Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đầu tư trạm bơm, đánh thức tiềm năng, phát triển nông nghiệp
Thứ bảy: 22:21 ngày 10/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các trạm bơm phục vụ nước tưới cho hơn 12.000 ha đất trồng. Trong quá trình hoạt động, hiệu quả mang lại từ các trạm bơm khá cao.

Một tuyến kênh nhánh được người dân đào đất làm tạm, rất dễ bị rò rỉ nước hoặc bị vỡ.

Tính đến cuối năm 2017, Tây Ninh đã đầu tư được 10 trạm bơm cùng với hệ thống kênh mương thuỷ lợi, chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện cánh Tây sông Vàm Cỏ Đông. Các trạm bơm phục vụ nước tưới cho hơn 12.000 ha đất trồng. Trong quá trình hoạt động, hiệu quả mang lại từ các trạm bơm khá cao. Nông dân trong các vùng tưới có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. 

 

Hiệu quả thiết thực

Ông Nguyễn Văn Tọi (ngụ ấp Long Hưng, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) cho biết, trước đây nông dân vùng này phải khoan giếng để tưới ruộng, nhưng mỗi năm chỉ canh tác được một vụ lúa. Từ khi có nước trạm bơm, mỗi năm vùng này sản xuất được 3 vụ lúa. “Bây giờ nông dân không lo thiếu nước như trước, chi phí lại ít hơn, tăng mùa vụ, tăng năng suất”, ông Tọi vui vẻ nói.

Còn theo anh Lê Phát Tài (ngụ ấp Lộc Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), việc canh tác nông nghiệp bây giờ “khoẻ” hơn trước nhiều. Đất của anh hiện trồng lúa được 3 vụ, bình quân 300 giạ/ha/vụ. Không còn như trước đây, khi chưa có hệ thống kênh tưới, nông dân cứ thấp thỏm chờ mưa mới làm đất gieo trồng, lại còn phải khoan giếng, bơm nước tưới liên tục. Do đó, chi phí sản xuất rất cao, lợi nhuận thấp. 

Ông Dương Minh Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh cho biết, người dân trong xã hầu hết sống bằng nghề nông. Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp phải phụ thuộc vào thời tiết nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa và một số ít rau màu. Từ khi hai trạm bơm Hoà Thạnh 1 và Hoà Thạnh 2 đi vào hoạt động đã phần nào giải quyết nhu cầu cơ bản về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Cần đầu tư đồng bộ hệ thống kênh thuỷ lợi

Ông Lê Hoài Phong (ngụ ấp Lộc Phước, xã Hoà Thạnh) đang xuống giống 9 ha lúa cho biết, tuy đã có nguồn nước từ trạm bơm nhưng những diện tích nằm sâu phía trong như của ông và một số người khác rất khó lấy nước tưới. Còn theo ông Ton-Hun (ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh), nhờ có hệ thống kênh tưới từ trạm bơm mà ông và người dân xung quanh được hưởng lợi, tăng vụ, tăng năng suất. Thế nhưng, cánh đồng này chưa có hệ thống kênh tiêu, nên những khi mưa thì chẳng biết xả nước đi đâu.

Ông Phạm Công Biết, Trưởng trạm bơm Hoà Thạnh 2 cho biết, theo thiết kế, trạm có 3 máy bơm thay phiên nhau hoạt động cung cấp nước tưới cho hơn 360 ha đất trồng với tuyến kênh chính dài 3.150m, nhưng do thiếu hệ thống kênh nhánh cấp 2, 3 nên chỉ có những ruộng ở ven tuyến kênh chính là dễ lấy nước. Những hộ có ruộng ở xa hơn phải sử dụng ống nhựa dẫn nước, rất mất thời gian, gây khó khăn cho việc sản xuất.

Đại diện Ban Quản lý dự án huyện Châu Thành cho biết, việc đầu tư hệ thống trạm bơm đã giải quyết cơ bản lượng nước tưới cho vùng sản xuất lúa tại 2 xã Hoà Thạnh và Hoà Hội. Tuy nhiên, khi đầu tư trạm bơm, ngành Nông nghiệp mới chỉ đầu tư được hệ thống kênh chính, còn hệ thống kênh nhánh cấp 2, 3 hiện nay huyện vẫn chưa có phương án đầu tư do không nguồn vốn.

Để giải quyết nhu cầu thoát nước, huyện đang triển khai dự án kênh tiêu Sóc Xo dài 3.185m, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5.2018. Kênh tiêu Sóc Xo sẽ giải quyết tiêu thoát nước cho hơn 100 ha trong vùng sản xuất nông nghiệp ở hai xã Hoà Thạnh và Hoà Hội.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp huyện Bến Cầu, đến nay, trên địa bàn huyện có 5 trạm bơm điện. Các trạm bơm đã đi vào hoạt động, tưới 1 vụ màu và 2 vụ lúa với tổng diện tích 3.205 ha; bảo đảm nước phòng cháy, chữa cháy cho gần 740 ha rừng thuộc xã Long Phước. Hầu hết các trạm bơm đều hoạt động hiệu quả, bảo đảm trên 80% công suất thiết kế. Tuy nhiên, diện tích đất cần nước tưới của huyện còn rất lớn- khoảng 5.000 ha tại các xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh.

Ông Nguyễn Quang Nhân, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý các trạm bơm cho biết, xí nghiệp đang quản lý 8 trạm bơm phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, phục vụ nước tưới cho hơn 12.000 ha/vụ. Các trạm bơm mang hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện có một số khó khăn.

Thứ nhất, là việc nông dân trồng cây xen canh, trong khi nhu cầu nước tưới mỗi loại cây khác nhau, gây khó khăn trong công tác vận hành các trạm bơm. Thứ hai, tuy hệ thống kênh chính đã được đầu tư hoàn thiện 100%, nhưng hệ thống kênh nhánh vẫn còn thiếu, hiện chỉ được gần 80%.

Huyện Châu Thành có 2 trạm bơm nhưng chỉ có hệ thống kênh chính, chưa có hệ thống kênh nhánh nên trạm bơm chỉ hoạt động chưa đầy 50% công suất thiết kế. Do đó, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, tạo điều kiện cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi hơn.

Trong những năm qua, tiêu chí số 3 của Chương trình xây dựng nông thôn mới về thuỷ lợi được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện, bởi kinh phí đầu tư quá lớn. 

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục