Xã hội   An toàn giao thông

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy lùi tai nạn giao thông trên đường bộ 

Cập nhật ngày: 23/01/2024 - 07:28

BTN - Người dân cần nâng cao ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật khi lưu thông trên đường bộ, chung tay xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, ngăn chặn thảm hoạ do TNGT gây ra.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan thường trực về an toàn giao thông của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).

Tuyên truyền an toàn giao thông cho tài xế lái xe.

Thiệt hại do TNGT đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phần lớn các vụ TNGT xảy ra trên đường bộ. Theo Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép… còn diễn ra khá phổ biến. Hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma tuý khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại. Năm 2023, trên đường bộ, có hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gần 2.950 trường hợp lái xe dương tính với chất ma tuý, gần 75.000 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường, 663.000 trường hợp chạy quá tốc độ quy định.

Năm qua, địa bàn tỉnh xảy ra 331 vụ TNGT, làm chết 273 người, bị thương 116 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người chết (giảm 13 vụ; giảm 58 người chết) nhưng tăng về số người bị thương (tăng 33 người).

Theo phân tích của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân chủ yếu tập trung các vi phạm như: không chú ý quan sát 88 vụ, chiếm 26,5%; đi không đúng phần đường 68 vụ, chiếm 20,5%; chuyển hướng không bảo đảm an toàn 36 vụ, chiếm 10,9%. Trong đó, TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia là 101 vụ (chiếm 30,5%).

Dù đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp và tăng về số người bị thương so với cùng kỳ. Để giảm nguy cơ mất an toàn giao thông trên đường bộ, giải pháp quan trọng là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, công tác tuyên truyền pháp luật rất quan trọng, tập trung vào những đối tượng thường xuyên tham gia giao thông như: tài xế, người lao động, học sinh, sinh viên.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Bến Cầu tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các tài xế lái xe chở công nhân tại Khu công nghiệp Việt Nam - Mộc Bài tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Anh Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1979, tài xế lái xe chở công nhân trên địa bàn huyện Bến Cầu cho biết: “Trong quá trình lái xe chở công nhân, tôi luôn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, có đầy đủ giấy tờ cần thiết, không uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện, chuyển hướng phải có tín hiệu báo hướng rẽ, bảo đảm tốc độ quy định trên đường bộ để giữ an toàn cho hành khách trên xe và bản thân”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ; Cảnh sát giao thông cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp huyện trong công tác tổng kiểm tra, xử lý theo chuyên đề, tuyến đường, khung giờ, địa bàn trọng điểm thường xảy ra tai nạn. Qua đó lập biên bản xử lý hơn 38.900 trường hợp, tập trung các lỗi là nguyên nhân chính gây tai nạn như: nồng độ cồn hơn 13.800 trường hợp, tốc độ trên 7.000 trường hợp, chuyển hướng không báo tín hiệu 1.111 trường hợp.

Để kiềm chế, kéo giảm TNGT trên đường bộ, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cơ quan Trung ương. Kiện toàn tổ chức, nâng cao trách nhiệm và năng lực hoạt động của Ban An toàn giao thông các cấp và cơ quan, đơn vị có liên quan phù hợp trong tình hình mới.

Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tiếp tục chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông khép kín các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, nhất là trên quốc lộ 22.

Địa phương đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng; trong đó có các đối tượng là lái xe ngoài tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. Siết chặt công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải; đào tạo sát hạch lái xe; kiểm định phương tiện cơ giới... đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Người dân cần nâng cao ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật khi lưu thông trên đường bộ, chung tay xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, ngăn chặn thảm hoạ do TNGT gây ra.

An Đông