Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thứ ba: 01:14 ngày 19/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Người dân tham quan một gian hàng ở Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành, năm 2022.

Kết nối doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các ngành chức năng của Tây Ninh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 330 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán, cơ sở giết mổ, lấy 26 mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả có 297 cơ sở đạt chất lượng, 33 cơ sở có vi phạm; đã xử phạt 1 cơ sở số tiền 12 triệu đồng, chuyển ngành chức năng xử lý 4 cơ sở và nhắc nhở các cơ sở còn lại khắc phục. 

Kết quả kiểm tra, giám sát đã góp phần răn đe, chấn chỉnh những vi phạm; tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Trong hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Sở Công Thương tổ chức doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại 7 hội chợ và phiên chợ trong và ngoài tỉnh, gồm: Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành từ ngày 6 - 8.3.2022; Hội chợ mua sắm và ẩm thực, hàng Việt Nam – Thái Lan năm 2022 tại tỉnh Đồng Nai từ ngày 7 – 13.3.2022;

Phiên chợ cuối tuần tại siêu thị Tứ Sơn – An Giang với chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc trưng nổi tiếng vùng miền” từ ngày 18 – 20.3.2022; Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 (VIETNAM EXPO 2022) từ ngày 13 - 16.4.2022; “Hội chợ thương mại và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2022;

Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022, từ ngày 20 - 24.4.2022; Hội chợ triển lãm thương mại – sản phẩm công nghiệp nông thôn – OCOP tại Trà Vinh từ ngày 28.4 – 4.5.2022.

Bên cạnh đó, trước tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các ngành chức năng của tỉnh đã kịp thời triển khai thực hiện, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký cấp mã số vùng trồng cho nông sản. Đơn vị đã rà soát hiện trạng hoạt động của 102 mã số vùng trồng, kết quả có 64 vùng ngưng hoạt động và 38 vùng trồng còn hoạt động nhưng chưa sử dụng mã số đã được cấp, do hầu hết các vùng trồng chỉ bán cho thương lái hoặc tiêu thụ trong nước; rà soát 21 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh, kết quả 9 cơ sở hoạt động có sử dụng mã số, 2 cơ sở đang hoạt động nhưng chưa sử dụng mã số được cấp và 10 cơ sở chưa xây dựng hoàn thiện. 

Sở còn triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS áp dụng cho 4 tổ chức, cá nhân với diện tích 25,4 ha trên các loại cây mãng cầu, xoài, chuối, bưởi, sầu riêng, táo, ổi…

Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp tổ chức kết nối sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất có phụ nữ quản lý với các tổ (dịch vụ) nấu ăn trong và ngoài địa phương, tiểu thương tại các chợ, các công ty, đầu mối tiêu thụ nông sản (các mặt hàng của tổ chăn nuôi gà sạch, heo, dê thịt, bánh tráng, các sản phẩm may mặc, đan lát...).

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn, phát huy được sản phẩm thế mạnh, chất lượng của địa phương, của tổ, góp phần tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới, các khu, cụm công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống siêu thị Co.opMart tại TP. Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, Tân Châu, Gò Dầu và Co.opMart Phước Đông đã thực hiện 19 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu khoảng 124,8 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại - công nghệ - vận tải Hùng Duy thực hiện các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng hoá đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được 26 chuyến/ngày, tương đương 112,1 tấn hàng hóa/ngày, với doanh thu bán hàng 3,25 tỷ đồng/ngày.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tổ chức các chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng như: "Tết sum vầy", "Tết yêu thương", "Tháng Công nhân", "Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm", điểm bán hàng Việt ưu đãi với khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, xã biên giới cho người lao động tham gia mua sắm; vận động tổ chức 8 chuyến bán hàng lưu động cho người dân tại các xã nông thôn, biên giới, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết các thoả thuận hợp tác "Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” với các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần cung cấp dinh dưỡng miền Nam với các sản phẩm sữa LaLa Milk cam kết mức giá 50% so với thị trường, Công ty TNHH đầu tư thương mại Thiên Ngọc An (siêu thị Phúc Lợi) cung cấp các sản phẩm y tế như khẩu trang, nước rửa tay khô, găng tay y tế... cam kết mức giá 50% và các sản phẩm như cà phê, gạo, nhu yếu phẩm, bánh kẹo... cam kết mức giá 20% - 25%.

Một gian hàng tại Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản thị xã Hoà Thành, năm 2022.

Tổ chức các hình thức bán hàng Việt

Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 1.7.2021 đến 31.3.2022), có 11 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 8 mặt hàng thiết yếu là gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gà, rau, củ, quả, nước chấm với tổng nguồn vốn dự trữ hàng hoá trên 180 tỷ đồng.

Hàng hoá bảo đảm chất lượng, niêm yết và bán theo giá niêm yết, giá bán giảm từ 5% đến 10% so với giá thị trường, đáp ứng đủ lượng hàng hóa cho nhu cầu thị trường. Tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp trên 170 tỷ đồng, đạt 94,33% so với kế hoạch.

Ngoài ra, trong năm 2022, Sở Công Thương triển khai thực hiện 2 dự án gồm: Dự án xây dựng mô hình về điểm bán hàng Việt Nam tại 3 cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, huyện Châu Thành, huyện Tân Châu, kinh phí 259,2 triệu đồng/3 điểm; dự án tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt tại thị trường trong nước với kinh phí 120 triệu đồng. 

Công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn một số hạn chế như: chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng trong tỉnh; hàng Việt Nam chất lượng cao và nhất là các mặt hàng sản xuất trong tỉnh còn hạn chế về mẫu mã, chủng loại, giá thành còn cao, chưa đến được với người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, biên giới.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn xuất hiện nhiều trên thị trường, làm hạn chế hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cần đề xuất có chính sách hỗ trợ các nhà phân phối mở rộng điểm bán hàng về các xã vùng sâu, biên giới; tạo môi trường pháp lý thông thoáng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh như: hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, chính sách về thuế, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối…

Các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu hàng hóa qua biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm, bán hàng Việt Nam có khuyến mãi tại các khu, cụm công nghiệp và những nơi có đông công nhân lao động sinh sống.

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, các khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu của người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử; tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về các xã vùng nông thôn, biên giới và các khu, cụm công nghiệp- nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Sửu 2023; đồng thời tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới chợ Suối Ngô, huyện Tân Châu với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Đến nay, toàn tỉnh có 108 chợ đang hoạt động (bao gồm cả chợ bán buổi sáng, buổi chiều, chợ tạm, chợ tự phát), 12 siêu thị và 1 trung tâm thương mại; có 151 cửa hàng cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, trong đó, có 113 cửa hàng cung ứng thịt heo, 38 công ty, tổ hợp tác cung ứng nông sản, thuỷ sản, trái cây các loại (dưa lê, dưa lưới, chuối, mãng cầu, nhãn, cam xoàn, bưởi da xanh) và rau các loại (đậu bắp, khổ qua, cà pháo...); có 1 sàn nông sản điện tử (https://sannongsan.tayninh.gov.vn). 

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục