Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các mô hình, dự án tập trung vào các đối tượng, sản phẩm theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường vai trò, sự tham gia của hệ thống khuyến nông các địa phương, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Nông dân xem thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa.
Theo thống kê, diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh năm 2015 khoảng 144.400 ha, năng suất bình quân đạt 5,27 tấn/ha. Nông dân chủ yếu sử dụng các giống lúa OM576, OM1352... nhưng hiệu quả kinh tế sản xuất còn thấp, năng suất và chất lượng chưa cao; việc tổ chức sản xuất chỉ dừng lại ở các tổ hợp tác, dẫn đến khó thực hiện liên kết sản xuất.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng sử dụng các giống chất lượng cao và thực hiện nhiệm vụ luân chuyển lúa giống, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tuyên truyền, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa giống, hình thành mạng lưới cung ứng lúa giống có chất lượng, đạt phẩm cấp xác nhận để sản xuất.
Bên cạnh đó, trung tâm hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng các giống lúa có giá trị thương phẩm cao như: ST24, ST25, OM4900, OM5451, OM6976, Đài Thơm 8… giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm với giá bán khoảng 5.200 đồng - 7.500 đồng/kg lúa tươi, cao hơn so với sử dụng các giống lúa truyền thống từ 500 đồng - 1.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ngoài ra, tỉnh còn kết hợp với các viện, trường tổ chức tập huấn, hội thảo, đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; liên kết với doanh nghiệp lớn làm cầu nối cho nông dân tham gia chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
Từ năm 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa chất lượng cao để duy trì kết quả đạt được từ đề án lúa của tỉnh và tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa có tiềm năng về năng suất, chất lượng cao nói trên. Tổng diện tích thực hiện trình diễn 335 ha. Qua đó, các giống lúa với chất lượng gạo thơm ngon ST25, Đài Thơm 8... trở thành giống lúa ưa chuộng của người dân trồng lúa trong tỉnh.
Đối với cây khoai mì, đây là cây trồng truyền thống mang lại lợi nhuận kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương. Diện tích sản xuất năm 2015 khoảng 57.600 ha, năng suất đạt 31,6 tấn/ha. Tuy nhiên, nông dân chủ yếu làm nông nghiệp thủ công, sử dụng liên tục cùng loại giống như KM94, KM419, HL-S11… canh tác theo phương thức quảng canh, ít đầu tư thâm canh nên đất trồng khoai mì có xu hướng thoái hoá, bạc màu, sâu bệnh gây hại ngày càng nhiều làm tăng chi phí đầu tư, giảm năng suất.
Nhằm cơ cấu lại sản xuất cây khoai mì, giảm diện tích trồng và đẩy mạnh gia tăng năng suất, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật, khuyến khích người dân sử dụng giống mới, giống sạch bệnh như HN3, HN5, HN36, HN80, HN97... cho hàm lượng tinh bột cao, năng suất tăng từ 10% - 15% so với sản xuất đại trà.
Bên cạnh đó, thay đổi phương thức canh tác từ quảng canh sang thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học như trồng hom đứng, trồng hom xiên, cơ giới hoá đồng bộ từ khâu cày đất, trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch.
Từ năm 2017 đến nay, dịch bệnh khảm lá diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, làm diện tích, năng suất khoai mì trong tỉnh giảm mạnh. Tuy nhiên, đơn vị đã kết hợp với các đơn vị chuyên môn, viện, trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện các mô hình khảo nghiệm, sản xuất thử, trình diễn, tạo ra các giống khoai mì mới kháng bệnh, bảo đảm năng suất, chất lượng (HN1, HN3, HN5...). Đến năm 2022, diện tích sản xuất khoai mì trong tỉnh giảm còn khoảng 60.000 ha, tuy nhiên, năng suất trung bình đạt 33 tấn/ha.
Đối với nhóm cây ăn trái, Trung tâm Khuyến nông tích cực thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành hàng cây ăn trái gồm: cân đối lại quỹ đất trồng, tăng diện tích và năng suất các cây ăn trái đặc sản trên địa bàn tỉnh; sử dụng các biện pháp kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, thành lập HTX; liên kết với các doanh nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như xoài, sầu riêng, nhãn, bưởi, mãng cầu, chuối, dứa…
Qua đó hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thành lập tổ liên kết, HTX để trao đổi, hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Điển hình là hàng loạt những giống cây có chất lượng, sạch bệnh được đưa vào sản xuất như cây mít Thái siêu sớm, bưởi da xanh và xoài tứ quý tại huyện Tân Biên; sầu riêng Ri6 và Monthong tại huyện Gò Dầu; nhãn tiêu da bò, xuồng cơm vàng và Idor tại thị xã Hoà Thành; mãng cầu tại thành phố Tây Ninh; chuối già Nam Mỹ tại huyện Dương Minh Châu, dứa Queen tại thị xã Trảng Bàng...
Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông còn triển khai các mô hình, dự án trong chăn nuôi như: Phát triển chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP; phát triển chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi gà ta theo hướng nâng cao hiệu quả và áp dụng VietGAHP; nuôi vịt thịt... nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn sinh học, góp phần khống chế dịch bệnh, giảm thiểu khả năng rủi ro cho người chăn nuôi.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, đơn vị tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông như: nuôi tôm càng xanh toàn đực, ba ba, cá thác lác, lươn… Ngoài ra, đơn vị còn chuyển giao kỹ thuật nuôi trên các đối tương thuỷ sản khác (cá lóc, cá rô...); kỹ thuật quản lý chất lượng nước khi nuôi, các mô hình mới, sử dụng giống chất lượng cao, tận dụng hiệu quả diện tích đất mặt nước và nguồn nước thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông...
Tổng kinh phí thực hiện các đề án, dự án, mô hình khuyến nông giai đoạn 2016-2022 là hơn 17 tỷ đồng. Các mô hình, dự án tập trung vào các đối tượng, sản phẩm theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường vai trò, sự tham gia của hệ thống khuyến nông các địa phương, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, thời gian tới, Trung tâm tập trung thực hiện các chương trình, dự án, trong đó, liên kết với các HTX xây dựng chuỗi giá trị, bảo đảm về diện tích, tiến tới việc triển khai VietGAP và mã vùng trồng làm tiền đề cho việc sản xuất tập trung, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với các viện, trường, ứng dụng chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm trên cây trồng chủ lực của tỉnh, đẩy mạnh cơ giới hoá; xây dựng các mô hình đa mục tiêu để tăng thu nhập, tăng giá trị trên một diện tích đất.
Trúc Ly - Nhi Trần