Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh: Chuyện không đơn giản

Cập nhật ngày: 31/10/2012 - 09:22

(BTN)- Như tin đã đưa, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2020. Trong đề án có một thông tin đáng chú ý: Năm học 2012-2013, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha sẽ triển khai dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Vậy lộ trình thực hiện kế hoạch này sẽ như thế nào? Và đội ngũ giáo viên của nhà trường đã đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu hay không?

Cô và trò Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha trong giờ học tiếng Anh.

 Theo ông Nguyễn Hữu Quốc- quyền Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha- vốn cũng là giáo viên dạy ngoại ngữ, toàn trường hiện có 8 giáo viên dạy tiếng Anh, dĩ nhiên đều đã có bằng đại học. Tuy vậy, trong đợt khảo sát năng lực tiếng Anh do Sở GD-ĐT tổ chức với sự tham gia của một số tổ chức quốc tế (Báo Tây Ninh đã đưa tin) thì không có giáo viên nào đạt yêu cầu! Sau kết quả ấy, một số giáo viên đã tích cực trau dồi vốn ngoại ngữ và tham gia sát hạch ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến thời điểm này đã có một người lấy được chứng chỉ tương đương bậc C1 (tức bậc 5/6 theo khung năng lực ngoại ngữ chuẩn châu Âu). Nhiều người khác đang tích cực trau dồi thêm để đạt được kết quả ấy. Ông Quốc cũng cho biết: Từ trước đến nay Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha chưa có giáo viên nào dạy môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Nay, để chuẩn bị cho triển khai đề án vào năm học sau, nhà trường đã cử 3 giáo viên dạy môn Toán đi học ngoại ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh theo chương trình đào tạo của tỉnh. Về phía nhà trường, ban giám hiệu đã và sẽ cử tổng cộng 27 giáo viên đi học ngoại ngữ vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, trong số đó có 4 người dạy môn Toán. Thời gian học sẽ kéo dài khoảng 9 tháng. Sau khi học xong, giáo viên sẽ được cấp chứng chỉ “dạy Toán bằng tiếng Anh”. Giáo viên dạy một số môn khác như Hoá học, Vật lý và Sinh học cũng được đi học để có thể dạy bằng tiếng Anh.

Với tình hình như vậy, liệu đến đầu năm học sau, nhà trường có thể thực hiện đề án trên không? Theo ông Quốc, vấn đề này cần phải có lộ trình, thực hiện từng bước một. Trước mắt, chỉ dạy tiếng Anh đối với những môn không chuyên. Ví dụ cụ thể: Lớp chuyên Vật lý sẽ học môn Toán bằng tiếng Anh, trong khi lớp chuyên Toán lại học Vật lý bằng tiếng Anh. Các lớp chuyên khác như Hoá học, Sinh học cũng sẽ được thực hiện theo cách trên. Ông Quốc cho rằng: Dạy môn chuyên bằng tiếng Anh không hề đơn giản. Trình độ ngoại ngữ của giáo viên chưa thể diễn đạt hết những khái niệm, thuật ngữ, định lý, định luật trong một số môn học. Và như thế, học sinh sẽ khó khăn trong việc tiếp thu bài vở. Để đảm bảo kết quả vững chắc, nhà trường dự kiến sẽ chỉ dạy khoảng 10% tổng số tiết của một môn học. Ví dụ: Chương trình Toán lớp 11 cả năm có 100 tiết, thì trong năm học này giáo viên và học sinh chỉ dạy - học 10 tiết bằng tiếng Anh. Cách làm này hiện đang được một số trường chuyên trong cả nước áp dụng.

Thêm một vấn đề đặt ra: Nguồn tài liệu để dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh lấy ở đâu? “Trước mắt sẽ xin một số trường chuyên ở tỉnh bạn” - ông Quốc nói. (Hiện tại, Việt Nam chưa có sách giáo khoa Toán, Vật lý, Hoá học và Sinh học bằng tiếng Anh). Cũng theo ông Quốc: Việc dạy học bằng tiếng Anh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên.

Chủ trương dạy một số môn bằng tiếng Anh trên toàn quốc hiện đang có những ý kiến trái chiều. Có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự hoài nghi, băn khoăn, lo lắng. Một số nhà giáo gạo cội (cả đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu) còn cực lực phản đối chủ trương này vì cho rằng đề án còn mơ hồ, không thực tế, không rõ mục đích. Những ý kiến phản đối cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi nếu làm không khéo, ngành Giáo dục sẽ lại sa vào căn bệnh kinh niên: Làm theo phong trào, thí điểm. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ: Việc dạy và học tiếng Anh ở ta còn bị hạn chế rất lớn bởi gần như không có môi trường để giao tiếp. Cả hai trường Đại học Sư phạm lớn nhất nước hiện nay (ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) chỉ đào tạo giáo viên ngoại ngữ để dạy ngoại ngữ, chưa thể đào tạo giáo viên để dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.

 Trong một cuộc hội thảo được tổ chức hôm đầu tháng 10 này, ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo có nói: “Việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh cần phải làm cho phù hợp và nhất thiết phải tính đến hiệu quả, không thể làm lấy được, làm cho có, làm để trình diễn”. Lời “khuyến cáo” này rõ ràng không thừa.

VIỆT ĐÔNG