Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 25.3, Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình để tổ chức cho học sinh học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông năm học 2019-2020.
Học sinh phổ thông thi tiếng Anh qua mạng internet (ảnh tư liệu).
Dạy học qua mạng
Theo Bộ GD-ĐT, việc tăng cường dạy học qua mạng internet nhằm bốn mục đích chính: giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trước hết, dạy học qua internet là hình thức giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System); dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) và dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
Hệ thống quản lý học tập là hệ thống phần mềm và mạng máy tính cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua internet từ lúc nhập học đến khi học sinh hoàn thành khoá học. Hệ thống này giúp cơ sở giáo dục theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh, giúp giáo viên giao tiếp với học sinh trong việc hướng dẫn học, giao bài tập, trợ giúp, giải đáp… Học sinh có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng, kết nối với giáo viên và các học sinh khác để trao đổi bài.
Hệ thống quản lý nội dung học tập là hệ thống phần mềm và mạng máy tính quản lý kho nội dung học tập qua internet, cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải các nội dung học tập tới học sinh. Hệ thống quản lý nội dung học tập có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý học tập (để truyền tải nội dung học tập tới học sinh) và phần mềm công cụ soạn bài giảng (để tạo ra các nội dung học tập).
Hệ thống dạy học trực truyến là phần mềm ứng dụng cho phép tổ chức và quản lý lớp học qua internet, cho phép giáo viên và học sinh có thể giao tiếp, tương tác trực tiếp được với nhau để tổ chức hoạt động dạy học.
Để làm được các nội dung trên, có những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, đối với hệ thống quản lý học tập phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Cụ thể, cho phép cơ sở giáo dục tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua internet.
Theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh, tổ chức các bài kiểm tra trực tuyến để quản lý tiến trình và kết quả học tập của học sinh, duyệt các bài giảng và theo dõi được các hoạt động của giáo viên trên môi trường mạng. Hệ thống này cho phép giáo viên khởi tạo kho học liệu, theo dõi, kiểm tra đánh giá học sinh, quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến. Học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập, biết được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; học sinh, giáo viên và gia đình học sinh có thể tương tác được với nhau.
Hệ thống phần mềm và hạ tầng kết nối internet của hệ thống quản lý nội dung học tập phải đáp ứng các yêu cầu sau: cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải nội dung học tập tới học sinh qua internet; tích hợp công cụ biên soạn bài giảng dành cho giáo viên; cho phép cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống quản lý nội dung dạy học với hệ thống quản lý học tập.
Về hệ thống dạy học trực tuyến cũng phải đáp ứng các yêu cầu: cho phép tổ chức, quản lý lớp học qua internet giúp giáo viên, học sinh có thể tương tác trực tiếp được với nhau; bảo đảm cung cấp học liệu cho học sinh; tổ chức và quản lý quá trình học tập của học sinh, sự tương tác giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên trong quá trình dạy học; tuỳ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống dạy học trực tuyến với hệ thống quản lý học tập.
Để tổ chức hoạt động dạy học, Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ. Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học qua internet theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua internet.
Bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua internet của giáo viên và học sinh của nhà trường. Cơ sở giáo dục phối hợp với gia đình trong việc tổ chức dạy học qua internet.
Đối với giáo viên và cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, giáo viên có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu, biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua internet. Giáo viên tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Đối với học sinh, được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng ứng dụng hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trên internet học tập trước khi tham gia bài học. Thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá. Gia đình học sinh có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua internet của học sinh.
Dạy học trên truyền hình
Dạy học trên truyền hình là hình thức giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài giảng được phát trên truyền hình. Bài học trên truyền hình do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học liệu được sử dụng trong dạy học bao gồm sách giáo khoa, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học trên truyền hình, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học.
Đánh giá kết quả học tập, theo hướng dẫn của Bộ, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.
Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.
Khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình. Đồng thời thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Cùng ngày ban hành công văn, Bộ GD-ĐT tổ chức tiếp một hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn dạy học trực tuyến. Một trong những thông tin đáng chú ý là tinh giản nội dung chương trình học. Tuy nhiên, việc tinh giản như thế nào, bỏ bài nào, giữ bài nào… không đơn giản.
Hạ tầng kỹ thuật-đòi hỏi từ hai phía
Với những thông tin nêu trên, có thể nhìn nhận, Bộ GD-ĐT đã và đang làm những gì có thể làm để “giảm thiệt hại” do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với ngành giáo dục, đặc biệt là trong chuyên môn. Tuy vậy, khi được hỏi ý kiến, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý đang làm việc trong ngành giáo dục ở Tây Ninh có chung một nhận định rằng, dạy học qua mạng, qua truyền hình thực ra chỉ là một giải pháp có tính chất tình thế.
“Nhà trường xây dựng, triển khai các biện pháp để học sinh, nhất là đối với học sinh lớp 12 để em tham dự kỳ thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp. Nhưng cũng thành thực mà nói, dạy học qua mạng, qua truyền hình chỉ là cách làm tạm thời”- một vị hiệu trưởng cho biết.
“Dạy học qua mạng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật. Văn bản hướng dẫn của Bộ cũng đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật được đề cập trong chỉ đạo của Bộ, về cơ bản chỉ là hạ tầng kỹ thuật của nhà trường, của giáo viên, còn phía học sinh thì sao?”- một giáo viên am hiểu về công nghệ thông tin nêu câu hỏi.
Ý kiến này phân tích tiếp, thực tế, việc dạy học qua mạng, nhiều trường có triển khai nhưng tinh thần chính vẫn là giáo viên giao bài tập cho học sinh làm. Trong mỗi bài học, phần bài tập tuy quan trọng (để đánh giá học sinh) nhưng cũng chỉ là một phần của bài học.
Trước khi giao bài tập cho học sinh, giáo viên phải giảng bài, học sinh tiếp thu bài, sau đó mới ứng dụng để giải bài tập. Nhưng việc giảng bài qua mạng thực tế hiệu quả không cao. Có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, dạy qua mạng hoặc xem qua truyền hình, chỉ là hình thức dạy học một chiều (từ phía người dạy), tính tương tác thấp hoặc không có.
Thứ hai, dạy học qua mạng, qua truyền hình, người dạy không kiểm soát được học sinh như học tập trung, trực tiếp tại lớp học. “Có học sinh mở máy tính lên rồi để đó, giáo viên đâu làm gì được”- ý kiến nêu. Mặt khác, tuy mạng internet đã phổ biến nhưng không phải gia đình nào, học sinh nào cũng có điều kiện để học qua mạng. Học qua mạng đòi hỏi tính tự giác cao của người học, trong khi đại đa số học sinh vẫn học theo kiểu truyền thống, thụ động.
Việt Đông