Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu mía
Thứ bảy: 20:58 ngày 08/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vụ trồng 2020-2021 (thu hoạch 2021-2022), TTC-BH đặt ra mục tiêu tái khôi phục vùng nguyên liệu mía với kế hoạch 16.000 ha, đến nay đạt 87% (gần 14.000 ha); đẩy mạnh khuyến nông, truyền thông; tập trung phát triển diện tích vùng nguyên liệu Tây Ninh, mở rộng vùng nguyên liệu Campuchia; tăng lợi nhuận và tăng quy mô sản xuất.

Phun chế phẩm phân bón lá ở Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long.

Niên vụ 2020-2021, ngành mía đường đứng trước những khó khăn, thách thức vì diện tích mía sụt giảm và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm nay, ngành mía đường Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển thị phần tại thị trường nội địa và quốc tế sau khi Bộ Công Thương ký ban hành Quyết định số 477/QÐ-BCT ngày 9.2.2021 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô.

Theo Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-BH), năm nay, giá mua mía được điều chỉnh tăng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng khác. Mức bảo hiểm chữ đường (CCS) tăng lên 8,5%, các khoản hỗ trợ được đưa vào giá mua mía.

Tổng giá mua mía bao gồm các khoản trợ giá đối với vụ Ðông Xuân và mía gốc vụ 2019-2020 (thu hoạch 2020-2021) từ 866.000 đồng/tấn đến 1.031.000 đồng/tấn mía 10 CCS; vụ Hè Thu 2019-2020 (thu hoạch 2020-2021) từ 947.000 đồng/tấn đến 1.128.000 đồng/tấn mía 10 CCS (tuỳ theo đối tượng khách hàng và khu vực). Các giống mía có CCS bình quân trên 10 gồm K2000, Lâm-pan, VN08-259; giống mía chủ lực (tỷ trọng lớn) có CCS trên 9 gồm KK3 (9.87 CCS), LK92-11 (9.96 CCS).

Trong công tác tổ chức thu hoạch, tỷ lệ mía cháy giảm so vụ trước; CCS tăng cao, công tác điều phối thu hoạch hợp lý, công suất ép điều chỉnh linh hoạt theo tiến độ giao mía. Cụ thể, công suất ép bình quân 6.395 tấn mía/ngày; trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà máy linh hoạt điều chỉnh công suất hằng ngày để phù hợp với sản lượng mía huy động thực tế.

Tỷ lệ tạp chất và mía cháy vụ thu hoạch 2020-2021 được kiểm soát tốt, trong đó mía cháy chiếm 13% (vụ thu hoạch 2019 - 2020, mía cháy chiếm 23%). Tuy nhiên, thời điểm sau tết (tháng 3 và tháng 4) tỷ lệ mía cháy tăng vì tâm lý khách hàng muốn kết thúc thu hoạch sớm; mía cháy chủ động chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Lâm Chí Dũng, nông dân có 100 ha mía ở khu vực ấp Thanh Xuân (xã Mỏ Công) và ấp Bàu Ðá (xã Trà Vong), thuộc huyện Tân Biên cho biết, nhà máy có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, như chính sách vùng gần và giá mua mía tương đối tốt. “Năm nay, nhiều nông dân bắt đầu trồng mía lại, do giá cả thu mua mía hợp lý. Bên cạnh đó, nhà máy đang mở rộng diện tích cánh đồng mía lớn, đây là giải pháp hay vì sản xuất cánh đồng lớn thì chi phí giảm, nông dân có lãi”.

Những năm qua, ông Dũng là một trong những nông dân trồng mía có năng suất cao, ổn định. Niên vụ 2020-2021, ông là khách hàng có năng suất mía bình quân cao nhất Công ty cổ phần TTC-BH, khoảng 100 tấn/ha. Ðể tăng năng suất mía, ông Dũng chú trọng về mặt kỹ thuật trồng, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học…

Theo ông Nguyễn Văn Kiên- Giám đốc khối nông nghiệp Công ty TTC-BH, công ty đã ban hành những chính sách tăng định mức đầu tư cho bà con nông dân với mức 5 triệu đồng/ha để bà con tăng lượng phân bón, tưới, nâng cao năng suất cây mía.

Ðối với chính sách thu mua, công ty đưa ra chính sách bảo hiểm 3 vụ, trong đó, phân chia theo từng vùng, ưu tiên phát triển những vùng gần nhà máy: giá mía đối với chính sách bảo hiểm của vụ Ðông Xuân vùng gần nhà máy là 920.000 đồng/tấn 10 CCS, các vùng còn lại 900.000 đồng/tấn; khu vực trồng mía ở Campuchia là 870.000 đồng/tấn.

Ðây là mức giá tối thiểu của vụ Ðông Xuân, còn vụ Hè Thu cộng thêm 100.000 đồng/tấn. Ngoài ra, công ty còn khuyến khích phát triển những diện tích lớn, tuỳ theo từng khu vực, địa phương, diện tích mà có chính sách bảo hiểm giá từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn mía.

Ðể cây mía đạt năng suất mía đồng đều và ổn định, tạo cánh đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhà máy đang xây dựng cánh đồng mía lớn. Ông Kiên cho biết, khi triển khai, nhà máy vận động các hộ có diện tích nhỏ, sau đó có chính sách để gộp đất lại và giao cho các hộ trồng mía có năng lực.

Ông Kiên kỳ vọng mô hình sẽ được nhân rộng cho vùng mía Tây Ninh trong thời gian tới. “Tây Ninh có rất nhiều lợi thế trong việc phát huy hiệu quả cây mía nhờ cơ giới hoá. Hiện nay, có những hộ nông dân đầu tư máy thu hoạch mía có giá trị rất lớn, khoảng 10 tỷ đồng. Ðây là một trong những giải pháp giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân”- ông Kiên nói.

Vụ trồng 2020-2021 (thu hoạch 2021-2022), TTC-BH đặt ra mục tiêu tái khôi phục vùng nguyên liệu mía với kế hoạch 16.000 ha, đến nay đạt 87% (gần 14.000 ha); đẩy mạnh khuyến nông, truyền thông; tập trung phát triển diện tích vùng nguyên liệu Tây Ninh, mở rộng vùng nguyên liệu Campuchia; tăng lợi nhuận và tăng quy mô sản xuất.

Ðối với vùng nguyên liệu ở Campuchia, khuyến khích khách hàng canh tác quy mô trên 50 ha để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ. Với vùng nguyên liệu của Việt Nam, tạo cánh đồng liên kết, khuyến khích khách hàng phát triển diện tích lớn; có chính sách ưu tiên đối với vùng nguyên liệu gần nhà máy (giá thu mua mía và bảo hiểm chữ đường cao hơn).

Giang Hà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục