Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ hai: 08:49 ngày 30/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đang là xu thế tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nhân công phun khói diệt côn trùng trong nhà màng trước khi trồng dưa lưới. Ảnh Minh Dương

Xu thế tất yếu

Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển NNUDCNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII đã xác định đối với kinh tế nông nghiệp cần thiết phải phát triển theo hướng NNUDCNC.

Tây Ninh đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 01- NQ/ĐH của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình đột phá, trong đó có chương trình về phát triển NNUDCNC.

Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15.10.2021 về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong đó xác định việc xây dựng vùng NNUDCNC là nội dung trọng tâm để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang dần phổ biến

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế cho thấy, hiện nay nhiều địa phương trong nước đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển NNUDCNC, với những cách thức, quy mô đầu tư và kết quả đạt được ở các mức độ khác nhau. Một số địa phương bước đầu đã thành công trong việc quy hoạch vùng NNUDCNC và trở thành điểm sáng như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Phú Yên...

Nhân công chăm sóc dưa lưới được trồng theo xu thế ứng dụng công nghệ cao. Ảnh Minh Dương

Riêng Tây Ninh đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa, rau, cây ăn trái, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi bò, heo, gia cầm. Hiện nay, dù việc triển khai mới chỉ với số lượng và quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện để hình thành quy hoạch vùng NNUDCNC nhưng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất.

Về trồng trọt, tổng diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 98.745 ha, tập trung chủ yếu như ở nhóm cây ăn trái với diện tích 20.345 ha; nhóm cây thực phẩm (rau các loại và dậu các loại) với 19.900 ha; một số loại cây khác như mía, mì với khoảng 58.500 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh hiện khoảng 342.143 ha, chiếm 84,6% tổng diện tích đất tự nhiên. Tỉnh có gần 276.000 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 82,4% số hộ trên địa bàn tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm 80% giá trị, ngành chăn nuôi chiếm 13%, còn lại là ngành thuỷ sản, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.

Về chăn nuôi, đến cuối năm 2021, trên địa bàn có khoảng 612 trang trại gia súc và 112 trang trại gia cầm được nuôi theo hình thức trang trại tập trung. Tất cả các trang trại đều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh...

Nhìn chung, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.

Các biện pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hiện khá phổ biến trong tỉnh như: hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới và điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để cây trồng phát triển tốt. Đồng thời, nhà nông còn kết hợp hệ thống tưới tự động với việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh, cho hiệu quả cao.

Nhà nông sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt góp phần làm giảm lượng nước tưới, giảm chi phí công lao động, làm tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thu hoạch mía bằng thiết bị hiện đại ở một nông trường.

Ứng dụng công nghệ cao trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp

Bên cạnh đó, nhà nông bước đầu ứng dụng một số kỹ thuật canh tác mới trên cây trồng, điển hình như sử dụng giá thể mới để trồng hoa lan, cây cảnh, rau mầm, rau thuỷ canh; xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau an toàn; sử dụng màng chắn mủ cao su trong mùa mưa... 

Hay như nhiều người bước đầu sử dụng giống cây trồng công nghệ cao như sản xuất, trồng hoa phong lan nuôi cấy mô, chuối cấy mô...; sử dụng công nghệ vật liệu mới như màng phủ thực vật, dàn leo polime cho rau trái, túi bao trái...; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh; sử dụng một số loại phân bón lá và chế phẩm điều hoà sinh trưởng; nhân, nuôi và sử dụng thiên địch trong công tác phòng trừ sâu hại... Đây là những giải pháp góp phần ứng dụng công nghệ cao vào ngành trồng trọt.

Đáng chú ý là cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng, tập trung ở các cây trồng như: Cây mía (99% khâu làm đất; 25 - 35% khâu chăm sóc; 40% khâu thu hoạch và 100% vận chuyển). Cây mì (96% khâu làm đất; 15 - 30% khâu chăm sóc; 3% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển). Cây ăn trái cũng có xu hướng cơ giới hóa trên nhiều khâu chăm sóc với các loại thiết bị như cày, lên liếp, xới cỏ, bón phân, phun thuốc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS) trên diện tích khoảng hơn 1.500 ha trồng bưởi, chuối, mãng cầu, xoài, nhãn, táo, bơ...

Nhân công làm việc trong trang trại gà đẻ của Công ty QL VietNam Agroresoures.

Tây Ninh đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hoá, tự động hoá trong các khâu, sản xuất khép kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất thực phẩm an toàn theo thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải trong chăn nuôi với các mô hình đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng biogas.

Trên địa bàn tỉnh có Trang trại bò sữa Vinamilk đã được chứng nhận doanh nghiệp NNUDCNC. Ngoài ra một số doanh nghiệp có quy mô lớn, chưa được chứng nhận doanh nghiệp NNUDCNC nhưng thực tế đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững như trang trại gà đẻ của Công ty QL VietNam Agroresoures; nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel gà Tây Ninh...

Những yếu tố, kết quả, thành tựu bước đầu này là nền tảng, cơ sở để Tây Ninh hình thành, phát huy và phát triển nền NNUDCNC mạnh mẽ, toàn diện, bền vững trong thời gian tới.

Nguồn nước mặt của Tây Ninh dồi dào, được cung cấp bởi sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng (diện tích mặt nước 27.000 ha, dung tích 1,58 tỷ mét khối, cùng hệ thống kênh mương thuỷ lợi dài 2.062,12km). Năng lực tưới của hệ thống thuỷ lợi cho sản xuất, chế biến công nghiệp đạt 148.610 ha/năm; vùng tưới triều khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông với diện tích tưới là 16.640 ha/vụ; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm khoảng 34.971 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 6,8 triệu mét khối đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản.

An Khang

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục