BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân loại rác thải nhựa tại nguồn 

Cập nhật ngày: 02/08/2022 - 22:06

BTNO - Ngày 28.7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành công văn gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai công tác tuyên truyền phân loại rác thải nhựa tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Trong thời gian tới các địa phương cần tăng cường xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng có thể xử phạt để quy định có thể đi vào thực tiễn( ảnh minh họa).

Theo Sở TN&MT, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng các văn bản pháp lý liên quan đến hướng dẫn các địa phương phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Do đó, để chuẩn bị tốt cho việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đúng thời gian quy định (chậm nhất là ngày 31.12.2024).

Sở TN&MT đề nghị các sở, ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, rác thải sau khi phân loại phải được chứa đựng trong các túi để chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Tăng cường truyền thông nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả người dân đặc biệt là thế hệ trẻ, việc tuyên truyền phải được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài, phát huy tối đa của phương tiện truyền thông, báo chí.

Để dần thay đổi và hình thành thói quen thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt. Cùng đi đôi với việc nâng cao nhận thức là phải hướng dẫn cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất (thùng rác, nơi đổ rác…).

Truyền thông nâng cao được nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về việc giữ gìn cảnh quan chung, không xả rác bừa bãi và đặc biệt là ý thức phân loại rác ngay từ chính trong mỗi căn nhà, mỗi cơ quan, đơn vị để rác thải là tài nguyên, được tái chế, tái sử dụng và tạo ra giá trị thay vì phải đốt bỏ hay chôn lấp. Hình thành và nhân rộng lối sống thân thiện với môi trường đến từng cá nhân trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đô thị kiểu mẫu về phân loại rác tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn, hội như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, tổ dân cư tự quản, tổ dân phố cùng giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng xử phạt để quy định đi vào thực tiễn.

Kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại rác đã được phân loại, để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.

Thế Nhân