Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đầu năm mới, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc phỏng vấn bà Cao Thị Nhạn- Giám đốc Sở GT-VT về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông-vận tải tỉnh nhà trong thời gian tới.
Trong lần về thăm và làm việc tại Tây Ninh cuối năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá hạ tầng giao thông vận tải ở Tây Ninh chỉ tạm thời đáp ứng được nhu cầu về dân sinh chứ chưa thể phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đầu năm mới, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc phỏng vấn bà Cao Thị Nhạn- Giám đốc Sở GT-VT về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông-vận tải tỉnh nhà trong thời gian tới.
PV: Xin bà cho biết khái quát về thực trạng hệ thống đường giao thông ở Tây Ninh hiện nay?
Bà Cao Thị Nhạn: Về đường bộ, Tây Ninh cơ bản đã hình thành nên hệ thống các trục dọc và trục ngang dựa trên hai tuyến quốc lộ, các tuyến đường tỉnh và phân bố tương đối đều trên toàn tỉnh. Hệ thống đường huyện, đường đô thị và đường xã có sự kết nối với nhau, tạo thuận lợi cho việc lưu thông tới tất cả các vùng trong tỉnh. Đến ngày 31.12.2009, hệ thống đường bộ tỉnh Tây Ninh có tổng chiều dài 4.640,4 km, kể cả đường giao thông nông thôn. Mật độ đường so với diện tích tự nhiên của tỉnh là 1,15 km/km2, huyện Hoà Thành có mật độ cao nhất đạt 7,2 km/km2, thấp nhất là huyện Tân Châu đạt 0,58 km/km2 và Châu Thành đạt 0,84 km/km2. Thị xã là trung tâm chính trị có mật độ đạt 2,31 km/km2. Mật độ đường của tỉnh đạt 4,52km/1.000 dân. Trong đó, quốc lộ (22 và 22B) dài 112,2 km, nhựa hoá 100%; đường tỉnh có 43 tuyến, dài 689,665 km, tỷ lệ nhựa hoá 88,4%; đường huyện và đô thị có 236 tuyến, dài 1.090,745 km, tỷ lệ nhựa hoá rất thấp, chỉ đạt 28,5%; đường xã dài 2.860 km, tỷ lệ nhựa và bê tông hoá 4,5%.
Về đường thuỷ, Tây Ninh có mạng lưới sông rạch chảy qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 617 km (chỉ tính những sông, rạch chính), trong đó chiều dài sông rạch có thể khai thác vận tải là 422,8 km. Đặc biệt 2 tuyến sông chính là sông Sài Gòn nối Tây Ninh với cụm cảng TP.HCM và sông Vàm Cỏ Đông nối Tây Ninh thông thương với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới sông rạch đã tạo nên sự thuận tiện về giao thông đường thuỷ, góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
PV: Nhiều doanh nghiệp cho rằng hệ thống cầu, đường ở Tây Ninh còn nhiều hạn chế là một trong những trở lực kìm hãm sự phát triển kinh tế. Theo bà, nhận định này có đúng không?
Hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế |
Bà Cao Thị Nhạn: Theo tôi, nhận định như trên là chưa xác đáng. Tuy nhiên có thể thấy rằng trong thời điểm hiện tại, tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng về giao thông chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đầu tư phương tiện có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường. Hiện tại, mạng lưới giao thông của tỉnh hình thành và phát triển rộng khắp, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá, phát triển sản xuất và đi lại của nhân dân. Đến nay 100% các xã vùng sâu, vùng biên giới đã có đường nhựa đến trung tâm xã. Các trục đường chính của tỉnh đi vào các vùng nguyên liệu, khu công nghiệp, nhà máy… thuộc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường các huyện, thị xã quản lý hằng năm đều đã được trung ương và địa phương đầu tư nâng cấp, đảm bảo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá, không để xảy ra ách tắc.
Vấn đề tồn tại hiện nay là còn một số cầu trên đường 782- 784, đường 785, 798 có tải trọng chưa đồng bộ với đường, hiện đang trong giai đoạn đầu tư làm mới và có phương án gia tải. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách của tỉnh đang khó khăn nên Sở GT-VT đã chủ động xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, vận động các doanh nghiệp cùng góp vốn với tỉnh, thi công gia tải cầu Bổ Túc và cầu Đại Thắng (Tân Châu). Mới đây, Sở GT-VT đã tổ chức vận động các doanh nghiệp vận tải, các công ty trên địa bàn tỉnh đóng góp kinh phí gia tải cầu Gió và cầu K21 (Thị xã). Nếu thuận lợi, Sở sẽ tiến hành gia tải 2 cầu này vào quý II năm 2010. Qua đó, sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh, bởi tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp nhiệt tình của các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.
PV: Trong thời gian qua, để kéo giảm tai nạn giao thông, ngành chức năng và chính quyền địa phương huyện Hoà Thành cũng như Thị xã đã thống nhất cấm xe tải, xe kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc lưu thông vào ban ngày. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ gây khó khăn cho họ, gây trở ngại trong việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hàng hoá. Bà nghĩ gì về ý kiến này?
Bà Cao Thị Nhạn: Việc cấm các loại phương tiện xe kéo moóc, xe kéo sơ mi rơ moóc (kéo container) hoạt động đi qua khu đông dân cư, nội thị, thị xã, thị trấn theo giờ, xuất phát từ tình trạng tăng nhanh phương tiện vận tải trên địa bàn của huyện, từ tình trạng xe ra vào khu vực thị tứ khai thác vận chuyển hàng hoá thường xuyên gây ra ùn tắc, khó kiểm soát và tai nạn giao thông gia tăng đột biến. Do đó giải pháp hạn chế phương tiện ra vào khu vực dân cư, thị trấn, trung tâm thương mại theo giờ quy định là phù hợp.
PV: Theo đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hạ tầng GT-VT ở Tây Ninh chưa đủ sức phục vụ cho phát triển kinh tế! Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến nhược điểm tồn tại trên và biện pháp cụ thể nào trong thời gian tới?
Bà Cao Thị Nhạn: Nguyên nhân trước nhất và chủ yếu là do nguồn vốn ngân sách đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông của tỉnh còn rất hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng này và có điều kiện phát triển, hoàn thiện hệ thống GT- VT, chúng ta cần có chủ trương tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và có giải pháp kêu gọi đầu tư từ những tổ chức kinh tế trong và nước ngoài góp vốn đầu tư bằng các hình thức: BOT, BT, BTO.
PV: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho chúng tôi!
HOÀNG THI