Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp
Thứ tư: 07:32 ngày 19/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chất lượng nông sản hàng hoá của các HTX ngày càng được nâng lên, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú.

Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia. Chất lượng nông sản hàng hoá của các HTX ngày càng được nâng lên, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú.

Chú trọng đào tạo cán bộ

Hiện trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có 21 hợp tác xã (HTX) gồm 19 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp. Theo UBND thị xã Trảng Bàng, nhiều HTX đã tiếp cận và nhận được các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình hoạt động và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết tiêu thụ hàng hoá với nhiều đơn vị.

Thị xã Trảng Bàng có 2 HTX có sản phẩm OCOP 3 sao, phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay là trình độ, năng lực của cán bộ quản lý HTX vẫn còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục các khó khăn, thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX, nhằm củng cố hoạt động các HTX đi vào chiều sâu gắn liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như: tư vấn lập phương án sản xuất kinh doanh cho HTX; đào tạo nhân sự, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các HTX.

Nuôi cá lóc ở HTX DVNN nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng).

Mặt khác, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các HTX; khuyến khích đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai chính sách hỗ trợ đã được phê duyệt cho HTX thí điểm bảo đảm đúng tiến độ, kinh phí và nội dung theo quy định.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển

Thu hoạch lúa tại HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, trên địa bàn tỉnh có 80/122 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX với HTX.

Để bảo đảm kịp thời hỗ trợ HTX nông nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi giúp các HTXNN có cơ hội duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh như: chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi lệ phí đăng ký HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí...

Tính đến hết tháng 12.2023, toàn tỉnh có 122 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm khoảng 66% tổng số HTX của tỉnh, thu hút gần 3.880 thành viên, chủ yếu là hộ nông dân tham gia.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn lồng ghép thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giúp các HTX nông nghiệp có cơ hội duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh; hằng năm kinh tế tập thể đóng góp khoảng 8% vào giá trị của ngành nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ 54 cơ sở tham gia truy xuất nguồn gốc phần mềm KIPUS với gần 220 ha cây trồng chủ lực (bưởi, mít, sầu riêng, chanh giấy, nhãn ido, mãng cầu, xoài) trên địa bàn các huyện: Tân Biên (gần 140 ha), Gò Dầu (30,68 ha), Dương Minh Châu (26,7 ha), TP. Tây Ninh (10,6 ha), Châu Thành (8,5 ha), Tân Châu (3,6 ha).

Ngoài ra, đã kích hoạt trên 35.000 tem cho các cơ sở nhập dữ liệu phần mềm truy xuất nguồn gốc, trong đó có HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) với 4.374 tem, HTX mãng cầu Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) với 171 tem.

Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị, trong đó hỗ trợ cho 12 dự án gồm 4 dự án liên kết chăn nuôi bò; 5 dự án liên kết trồng lúa; 1 dự án liên kết trồng nấm; 2 dự án nuôi cá lóc tại các huyện, thị xã, thành phố: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu và TP. Tây Ninh. Trong năm 2023, tổng kinh phí hỗ trợ là 19,4 tỷ đồng. Luỹ kế kinh phí hỗ trợ đến nay khoảng 28,8 tỷ đồng/51,5 tỷ đồng, đạt 55,8%.

Sở NN&PTNT đánh giá, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX triển khai còn chậm và chưa hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đất đai để mở mang nhà xưởng, hạng mục công trình của các HTX còn khó khăn.

Tuy số lượng các HTX đã tăng, nhưng tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu vẫn còn cao. Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; năng lực nội tại của HTX yếu; đội ngũ cán bộ quản lý HTX đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT phối hợp đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND ngày 8.12.2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản. Bảo đảm hạ tầng logistics đồng bộ trong vùng sản xuất; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý.

Ngành Nông nghiệp sẽ định hướng xây dựng các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương để mở rộng quy mô sản xuất và thành viên HTX, khắc phục tình trạng HTX nhỏ lẻ, hoạt động hình thức.

Ngoài ra, lồng ghép thực hiện hỗ trợ HTX trong triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tìm đối tác để liên kểt, liên doanh trong sản xuất kinh doanh.

Giang Hà

Trên địa bàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP là HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) có sản phẩm sầu riêng đạt 4 sao; HTX DVNN Minh Trung (huyện Tân Châu) có sản phẩm trái mãng cầu đạt 4 sao; HTX DVNN Phước Đông (huyện Gò Dầu) có sản phẩm chanh giấy đạt 3 sao; HTX DV Thuỷ lợi nông nghiệp Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng) có sản phẩm gạo ST25 đạt 3 sao...

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục