Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP 

Cập nhật ngày: 17/04/2020 - 20:05

BTNO - Trong năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh tiếp tục triển khai Đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2016 – 2020.

Vùng trồng rau ở Tây Ninh được chia làm ba khu vực sản xuất chính: Khu vực phía bắc của tỉnh bao gồm các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành và phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (TP.Tây Ninh).

Các loại cây trồng chính ở khu vực này gồm: khổ qua, dưa leo, bầu, bí, đậu rồng, cà pháo, đậu bắp, đậu đũa, bí đỏ, cải bông, hành lá… Thị trường tiêu thụ chủ yếu của khu vực là tại các chợ địa phương và tập trung về chợ đầu mối K13 để phân phối cho các chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng vùng sản xuất kèo nèo ở xã Tân Bình, TP.Tây Ninh với diện tích hơn 40 ha, ngoài số lượng tiêu thụ tại tỉnh nhà, rau kèo nèo còn được xuất thẳng đi các tỉnh và TP.Hồ Chí Minh với số lượng khoảng 30 tấn/ngày.

Trồng rau kèo nèo ở xã Tân Bình (TP. Tây Ninh).

Khu vực phía tây bao gồm các huyện Châu Thành, Bến Cầu và phường 1 (TP. Tây Ninh). Các loại rau chính gồm rau ăn lá các loại, cải các loại, rau thơm, cà tím… Khu vực này có thị trường tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, diện tích cây ớt hàng năm ở khu vực này trên 1.000 ha, sản lượng chủ yếu bán cho các thương lái TP.Hồ Chí Minh thu mua để tiêu thụ và xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Khu vực phía nam gồm huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng với các sản phẩm như khổ qua, dưa leo, bầu, bí, đậu bắp, mướp, ớt… Sản phẩm một phần nhỏ của khu vực sản xuất này phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, phần lớn còn lại bán cho các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh. Riêng đối với đặc sản rau rừng, rau quế vị, hiện nay đang được địa phương khuyến khích phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh cũng như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo đánh giá của ngành chức năng, đối với ngành hàng rau củ thực phẩm, Tây Ninh có thuận lợi là diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, tầng đất canh tác dày, nguồn nước tưới dồi dào phù hợp để phát triển sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu tương đối thuận lợi, ít bị thiên tai nên cây trồng phát triển ổn định quanh năm, nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành trồng trọt. Ngành trồng trọt của tỉnh đã đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng của người dân nội tỉnh và một phần nhỏ tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Vườn rau của nông dân ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Tuy nhiên, nhóm ngành hàng này còn hạn chế do chi phí sản xuất cao; chưa hình thành liên kết tiêu thụ đối với rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tổ chức sản xuất còn chưa hợp lý và thiếu vốn đầu tư công nghệ cao.

Theo “Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”, định hướng cây rau củ quả thực phẩm sẽ là cây trồng được khuyến khích phát triển. Theo đó, sẽ phát triển một số diện tích nhóm rau ăn quả và ăn lá mang lại thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi các diện tích mía, lúa một vụ kém hiệu quả, luân canh lúa – rau, rau màu. Đồng thời, tăng diện tích rau áp dụng theo quy trình GAP và công nghệ cao. Liên kết sản xuất – tiêu thụ rau là yếu tố quyết định quy mô, hiệu quả, tính ổn định cho sản xuất rau. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích rau trên địa bàn tỉnh là 25.000 ha, năm 2030 đạt khoảng 30.000 – 35.000 ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2019, tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh gần 21.700 ha, sản lượng 392.350 tấn, trong đó diện tích rau ăn lá 2.972 ha, sản lượng trên 49.000 tấn; rau lấy củ 1.750 ha với sản lượng trên 26.000 tấn; rau lấy quả 16.481 ha, sản lượng 310.643 tấn; các loại rau khác 491 ha, sản lượng 6.374 tấn.

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh việc phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP. Vào tháng 6.2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ gắn với sơ chế.

Nông dân chăm sóc rau.

Lũy kế đến tháng 12.2019, trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở sản xuất rau theo quy trình VietGAP/GlobalGAP với diện tích gần 306 ha với sự tham gia của 458 hộ nông dân. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha/vụ, sản lượng rau được sản xuất theo quy trình VietGAP/GlobalGAP trên địa bàn tỉnh là hơn 134.634 tấn/năm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong năm 2020, Chi cục tiếp tục triển khai Đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2016 – 2020 với các nội dung còn lại của Đề án như: hỗ trợ chứng nhận sản xuất rau chứng nhận VietGAP khoảng 100 ha; hỗ trợ chi phí sản xuất, gồm 50% chi phí giống và 30% chi phí thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; hệ thống thu gom bao bì thuốc BVTV tại các vùng, khu vực sản xuất đăng ký chứng nhận; chi phí xây hố thu gom nước súc rửa bình phun, nước thuốc BVTV phun còn thừa tại ruộng sản xuất của nông dân đăng ký áp dụng VietGAP (mỗi hộ/hố).

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, tư vấn kỹ thuật sản xuất rau quả để các cơ sở/nông hộ sản xuất đăng ký chứng nhận VietGAP; xây dựng một điểm mô hình trồng rau công nghệ cao (nhà màng, bón phân và tưới nước tự động) với quy mô 600 m2...

Trúc Ly