Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đầy ắp xuân trong Toà thánh Cao Đài
Thứ tư: 13:51 ngày 13/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Toà thánh Tây Ninh- từ những ngày đầu xuân cho đến giữa rằm vẫn ngập tràn không khí hội xuân. Đến cả cây cỏ cũng sáng ngời màu hoa, sắc lá.

Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ phải sang) cùng Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang (giữa) và Đầu sư Thượng Tám Thanh tại Toà Thánh Cao đài Tây Ninh hôm 29.1.2019.

Ghi nhanh của Trần Vũ

Đã hết kỳ nghỉ tết nhưng dường như Toà thánh Cao Đài mới vào xuân. Đền thánh đã rất đông vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 tết, nhưng mỗi ngày lại càng đông vui hơn do khách hành hương và chức sắc, tín đồ các tỉnh đổ về chuẩn bị cho ngày Đại lễ vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng.

Khuôn viên Toà thánh rộng gần 100 ha, mát rượi bởi rừng thiên nhiên hai bên sân Đại Đồng Xã. Đây cũng là nơi đông vui nhất vào những ngày xuân. Trên bãi cỏ thênh thang giữa sân, chiều nào các bậc phụ huynh cũng dẫn con em mình ra chơi vì lồng lộng gió trời, mặt cỏ biếc xanh êm mịn và luôn sạch sẽ. Các trẻ nhỏ thích đến đây còn vì một lẽ, bên trong cánh rừng có hàng rào đẹp đẽ kia là bầy khỉ luôn nhảy nhót vô tư như đùa giỡn cùng các em và khách qua đường.

Khách thập phương cũng chọn nơi này làm chỗ trú chân. Họ có thể mượn chiếu bạt trong khu Trai đường ra hai dãy khán đài rộng dài hai bên sân làm nơi qua đêm nghỉ tạm, đợi xem múa tứ linh, rồng nhang hay tham dự nghi lễ cúng đại đàn.

Bởi thế, Toà thánh Tây Ninh- từ những ngày đầu xuân cho đến giữa rằm vẫn ngập tràn không khí hội xuân. Đến cả cây cỏ cũng sáng ngời màu hoa, sắc lá. Dọc đại lộ, chạy ngang trước mặt ngôi đền thánh, người ta vẫn có thể ngắm đủ các loài hoa rực rỡ trong Bá Huê Viên. Những cây bằng lăng dọc đường trổ hoa tươi non sắc tím. Mai vẫn vàng tươi trước từng khuôn viên đền đài. Và ngay ở đoạn cuối con đường, rừng cao su cũng đã rực vàng lên trong mùa thay lá. Có lúc dưới nắng, lá cành sáng bừng lên như một vườn mai kiểng khổng lồ.

Bà con tín đồ vẫn còn nhớ rõ một ngày cuối tháng Chạp vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn cán bộ Thành phố đến thăm và chúc tết bà con đạo Cao Đài. Tại cuộc gặp gỡ với ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh- Chưởng quản Hội thánh cùng các vị chức sắc, ông Nguyễn Thiện Nhân có những lời phát biểu chân tình, ấm áp. Ông mong rồi đây, những nét đẹp của tôn giáo Cao Đài tiếp tục được thăng hoa trong sự nghiệp hành đạo, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Năm cũ vừa qua đi, nhưng còn đọng lại nơi đây biết bao niềm vui. 

Vâng! Từ mùng 4 tết, bà con các họ đạo đã lại dựng lên ở hai bên sân Đại Đồng Xã các gian triển lãm. Đến mùng 7 thì gian nào cũng hoàn thành, với các mô hình sắp đặt kỳ công và được trang hoàng lộng lẫy. Vào mùng 8, ngày lễ khai mạc các gian triển lãm được diễn ra trọng thể, huy hoàng. Có thể có ai đó nói rằng, năm nào cũng vậy.

Nhưng thực ra, triển lãm mỗi năm mỗi khác, tuy đề tài vẫn tập trung vào các truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thánh Gióng… hay tôn vinh các danh nhân, anh hùng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Thượng Lãn Ông… Chức sắc, tín đồ tỉnh Đồng Nai giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh- người có công mở đất phương Nam.

Bà con Kiên Giang giới thiệu sự nghiệp của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Cả thầy giáo, nhà thơ Đồ Chiểu cũng “có mặt” nơi đây, với lớp học nhỏ và vần thơ nổi tiếng: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…”.

Mỗi gian triển lãm là một trang sử mở. Những nghệ nhân tài hoa mỗi năm lại sáng tạo những mô hình sinh động hơn. Đây là chiếc thuyền rồng của Bình Định Vương Lê Lợi trên sóng nước hồ Gươm, có rùa vàng nổi lên thu lại kiếm thần. Kia là đoàn quân dũng mãnh của Nguyễn Huệ - Quang Trung thần tốc tới Thăng Long dẹp giặc. Hình tượng hiên ngang của Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh đuổi quân nhà Hán…

Những tượng hình chuyển động, giữa các khung cảnh núi non sông nước hùng vĩ, khiến người xem thích thú dõi theo. Những âm thanh trầm lắng, kể lại chuyện xưa, như những lời nhắc nhớ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên.

Điều được chờ đợi nhất chính là vào đêm mùng 8 tháng Giêng, năm nay là ngày 12.2.2019. Theo truyền thống sẽ là đêm có múa tứ linh (long, lân, quy, phụng) cùng với rồng nhang khổng lồ dài 40 mét. Trong đoàn múa còn có các nhóm trình diễn nhạc múa dân tộc và nhiều tiết mục đặc sắc. Người xem rồi, cũng muốn được mỗi năm xem lại, bởi đây là một cuộc tổng hoà các loại hình nghệ thuật dân gian ở quy mô hoành tráng nhất. Vừa là múa rồng, tứ linh, lại vừa là múa lửa với rực rỡ đèn nhang, cùng âm thanh chiêng trống vang lừng hoà tấu với bộ ngũ âm nỉ non, tinh tế… Tất cả sẽ tạo nên một ấn tượng khó quên với ai từng chứng kiến.

Sau cùng, khách hành hương cũng không quên đến thưởng thức các món chay ở Trai đường. Những bữa ăn có đến cả ngàn người ăn cùng lúc. Theo lệ thường, Trai đường sẽ phục vụ miễn phí khách hành hương suốt ba ngày trước và sau lễ hội. Đã là tín đồ đạo Cao Đài thì ai cũng mong đến “tý thời” đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng Giêng để được có mặt trong ngôi đền thánh dự lễ cúng đại đàn. Giữa không gian trầm lắng ngưng tụ những điều thiêng liêng, thành kính, ai cũng cầu mong cho quê hương đất nước được bình yên, mưa thuận gió hoà cho mùa vụ tốt tươi.

Đi xem lễ hội đầu xuân của đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh, niềm tự hào dân tộc lại trở về, tươi mới tựa mùa xuân.

T.V

Tin cùng chuyên mục