Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Cập nhật ngày: 31/07/2024 - 21:24

BTNO - UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2024 và giai đoạn 2024-2026.

Người lao động tại các DNNVV tham gia khoá đào tạo về khởi sự kinh doanh trong năm 2023.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2024 và giai đoạn 2024-2026.

Theo đó, trong giai đoạn nêu trên, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp với các nội dung về công nghệ; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; các lớp đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; hỗ trợ chi phí tổ chức đào tạo, chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu.

Về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, tỉnh hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo về khởi sự kinh doanh và 70% tổng chi phí của một khoá quản trị doanh nghiệp cho DNNVV; miễn học phí cho học viên của DNNVV thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ và DNNVV là doanh nghiệp xã hội khi tham gia khoá đào tạo quản trị doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, hỗ trợ 70% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại DNNVV (không quá 1 khoá/năm/doanh nghiệp); hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp xã hội. 

Về hỗ trợ công nghệ, tỉnh sẽ hướng dẫn, vận động DNNVV tham gia và sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông; tổ chức hội thảo, đào tạo tập huấn về chuyển đổi số.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp VCCI Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức khoá đào tạo “Khởi sự kinh doanh - Chuyên đề phân tích thị trường và chuyển đổi số” cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Đối với hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV khi đáp ứng điều kiện hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV, tiêu chí xác định DNNVV khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Điều 20 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ được hỗ trợ ở các hoạt động: sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.

Đối với hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, DNNVV đáp ứng các tiêu chí theo Điều 23, 24 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được hỗ trợ các hoạt động về đào tạo; nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hỗ trợ DNNVV năm 2024 là gần 11,5 tỷ đồng, giai đoạn 2024-2026 khoảng 34 tỷ đồng. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định; thông tin, phổ biến rộng rãi kế hoạch này đến các DNNVV biết, tiếp cận các thông tin và thực hiện các thủ tục để hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DNNVV; xây dựng quy trình, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ; phối hợp các đơn vị liên quan kết nối cung - cầu lao động, thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ DNNVV áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, quản lý chất lượng; công cụ cải tiến năng suất chất lượng; công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ; chuyển giao ứng dụng thương mại hoá các đề tài, dự án, phát minh, sáng kiến.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng DNNVV; chủ động phối họp với các đơn vị liên quan tìm ra đổi tượng hỗ trợ phù hợp, đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và nhu cầu của doanh nghiệp để đề xuẩt xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh.

Năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Nam – trực thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các chương trình đào tạo về nguồn nhân lực; chuyên đề quản trị marketing, bán hàng và chuỗi cung ứng; đào tạo về năng suất và chất lượng; tập huấn phổ biến các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc... cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường các chương trình liên quan đến chuyển đổi số cho doanh nghiệp; phối hợp phát triển các khoá học đào tạo với nhiều chủ đề về kỹ năng, qua đó, giúp ích cho doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp tự tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý nguồn nhân lực, thuế, tài chính.

Trúc Ly