Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh: Cần có nguồn kinh phí rất lớn
2011-02-17 11:11:00

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định “hạ tầng giao thông là một trong các khâu đột phá quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015”.

Trong những năm qua, lĩnh vực hạ tầng giao thông ngày càng được tỉnh chú trọng, quan tâm đầu tư phát triển. Hầu hết tuyến đường liên huyện đã được bê tông nhựa hoá. Nhiều xã biên giới cũng có đường láng nhựa đến trung tâm. Các tuyến đường liên ấp, giao thông nông thôn được làm đều khắp. Hiện nay có thể nói mạng lưới giao thông ở Tây Ninh cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Kinh phí xây dựng đường giao thông là rất lớn

Thế nhưng, thực tế cho thấy hiện nay có không ít tuyến đường giao thông bị hư hỏng, trong khi việc duy tu, sửa chữa không được tiến hành kịp thời khiến cho đường sá ngày càng xuống cấp nghiêm trọng? Hiện trạng đường giao thông hư hỏng không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, gây mất an toàn giao thông, mà còn hạn chế sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong các kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri nhiều địa phương thường phản ánh tình trạng hư hỏng đường. Theo lý giải của ngành chức năng, nguyên nhân khiến cho ngành chức năng chậm sửa chữa một số tuyến đường bị hư hỏng là do kinh phí dành cho việc sửa chữa, duy tu chống xuống cấp các tuyến đường là quá thấp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, tổng chiều dài đường bộ trong tỉnh hiện nay khoảng 4.757,5 km. Trong đó tổng chiều dài quốc lộ do Trung ương quản lý là 116 km, đường do tỉnh quản lý là gần 750 km, đường do huyện, thị quản lý là hơn 1.000 km, còn lại gần 2.900 km là đường giao thông nông thôn do các xã, phường, thị trấn quản lý. Về mặt kết cấu, đường bê tông nhựa và láng nhựa có tổng chiều dài hơn 1.200 km, đường cấp phối có tổng chiều dài hơn 1.000 km, còn lại là đường đất. Không kể 2 tuyến quốc lộ 22 (Xuyên Á) và 22B do Trung ương quản lý và các tuyến giao thông nông thôn thực hiện xã hội hoá theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ riêng hệ thống đường tỉnh và các huyện thị quản lý thì hằng năm kinh phí đầu tư nâng cấp cũng chỉ làm được khoảng hơn 100 km đường mà thôi. So với tổng chiều dài đường giao thông hiện có thì con số này quá thấp.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải, để chống xuống cấp các tuyến đường giao thông do tỉnh và các huyện thị quản lý, nhu cầu kinh phí lên đến hơn 35 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nguồn vốn dành cho công tác này thực tế thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Ngoài ra, do hạn chế về vốn đầu tư mà có những tuyến đường giao thông dự kiến nâng cấp từ mấy năm trước đây, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được như tuyến đường 786- từ thị xã Tây Ninh đến trung tâm huyện Bến Cầu. Đây là một trong những khó khăn lớn của tỉnh trong giai đoạn phải tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, một trong những hạn chế hiện nay là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn 2011-2015. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định “hạ tầng giao thông là một trong các khâu đột phá quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015”. Muốn giải quyết được vấn đề hạ tầng giao thông thì phải có giải pháp huy động nguồn lực đủ để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong năm 2011 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư để nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thực tế là rất lớn. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, khả năng chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng giao thông. Vì thế cho nên cần có những cơ chế, chính sách giải pháp phù hợp để kết hợp nguồn vốn từ ngân sách địa phương với nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, đồng thời có giải pháp huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước- kể cả nguồn vốn từ nhân dân đóng góp. Song song với việc tăng cường huy động vốn đầu tư cần phải nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư.

Đường 786 chưa có đủ kinh phí nâng cấp

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về đầu tư hạ tầng giao thông. Định hướng huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông năm 2011 và những năm tiếp theo là: kết hợp nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT, BT để nâng cấp, bảo trì các công trình giao thông hiện có và xây dựng mới công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như đường 781, 782, 782-784, 786, 787, 792, 795, 799, đường vào các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, giao thông nông thôn và nâng cấp tải trọng cầu phù hợp. Đồng thời tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng qua tỉnh như: đường cao tốc, đường sắt TP.HCM- Mộc Bài, nâng cấp QL 22B, QL 14C, đường tuần tra biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường HCM… Song song định hướng huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là các giải pháp tăng cường khả năng huy động vốn đầu tư. Cụ thể là: vận dụng và thực hiện linh hoạt các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Song song đó là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kết nối giao thông của tỉnh với giao thông của vùng và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, còn thêm một vấn đề quan trọng là phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn bằng cách thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng, tăng cường công tác giám sát và tăng cường lực lượng cán bộ có đủ năng lực và trình độ chuyên môn vào công tác quản lý, điều hành nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
Tin liên quan