Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế để tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Thu hoạch mãng cầu ở xã Thạnh Tân.
Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2010 - 2020, phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông mới" được triển khai sâu rộng và tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Phong trào đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, các cơ chế, chính sách của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, được người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.
Các hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao. An sinh xã hội được bảo đảm. Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy. Diện mạo nông thôn được thay đổi rõ nét.
Tuy nhiên, phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa toàn diện; sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền có lúc thiếu sâu sát, quyết liệt; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc thiếu chặt chẽ.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Bến Cầu.
Một số nơi hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ quan trọng nhưng hầu hết các địa phương mới chỉ quan tâm đến việc thu gom rác thải, chưa đầu tư cải tạo môi trường nông thôn theo hướng hiệu quả ổn định, lâu dài.
Đồng thời, cơ chế duy tu, bảo trì đường giao thông nông thôn chưa được quan tâm đúng mức nên các tuyến đường giao thông nông thôn hết thời gian bảo hành thì xuống cấp, không duy trì được tiêu chí giao thông theo quy định.
Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên; hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của từng xã, nhất là các xã nông thôn biên giới. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương, là định hướng lớn nhưng một số địa phương chưa chú trọng tổ chức thực hiện, vì vậy chuyển biến thu nhập của người dân còn chậm.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh phát động phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 - 2025 trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân với những nội dung chủ yếu như sau:
Các cấp, các ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, đội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới ở huyện Bến Cầu.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới; những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn có những nỗ lực đạt kết quả tốt, nhất là những nơi có điều kiện khó khăn nhưng có những giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực xã hội vào xây dựng nông thôn mới; phương pháp, cách làm nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn; những mô hình sản xuất tiêu biểu áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được công nhận; những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phản ánh những khó khăn, bất cập tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình, những ý kiến đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn.
Quán triệt quan điểm: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực của giai đoạn 2010 - 2020, khắc phục triệt để những yếu kém còn tồn tại, kết nối đồng bộ nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường nông thôn.
Các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế để tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn, tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng. Tiếp tục phát huy phương châm làm đường, sửa chữa đường giao thông nông thôn theo cơ chế "dân làm, Nhà nước hỗ trợ"; kết hợp lồng ghép và huy động các nguồn vốn để xây dựng hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.
Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và theo chuỗi giá trị. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 6/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế tập thể; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với phương châm "Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là đồng hành, nông dân là chủ thể", gắn thực hiện phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" với phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển".
Đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn...
Hoàng Thi