Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Thứ bảy: 00:31 ngày 09/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có 27 sản phẩm OCOP, trong đó, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng 18 sản phẩm OCOP với 3 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 15 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Người dân đến tham quan, mua sắm tại một gian hàng của hội chợ.

Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành tham gia vào đánh giá, phân hạng sản phẩm. Các địa phương thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn.

Theo UBND thị xã Hoà Thành, chương trình OCOP là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7.5.2018.

Đề án thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 6.7.2020 với mục tiêu: góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân; thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, khu vực đô thị góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh; phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế; xây dựng, quản lý thương hiệu OCOP của tỉnh trên phạm vi cả nước, từng bước phát triển trên thị trường quốc tế...

Ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, từ khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, thị xã Hoà Thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên hệ, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất các sản phẩm theo 6 nhóm/ngành hàng OCOP. Trong 2 năm (2020 và 2021), riêng Hoà Thành có 9/27 sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên; rượu mãng cầu của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan; nước ép mãng cầu của Công ty TNHH Đông Dược Vĩnh Xuân; 6 sản phẩm đạt 3 sao: mắm điều chay, nước mắm trái điều của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan; bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành của Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh 1.

Nhân viên sắp xếp sản phẩm tại một gian hàng ở hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành.

Vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với UBND thị xã Hoà Thành tổ chức hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành năm 2022. Hội chợ có 20 đơn vị tham gia, trong đó, có 3 cơ sở là chủ thể của 9 sản phẩm OCOP thị xã Hoà Thành, 7 cơ sở chủ thể OCOP của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và 10 cơ sở sản xuất các đặc sản của Thị xã.

Đây là sự kiện xúc tiến thương mại chuyên đề về sản phẩm OCOP lần đầu tiên của thị xã Hoà Thành cũng như của tỉnh, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản đặc trưng của Hoà Thành cũng như tỉnh Tây Ninh đối với người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn.

Qua đó, liên kết xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã phù hợp với thị trường khu vực nông thôn. Mặt khác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài thị xã có dịp giao lưu, giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, để nâng cao chất lượng phục vụ, mở thêm các chi nhánh, đại lý trong và ngoài địa bàn.

Ông Lê Hồng Vân đánh giá: “Hội chợ đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân trên địa bàn; các doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu quảng bá sản phẩm OCOP, thương hiệu, một số doanh nghiệp đạt được các thoả thuận phân phối hàng hoá với các đại lý tại địa phương.

Người tiêu dùng cũng tiếp cận trực tiếp nguồn hàng do doanh nghiệp tại địa phương sản xuất với giá cả phù hợp, có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Qua thống kê, có khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm tại hội chợ, doanh số bán hàng ước đạt 660 triệu đồng.

Theo đánh giá của các đơn vị tham gia, người dân có mức tiêu thụ cao và phần lớn các sản phẩm địa phương đều phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Trong thời gian sắp tới, các đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thị trường tại đây và tiến đến mở các đại lý phân phối”.

Năm 2022, thị xã Hoà Thành đặt ra mục tiêu: mỗi xã, phường đăng ký ít nhất 1 sản phẩm OCOP; phấn đấu Thị xã có ít nhất 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đạt 3 sao trở lên). Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại với quy mô lớn hơn để quảng bá, nâng tầm các sản phẩm OCOP của Thị xã trong thời gian sắp tới.

Người dân đến tham quan, mua sắm tại một gian hàng của hội chợ.

Theo ông Nguyễn Thành Đời- Phó Giám đốc Sở Công Thương, hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành năm 2022 do Sở Công Thương phối hợp với UBND thị xã Hoà Thành thực hiện mang lại hiệu quả tích cực.

Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị của các địa phương khác tổ chức những hội chợ triển lãm phù hợp với tình hình thực tế, để người dân biết đến những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương.

“Ban tổ chức mong muốn ngày càng có thêm nhiều sản phẩm OCOP; những sản phẩm trước đây đạt OCOP 3 sao thì nâng lên 4 sao, 5 sao để nâng tầm sản phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng OCOP thành sản phẩm du lịch thu hút du khách”- ông Đời chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu, đến nay, huyện có 5 sản phẩm được công nhận OCOP, đạt 3 sao cấp tỉnh. Đối với địa phương, việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề việc làm của người dân được giải quyết; cơ sở từng bước thay đổi cách thức sản xuất, hướng tới nền kinh tế thị trường rộng lớn.

Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Tân Châu đăng ký thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm với 11 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên; số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên là 8 chủ thể.

Để đạt được mục tiêu này, địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai đề án thực hiện chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Tân Châu; kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý điều hành; các chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP.

Trúc Ly - Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục