Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dạy học trực tuyến như thế nào cho hiệu quả ?
Thứ ba: 23:54 ngày 14/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên, cán bộ quản lý, sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

Học sinh Tây Ninh học trực tuyến bằng điện thoại tại nhà trong những ngày dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Giang Phương

Ngày 13.9, diễn ra trong điều kiện đặc biệt do ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid- 19, năm học 2021-2022 đã bắt đầu, bằng hình thức dạy qua mạng. Trước ngày khai giảng, nhiều ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, các cấp quản lý nên xem xét xét cắt bỏ một số nội dung trong từng môn học và tạm dừng dạy học những môn học không thể dạy bằng hình thức trực tuyến. Chỉ có cách này mới dành được toàn bộ thời gian để thầy trò tập trung học những môn học cơ bản nhất, nội dung cốt lõi nhất của chương trình giáo dục.

Tạm dừng một số môn học

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cấp tiểu học có 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Tiếng Việt, Toán, Ðạo đức,  Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), Lịch sử và Ðịa lý (ở lớp 4, lớp 5), Khoa học (ở lớp 4, lớp 5), Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1- ở lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Cấu trúc chương trình như vậy nhưng trong điều kiện dạy trực tuyến, hiện tại chưa thể dạy đầy đủ các môn học. Do điều kiện dạy và học quá đặc biệt, lãnh đạo một số phòng giáo dục cho biết, trước mắt, nhà trường chỉ có thể ưu tiên dạy ba môn gồm Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh.

“Ba môn học nêu trên là ba môn công cụ, rất quan trọng, do đó ưu tiên dạy trước cho học sinh. Những môn học còn lại chỉ dạy trong chừng mực nào đó cho học sinh làm quen, có môn như Giáo dục thể chất không thể dạy qua môi trường mạng”- một vị lãnh đạo phòng giáo dục cho biết. Thông tin thu nhận được cho thấy, nhiều trường học buộc phải tạm dừng một số môn học, chỉ hy vọng dịch bệnh lắng xuống để dạy học trực tiếp.

Trong ngày học đầu tiên, theo thông tin từ phía giáo viên, phụ huynh, hoạt động dạy và học ở cấp tiểu học, đặc biệt lớp 1 và lớp 2 đang khó khăn. Rất nhiều trường hợp ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, gia đình không có điều kiện mua máy tính, chỉ cho con học qua điện thoại.

Do phần mềm dạy học qua mạng dung lượng lớn, cả kênh hình lẫn kênh chữ, vì vậy chỉ sau một vài tiết học, điện thoại hết pin, sập nguồn, phải cắm dây sạc, khởi động lại, tốn khá nhiều thời gian mới đăng nhập trở lại lớp học.

Giáo viên từ nhiều địa phương thông tin, chỉ trong một buổi sáng, họ phải nghe hàng chục cú điện thoại của phụ huynh hỏi về cách vô “lớp học điện tử”. “Hướng dẫn cho phụ huynh qua điện thoại, câu được câu mất, có người vào được lớp học nhưng cũng có người không vào được.

Tốn thời gian và có phần phiền phức, nhưng trong điều kiện này mình cũng nên thông cảm, vì nhiều phụ huynh không quen dùng thiết bị điện tử”- một  giáo viên dạy môn Lịch sử và Ðịa lý nói.

Cũng ở cấp học này, sau hai ngày đầu tiên của năm học, nhiều giáo viên cho biết lớp học vẫn còn vắng, có trường hợp chưa liên lạc được do nhà học sinh ở trong ruộng sâu.

Cũng chính vì ở xa, đường truyền mạng internet thiếu ổn định, tín hiệu chập chờn. Từ thực tế đó, việc phải tạm dừng hoặc chỉ dạy phần nào một số môn học được cho là một quyết định đúng. Bởi lẽ, có những môn học, có muốn cũng không thể dạy qua mạng như môn Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.

Học sinh tiểu học học trực tuyến, ngày 14.9

Không chỉ tiểu học, hai cấp học lớn hơn là trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng phải xem xét điều chỉnh chương trình. Hiện nay đang có nhiều ý kiến của giới chuyên môn đề nghị các cấp quản lý của ngành chỉ nên dạy 8 môn học cơ bản nhất của hai cấp học này.

Cụ thể, ở cấp trung học cơ sở, trước mắt chỉ dạy các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý, Tiếng Anh và Giáo dục công dân. Riêng lớp 6, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã gộp các môn Hoá học, Vật Lý, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên cùng với môn Lịch sử và Ðịa lý.

Do đó, chỉ cần dạy những môn học nêu trên để học sinh nắm được kiến thức cơ bản nhất, cốt cõi nhất. Tương tự như vậy, ở cấp trung học phổ thông, trước mắt chỉ nên dạy học các môn Ngữ văn, Toán, Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý, Tiếng Anh và Giáo dục công dân.

Những môn học còn lại của hai cấp học trên như Công nghệ (kỹ thuật nông nghiệp, công nghiệp) Tin học, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm....tạm thời gác lại.

Theo ý kiến từ chính nhà trường, không phải những môn học này không quan trọng, bởi trên lý thuyết, môn học nào cũng có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên, đây là những môn học không liên quan đến các kỳ thi, kiến thức lớp dưới và lớp trên (ví dụ lớp 10 và 11) cũng không có mối quan hệ mật thiết.

Do đó, cần xem xét  tạm dừng các môn học này, dồn toàn bộ nguồn lực, thời gian, công sức để giáo viên tập trung dạy những môn học cơ bản nhất. Một số cán bộ quản lý ở trường phổ thông và phòng giáo dục cho hay, theo nguyên tắc, môn học nào cũng phải dạy.

Song thực tế có một số môn, dù bố trí được cũng không thể dạy qua môi trường mạng, ví dụ môn Giáo dục thể chất, Tin học cùng một số môn có tính chất năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật. Một số trường đã chủ động chưa dạy những môn học nên trên.

Dù chưa có quyết định chính thức, cụ thể về hướng dẫn giảm tải chương trình, nhưng việc chủ động tạm dừng một số môn học là cần thiết và đó là việc làm không thể khác.

Chiều 14.9, trao đổi qua điện thoại, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông cho biết, mặc dù đây là cấp học ổn hơn, thuận lợi hơn so với hai cấp học khác, song, chỉ mới hai buổi dạy trực tuyến cũng nảy sinh một số vấn đề.

“Dù được tập huấn kỹ và những năm học trước đã dạy trực tuyến nhưng vẫn có giáo viên gần hết tiết dạy mới sực nhớ chưa mở micro. Trong hai ngày học đầu tiên, đường truyền internet cũng không thật sự ổn định. Một số học sinh liên tục bị “đánh bật” khỏi lớp học”- vị hiệu trưởng thông tin.

Không kéo dài giờ học, không kiểm tra ðánh giá

Ngày 10.9, trước những diến biến bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 đối với ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có Công điện số 905 gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về “việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid- 19”.

Trong công điện, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD&ÐT hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ GD&ÐT.

Cụ thể, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường thì tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.

Ðối với  lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Ðối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Nhà trường hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để bảo đảm sức khoẻ, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, ti vi.

Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình.

Tuỳ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi mỗi tuần. Cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết.

Cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên, cán bộ quản lý, sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ÐT phối hợp với Ðài Phát thanh và Truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản của bài học, chủ đề các môn học để phát sóng trên đài phát thanh, trên truyền hình.

Ðài Truyền hình chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày. UBND tỉnh, thành phố tổ chức triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD&ÐT.

Chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, hỗ trợ các học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phố huy động các nguồn lực tăng cường hạ tầng viễn thông, trang thiết bị, rà soát các điều kiện về công nghệ thông tin, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Tập trung hỗ trợ các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn thiếu trang thiết bị dạy học trực tuyến bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Ti vi dạy sách này, học sinh học sách khác

Số liệu thống kê toàn quốc cho thấy, tính tới ngày 12.9, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể tham gia lớp học do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.

Con số thống kê trên chưa tính tới các tỉnh, thành phố triển khai dạy và học trực tiếp nhưng cũng cần phải chuyển sang học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phát sinh phức tạp. Dạy học qua truyền hình (đối với lớp 1, 2) ngoài những ưu điểm như màn hình lớn, tín hiệu ổn định, hình thức dạy học này gặp phải hạn chế lớn: người học chỉ “ngồi học như ngồi xem ti vi” hoàn toàn không thể tương tác với người dạy trên sóng truyền hình.

Chính vì thế, nếu nghe không kịp hoặc chưa hiểu bài, học sinh không thể hỏi lại thầy cô qua màn hình. Ðến thời điểm này, việc dạy qua truyền hình chỉ mới ở mức khởi đầu, số tiết dạy được phát sóng chưa nhiều, không phải môn học nào, tiết học nào cũng xây dựng và phát sóng được ngay. 

Một số phụ huynh ở Tây Ninh “dở khóc dở cười” khi kể lại chuyện con em họ học qua truyền hình. Cách nay vài ngày, Ðài PT&TH Ðồng Nai phát sóng các tiết dạy ở lớp 1, lớp 2, nhiều phụ huynh ở Tây Ninh mở ti vi cho con học. Trên màn hình, cô giáo giảng bài, trong khi học sinh ngồi nghe, có phụ huynh cùng quan sát.

Gần hết tiết học, có vị phụ huynh ngớ người khi biết bộ sách cô giáo đang dạy trên truyền hình khác với bộ sách của con mình đang học. Họ không hề biết chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có nhiều bộ sách khác nhau, do đó, trong từng huyện, thậm chí trong từng trường học cũng có nhiều bộ sách giáo khoa.

Chính vì thế, để xây dựng được tiết dạy trên tuyền hình, đòi hỏi tốn nhiều công sức cũng như khung giờ phát sóng, ít nhất một môn học phải hai hoặc ba khung giờ khác nhau, vì mỗi khung giờ chỉ có thể phát sóng được tiết dạy của một bộ sách giáo khoa. Như vậy, nay mai, khi phát sóng tiết dạy trên truyền hình, giáo viên được ghi hình cần nói rõ mình đang dạy bộ sách nào để phụ huynh, học sinh còn biết đường để học.

Học sinh tiểu học học trực tuyến, ngày 14.9

Khẩn trương thực hiện miễn, giảm học phí

Ngày 10.9, UBND tỉnh có văn bản gửi sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc “đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục đào tạo ứng phó với dịch Covid- 19”.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Ưu tiên bố trí kinh phí, huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Chính quyền các cấp có giải pháp phù hợp để hỗ trợ học sinh, giáo viên địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình. Ngành Giáo dục tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển đổi trường học cho học sinh trong trường hợp gia đình thay đổi nơi sinh sống do tác động dịch bệnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ÐT khẩn trương tham mưu thực hiện Nghị định 81 năm 2021 về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Ðồng thời, tham mưu triển khai Nghị quyết số 86 của Chính phủ về giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid- 19, bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch bệnh, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa- nhất là giáo viên trường mầm non tư thục.

Trên cơ sở đánh giá mạng lưới, hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông tại địa phương, thực hiện rà soát quy hoạch, cơ cấu lại trường lớp, điểm trường, đội ngũ giáo viên theo tinh thần “ở đâu có học trò ở đó có giáo viên” nhưng phải sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Sở GD&ÐT phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế rà soát cơ sở trường lớp tại địa phương có khu công nghiệp, khi chế xuất, bảo đảm cho con em công nhân được đến trường. UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc quy định chấp hành về phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục, không lơ là, mất cảnh giác.

Trong quá trình áp dụng hình thức học trực tuyến, chủ động rà soát, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh không có phương tiện học trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cập phương thức dạy học mới.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh