Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Huyện Gò Dầu tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hộ nông dân tham gia kết nối tiêu thụ nông sản, qua đó mở rộng thị trường, giảm thiểu khâu trung gian và tăng giá trị sản phẩm.
Theo UBND huyện Gò Dầu, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường, UBND huyện tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hộ nông dân tham gia kết nối tiêu thụ nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội; qua đó giúp nông sản của huyện có thể tiếp cận thị trường rộng hơn, giảm thiểu khâu trung gian và tăng giá trị sản phẩm.
Về việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, hiện có một số chuỗi giá trị được hình thành và duy trì khá ổn định như liên kết sản xuất – tiêu thụ trên cây lúa, cây bắp, sầu riêng…
Hiện nay, hệ thống thông tin, mạng xã hội đang góp phần tích cực vào việc kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giữa các cơ sở một cách nhanh chóng, thuận tiện; các thông tin thị trường được cập nhật kịp thời thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo cơ hội cho nông dân kết nối với nhau và kết nối với các chuyên gia, tổ chức, tạo ra mạng lưới hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm.
Sản phẩm OCOP của huyện đều được quảng bá rộng rãi trên trang mạng xã hội như: Shopee, Lazada, TikTok, Zalo, website, trang ocop.tayninh.gov.vn.... Đặc biệt sản phẩm bánh tránh phơi sương truyền thống của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại – Dịch vụ thực phẩm My My liên kết được với hệ thống siêu thị Co.opMart; sản phẩm sầu riêng của HTX cây ăn trái Bàu Đồn được công nhận nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Sầu riêng Bàu Đồn”, được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, xã Bàu Đồn còn ra mắt Hội quán sầu riêng Bàu Đồn, làm nơi tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên đề, diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm trang bị kiến thức, tiếp cận những mô hình sản xuất nông nghiệp hay, hiệu quả phù hợp với điều kiện của huyện để vận dụng vào thực tế; nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân.
Để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trong năm 2024, huyện Gò Dầu xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông trên cây trồng như: mô hình sản xuất rau ăn lá hữu cơ; sản xuất lúa chất lượng cao (giống OM18); sản xuất lúa giống cấp xác nhận (giống OM5451, OM18)…
Huyện còn phối hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh khảo sát xây dựng Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh tráng có gia vị, dự kiến kinh phí hỗ trợ 98 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương.
UBND huyện Gò Dầu cho biết, việc sử dụng công nghệ thông tin giúp nông dân quản lý quy trình sản xuất chính xác hơn, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 2 ha nhà màng, nhà lưới trồng rau, trồng hoa, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động; nhiều diện tích được chăm sóc, phun thuốc, bón phân bằng máy bay giúp giải quyết vấn đề thuê công lao động…
Công tác quản lý, giám sát đăng ký mã số vùng trồng được tăng cường, huyện có 540 ha các cây trồng đã và đang chờ cấp mã số vùng trồng, có sử dụng phần mềm cập nhật dữ liệu canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc điện tử.
Ngoài ra, huyện cũng việc đẩy mạnh tổ chức vùng sản xuất, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, đã hỗ trợ cho 75 hộ/85 ha trồng cây ăn trái như: sầu riêng, nhãn, bưởi, dứa, dưa lưới, mít, thanh long, dừa, chôm chôm, chanh… sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus; có 14 sản phẩm OCOP huyện đều sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc.
Nhi Trần