Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
TRƯỜNG TH, THCS, THPT NGUYỄN BỈNH KHIÊM:
Dạy làm người trước khi dạy chữ
Thứ tư: 13:05 ngày 07/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện phương châm “dạy làm người rồi mới dạy kiến thức”, nhà trường không đặt nặng yêu cầu học lực. “Chúng tôi, cả cán bộ quản lý và giáo viên đều xác định, tất cả ngồi chung trên một con thuyền. Vì thế, tinh thần trách nhiệm với nghề luôn là điều quan trọng nhất”- Hiệu trưởng Nguyễn Trần Thái Vân cho biết.

“Chúng tôi chẳng giấu, nói thật, trước khi vào học ở ngôi trường này, nhiều học sinh thuộc diện cá biệt về hạnh kiểm, chưa nói đến học lực. Trách nhiệm của nhà trường, nói nôm na là phải “thuần hoá” những học sinh này”- bà Nguyễn Trần Thái Vân, Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về việc “vừa dạy vừa dỗ” đối với học sinh THPT.

Trong giờ học ở Trường TH, THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm

Là ngôi trường phổ thông ngoài công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi tiếp nhận hầu hết những học sinh, vì một lý do nào đó, không thể hoặc không muốn học ở trường phổ thông công lập.

Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có nhiều em chọn vào học ở trường này không hẳn do học lực yếu. “Có em học lực khá, song cha mẹ không quản nổi nên giao cho nhà trường. Có em đứng trước cha mẹ, thầy cô nhưng nói những câu không thể chấp nhận được”- bà Thái Vân cho biết.

Sau khi tiếp nhận học sinh, việc đầu tiên lãnh đạo nhà trường “quán triệt sâu sắc” giáo viên, đó là tập trung giáo dục đạo đức, đạo làm con, đạo làm trò. Cán bộ, giáo viên của trường đều hiểu, việc dạy kiến thức cho những học sinh này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi và chỉ khi các em chịu học, biết tiếp thu cái hay, cái đúng.

“Không thể nhớ và thống kê hết được, nhưng tôi nhớ có nhiều em từng là học sinh cá biệt, sau khi ra trường, có em tiếp tục con đường học vấn, có em đi vào lao động sản xuất nhưng rất nhiều em trở về thăm trường, thăm thầy cô. Có những học sinh từng rất ngỗ ngược, nay đã thay tính đổi nết”- lãnh đạo nhà trường kể.

“Chất lượng đầu vào thấp, do đó, ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhờ vậy, kết quả đào tạo của nhà trường ngày càng được cải thiện, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao. Điều đó góp phần thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xã hội hoá giáo dục”- bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá về Trường TH, THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Để đáp ứng nhu cầu của học sinh và gia đình, nhà trường tổ chức các lớp học nội trú, tức học sinh ăn, ở, học tại nhà trường, khác với trường bán trú sáng đi chiều về. Lãnh đạo nhà trường thừa nhận, dịch vụ nội trú tuy thuận lợi cho học sinh và phụ huynh nhưng giáo viên, cán bộ quản lý vất vả hơn.

Bà Thái Vân nói: “Ở nhà có cha mẹ. Còn khi phụ huynh giao con họ cho nhà trường, đội ngũ giáo viên phải nỗ lực nhiều mới có thể đưa mọi việc đi vào nền nếp. Chúng tôi không phàn nàn, ta thán với phụ huynh, chúng tôi coi việc dạy dỗ, uốn nắn học trò là trách nhiệm của nhà trường”. Để dịch vụ nội trú “vận hành” tốt, nhà trường ưu tiên phân công đội ngũ giáo viên gồm những người có kinh nghiệm, tận tâm với nghề để theo dõi, uốn nắn từng hành vi được coi là “lệch chuẩn” của học sinh.

“Ban ngày, các thầy cô luân phiên nhau trông coi số học sinh nội trú, người này nghỉ người khác thay ca. Nhưng ban đêm, tất cả những người được phân công quản lý các lớp học sinh nội trú đều phải có mặt. Giờ ăn, giấc ngủ, giờ học của học sinh đều được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định”- lãnh đạo nhà trường cho biết.

“Nói thật, nếu giáo viên chỉ giỏi chuyên môn thuần tuý thì chưa hẳn đã phù hợp với học sinh, dù chúng tôi luôn chào đón những giáo viên đó. Có giáo viên chỉ dạy được một vài buổi thì lấy lý do xin nghỉ. Họ không nói thẳng nhưng tôi biết vì sao họ nghỉ. Họ nghỉ vì… ngán. Những giáo viên cơ hữu (giáo viên chính thức) trụ lại với nhà trường đến hôm nay  đều là người tận tâm với nghề”- bà Vân đánh giá về đội ngũ.

Một cách thẳng thắn, lãnh đạo nhà trường nhìn nhận, trường ngoài công lập không sử dụng ngân sách, hoàn toàn tự thu tự chi, tức tự hạch toán. Vì thế, nhà trường cũng rất cần người học, nói khác đi, bên cung cấp dịch vụ và khách hàng đều cần nhau. Tuy nhiên, theo lời hiệu trưởng: “Có những học sinh bị trường khác đuổi học chúng tôi cũng nhận. Thậm chí có học sinh quê ở Gò Dầu, Trảng Bàng được gia đình gửi học nội trú ở TP. Hồ Chí Minh nhưng bị trường dưới đó trả về, chúng tôi cũng nhận luôn. Nếu mình từ chối nhận vào thì các em đi đâu? Một em học sinh, dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng chịu ngồi học đã là một thành công và xã hội bớt đi những nguy cơ”.

Thực hiện phương châm “dạy làm người rồi mới dạy kiến thức”, nhà trường không đặt nặng yêu cầu học lực. “Chúng tôi, cả cán bộ quản lý và giáo viên đều xác định, tất cả ngồi chung trên một con thuyền. Vì thế, tinh thần trách nhiệm với nghề luôn là điều quan trọng nhất”- Hiệu trưởng Nguyễn Trần Thái Vân cho biết.

Số liệu cho thấy, năm học 2018-2019 và sắp tới năm học 2019-2020, tình hình tuyển sinh của trường đã khả quan hơn. Năm học 2019-2020, nhà trường tuyển được 3 lớp 10. Cộng với số học sinh lớp 11 và 12, tổng số cũng được gần 400. Con số này còn đông hơn một số trường phổ thông công lập ở vùng sâu vùng xa. Cơ sở vật chất của nhà trường dù chỉ là các dãy nhà cấp 4 nhưng có đủ phòng học, đủ chỗ cho học sinh ăn ở, học hành.

Lãnh đạo nhà trường thông tin, để thu hút được học sinh không phải chuyện dễ, vì hệ thống trường công lập trên địa bàn tỉnh dư sức tiếp nhận toàn bộ học sinh trung học cơ sở. Hằng năm, nhà trường phát thông báo đến các trường ở địa phương, nên rõ đặc điểm, tính chất, điều kiện, quy định của nhà trường để phụ huynh lựa chọn. “Qua những chuyến tặng quà cho học sinh vùng sâu vùng xa, chúng tôi giới thiệu về nhà trường. Nhưng chúng tôi không tặng hiện vật, thay vào đó, nhà trường trích quỹ phúc lợi để tặng một số suất học bổng, như thế thiết thực hơn”- lãnh đạo nhà trường nói về công tác tuyển sinh.

Nếu có điều gì đó cần nói về ngôi trường phổ thông ngoài công lập duy nhất này, đó là khâu kiểm tra, đánh giá. Căn cứ vào kết quả thống kê hai mặt học lực và hạnh kiểm của năm học 2018-2019, với sự thận trọng cần thiết, có thể mạnh dạn rằng, khâu kiểm tra đánh giá của ngôi trường được nhìn nhận là dành cho học sinh phổ cập giáo dục này khách quan hơn.

Cần biết, với trường ngoài công lập, để làm vui lòng phụ huynh và qua đó thu hút “khách hàng”, nhà trường không khó khăn gì để cho ra những con số đẹp. Nhưng họ không làm điều đó. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, gần 87% học sinh lớp 12 của trường được công nhận đỗ tốt nghiệp. Những năm học trước, nhiều học sinh của trường trúng tuyển vào trung cấp, cao đẳng, đại học.

Năm nay, cũng có nhiều em đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng và đang chờ kết quả. Chưa biết bao nhiêu phần trăm học sinh của nhà trường đạt được nguyện vọng để lập thân lập nghiệp bằng con đường học vấn. Song, điều quan trọng hơn, nhiều em học sinh thuộc dạng cá biệt, sau một thời gian được đưa vào khuôn khổ, dù chưa hẳn là trò giỏi nhưng đã trở thành con ngoan, có ích cho xã hội. Đó mới chính là sứ mệnh của giáo dục.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục