Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản hồ Dầu Tiếng  

Cập nhật ngày: 22/02/2021 - 15:51

BTN - Hồ Dầu Tiếng có diện tích 27.000 ha, nằm trên địa bàn quản lý của 3 tỉnh, trong đó, diện tích thuộc quyền quản lý của tỉnh Tây Ninh khoảng 18.000 ha, tỉnh Bình Dương khoảng 8.500 ha và tỉnh Bình Phước khoảng 500 ha; có nhiều eo, ngách. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong hồ Dầu Tiếng trên 3.000 tấn/năm với các loại thuỷ sản nước ngọt bản địa và một số loài được thả bổ sung phục hồi nguồn lợi thuỷ sản; giữ vị trí vô cùng quan trọng trong tổng sản lượng thuỷ sản khai thác của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Ngành chức năng xử lý, tiêu huỷ các tang vật vi phạm hành chính vắng chủ bị phát hiện, tạm giữ trong đợt kiểm tra.

Về khai thác thuỷ sản của các địa phương, Tây Ninh có 12 xã, thị trấn; Bình Dương có 3 xã; Bình Phước có 1 xã tiếp giáp với hồ Dầu Tiếng. Số lượng hộ dân khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng khoảng 1.000 hộ với khoảng 1.000 phương tiện. Ða số các phương tiện khai thác thuỷ sản trong hồ là ghe nhựa (composite), trang bị động cơ công suất nhỏ dưới 18 CV; thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục hơn 40 bến bãi xung quanh hồ.

Thời gian qua, vẫn còn tồn tại một số trường hợp người dân sử dụng các loại ngư cụ cấm như: lồng xếp, ghe nhủi, dớn, đăng, xung điện để khai thác thuỷ sản. Trong đó, ghe nhủi (te, xệp; ủi dồn) khoảng 200 chiếc, tập trung tại các bến bãi xã Phước Minh, Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hoà, Tân Thành (huyện Tân Châu) và rải rác ở một số bến bãi khác.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh thành lập 3 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng, thời gian từ ngày 15.10 đến ngày 15.11.2020.

Cụ thể, các đoàn đã kiểm tra việc chấp hành chỉ đạo cấm đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng và cấm mua bán, tiêu thụ thuỷ sản có nguồn gốc khai thác trái phép trong hồ Dầu Tiếng tại các khu vực bến bãi đậu ghe, địa điểm thu mua cá, chợ cá thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu và Tân Châu.

Tại huyện Dương Minh Châu, đoàn kiểm tra phát hiện 2.000m lưới đăng, 300m lưới dớn vắng chủ trong hồ, không dành hành lang cho loài thuỷ sản di chuyển. Ðoàn kiểm tra đã cắt một số đoạn lưới dẫn để tạo đường di chuyển cho cá; tạm giữ tang vật vi phạm hành chính vắng chủ, chờ xử lý gồm: 281 cái lồng xếp, 4 tay lưới nhủi, 3 càng chích điện, khoảng 800m lưới dớn, 2 cân đồng hồ hiệu Nhơn Hoà, loại 30kg/cái; 60 cái túi dớn; 1.050m lưới bén; 24 cái lờ bóng.

Tại huyện Tân Châu, đoàn đã lập biên bản, bàn giao UBND huyện xử lý 7 phương tiện đang neo đậu tại bến, trên các phương tiện tàng trữ 703 cái lồng xếp. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện khoảng 300m lưới dớn; 1 tay lưới xanh vắng chủ vắng chủ khai thác thuỷ sản trái phép trong hồ.

Ðoàn đã cắt một số đoạn lưới dẫn để tạo đường di chuyển cho cá; tạm giữ tang vật vi phạm hành chính vắng chủ, chờ xử lý: 856 cái lồng xếp, 13 tay lưới nhủi, 235 bộ lưới dớn, 3.650m lưới bén, 2 cái lờ bóng, 8 túi dớn, khoảng 500m lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; cắt bỏ 40 dây quay vó đang lén lút khai thác thuỷ sản trái phép.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, tình trạng sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng thời gian qua diễn ra rất phức tạp. Ngư dân sử dụng ngư cụ cấm khai thác nhiều ở những khu vực cá tập trung, bãi cá đẻ, như ngọn Hóc Cò, ngọn Suối Cùng...

Ðợt kiểm tra vừa qua đã tạm giữ rất nhiều loại ngư cụ cấm. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp đồng bộ với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường công tác thanh tra để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.

Theo Sở NN&PTNT, trước khi kiểm tra theo kế hoạch, UBND các xã ven hồ tuyên truyền chỉ đạo cấm đánh bắt cá của UBND tỉnh đến người dân (trong thời gian thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng). Phần lớn người dân khai thác thuỷ sản trong hồ chấp hành tốt các quy định như: neo ghe tại các bến bãi; cất giữ ngư cụ và không đánh bắt trong thời gian cấm; không mua bán, tiêu thụ thuỷ sản khai thác trái phép trong hồ tại các điểm thu mua, các chợ cá, các hộ nuôi thuỷ sản có sử dụng cá mồi.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện và xử lý một số trường hợp vi phạm về tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm, khai thác thuỷ sản trong thời gian cấm. Số lượng người dân vi phạm của những ngày kiểm tra sau có giảm hơn so với những ngày kiểm tra đầu tiên.

Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp người dân sử dụng các loại ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản- nhất là tại các bến bãi thuộc địa bàn xã Phước Minh, Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hoà, Tân Thành (huyện Tân Châu) chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc cho những người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, một số hộ vi phạm có thái độ không hợp tác, chống đối, tụ tập đông người phản ứng mạnh khi đoàn kiểm tra tiến hành xử lý các hành vi tàng trữ ngư cụ cấm; đầu nậu thu mua cá có hành vi xúi giục, kích động người vi phạm không hợp tác. Ngoài ra, vài hộ dân khai thác thuỷ sản hồ Dầu Tiếng- nhất là Việt kiều Campuchia không có hộ khẩu, giấy tờ tuỳ thân, không biết chữ, không có đất sản xuất nông nghiệp nên bất chấp các quy định của cơ quan chức năng để khai thác thuỷ sản.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cùng với địa phương, các đơn vị có liên quan sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực thuỷ sản để người dân biết và chấp hành các quy định của pháp luật.

Sở đề nghị UBND huyện Tân Châu, Dương Minh Châu chỉ đạo lực lượng Công an, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, đặc biệt là địa bàn các xã Phước Minh, Phước Ninh, Tân Hoà, Tân Thành; rà soát các đối tượng đầu nậu thu mua cá có hành vi kích động người vi phạm không hợp tác, chống đối để có hướng xử lý thích hợp.

Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát, lập danh sách các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản trên địa bàn quản lý để có các biện pháp xử lý, giáo dục thích hợp.

TRÚC LY