga). Trong hồ chứa đã được cấy vi sinh để nước thải sinh ga. Khí ga được dẫn qua đường ống vào nhà máy, đến bộ phận đốt, phục vụ sản xuất tinh bột mì. Ngoài ra, hệ thống này còn có những rờ le tự động bật lửa đốt

huỷ khí ga khi nhà máy sản xuất không hoạt động để giảm áp suất trong hầm chứa.

Theo ông Vinh, sở dĩ hệ thống xử lý nước thải thu hồi khí ga của ông có vốn đầu tư thấp so với các nơi khác là vì ông không phải tốn “chi phí khác” ngoài chi phí xây dựng và mua sắm thiết bị đốt. Sau khi đi tham quan nhiều nơi và nghiên cứu tài liệu để tìm hiểu công nghệ, quy trình hoạt động của hệ thống thu hồi khí ga từ nước thải lò mì, ông Vinh đã tự thiết kế hồ chứa theo cách riêng của mình. “Khu vực miền Trung đã làm hệ thống này khá nhiều. Tuy nhiên, mình đi sau nên mình rút tỉa được những kinh nghiệm, thiếu sót của người đi trước, lại tiết kiệm hơn”, ông Vinh nói. Ông Ngô Đức Hà cho biết thêm, so với những nơi khác, chi phí đầu tư làm hệ thống thu hồi ga ở chỗ ông Vinh là thấp nhất, nhưng kết quả vận hành thử nghiệm ban đầu rất khả quan.

Như vậy, từ nay, toàn bộ nước thải sản xuất, chế biến tinh bột mì của DNTN Thanh Vinh sẽ không còn phải thải ra ngoài hầm chứa lộ thiên, tránh được tình trạng gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước mặt và mạch nước ngầm. Một lợi ích khác rất lớn mà cơ sở của ông Vinh được hưởng là ông sẽ không còn phải tốn chi phí mua nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Ông Vinh nói, “Mỗi năm tôi tốn khoảng 8 tỷ đồng tiền mua dầu. So với khoản đầu tư 6 tỷ đồng bỏ ra làm hố ga và lắp hệ thống đốt, chỉ trong 1 năm là tôi đã có lãi rồi”.

ĐÌNH CHUNG