Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với mục tiêu khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp sau đại dịch, ngoài các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã triển khai, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các thành phần kinh tế có nhu cầu đăng ký hỗ trợ; tổ chức kiểm tra, giám sát, thực hiện hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư theo quy định.
Nông dân xem thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên ruộng lúa.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, như: hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 (Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019 của UBND tỉnh); hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 (Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh); chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 (Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12.6.2020 của UBND tỉnh).
Năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng. Với mục tiêu khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới”, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với chính sách hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 21, trong năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ cho 10 nhà đầu tư thực hiện 10 dự án với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ theo Quyết định số 23, đã phê duyệt hỗ trợ liên kết 4 dự án cấp huyện với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng.
Đối với chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đơn vị đang hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ dự án. Một số dự án tiêu biểu từ các chính sách này như: trồng cây ăn trái (dưa lưới trong nhà màng, sầu riêng, mít...); nuôi bò thịt... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Tuy nhiên, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng, rất ít nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nên việc giải ngân kinh phí của các huyện, thị xã, thành phố còn thấp; dự án đã đăng ký, thẩm định phải tạm ngừng thực hiện.
Với mục tiêu khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp sau đại dịch, ngoài các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã triển khai, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các thành phần kinh tế có nhu cầu đăng ký hỗ trợ; tổ chức kiểm tra, giám sát, thực hiện hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư theo quy định.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, đa dạng về chủng loại cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, tính đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản sản xuất theo quy trình VietGAP chỉ đạt 15,1%.
Việc mở rộng và duy trì áp dụng quy trình VietGAP chưa được nhiều cơ sở sản xuất quan tâm, chỉ những cơ sở có thị trường tiêu thụ ổn định và nguồn lực tài chính vững chắc mới đầu tư thực hiện, còn lại hầu hết chỉ đăng ký thực hiện 1 hoặc 2 lần khi có chính sách hỗ trợ và không duy trì sau khi kết thúc hỗ trợ.
Nguyên nhân được cho là chi phí sản xuất theo quy trình VietGAP cao; hằng năm, các cơ sở phải tốn thêm chi phí thực hiện đánh giá giám sát của tổ chức chứng nhận để duy trì đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VietGAP, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng, chưa có kênh phân phối riêng với thị trường ổn định cho sản phẩm VietGAP.
Từ thực trạng trên, ngành NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 về chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Chính sách góp phần định hướng sản phẩm chủ lực, có thế mạnh và tiềm năng cần thúc đẩy áp dụng VietGAP trong giai đoạn 2022-2025; quy định cụ thể danh mục sản phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của tỉnh, đồng thời xác định quy mô sản xuất của từng nhóm sản phẩm được hỗ trợ.
Chính sách này quy định cụ thể các hạng mục được hỗ trợ gồm: phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí đáp ứng yêu cầu sản xuất theo quy trình VietGAP; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP; đào tạo, tập huấn; thuê tổ chức chứng nhận đánh giá sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ngoài ra, chính sách quy định các cơ sở sản xuất được hỗ trợ sau khi được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt, có trách nhiệm chi trả một phần chi phí áp dụng quy trình VietGAP, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất.
Ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách giúp khuyến khích mở rộng và duy trì các dự án phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; góp phần gia tăng diện tích sản xuất nông sản sạch, an toàn, hoàn thành mục tiêu tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 25% vào năm 2025, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, mang lại thu nhập tốt cho người sản xuất.
Các nội dung hỗ trợ quy định trong chính sách sẽ giúp cơ sở sản xuất giảm chi phí khi thực hành sản xuất theo quy trình VietGAP, từ đó, duy trì và khuyến khích các cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Tính đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản sản xuất theo quy trình VietGAP chỉ đạt 15,1%.
GIANG HÀ