Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh việc áp dụng truy xuất nguồn gốc cây trồng
Thứ hai: 11:22 ngày 10/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khách hàng có thể truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm, định vị được địa điểm sản xuất trên bản đồ qua mã QR in trên bao bì sản phẩm bằng cách dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh.

HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus trên cây xoài.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hoá. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tập trung đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác phục vụ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ chứng nhận VietGAP/GlobalGAP trên rau và cây ăn trái; xây dựng điểm trình diễn mô hình sản xuất rau công nghệ cao…

Tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh khoảng 23.000 ha, tăng trên 1.100 ha so với năm 2019, trong đó, diện tích trồng cây ăn trái có quy mô khá lớn như: mãng cầu 5.405 ha, nhãn 4.525 ha, xoài 2.470 ha, chuối 2.047 ha, cây có múi 2.050 ha. Phát triển nông nghiệp sạch ngày càng được chú trọng, diện tích cây ăn trái được hỗ trợ chứng nhận VietGAP đến năm 2021 là trên 1.275 ha.

Các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó, đòi hỏi người sản xuất phải theo quy trình GAP và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với thị trường trong nước và một số nước trong khu vực, sản phẩm rau quả cần phải đạt tiêu chuẩn VietGAP mới đáp ứng yêu cầu lưu thông trên thị trường, và tiêu chuẩn GlobalGAP để vươn tới xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhưng có hiệu quả kinh tế cao như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu.

Truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp giúp người tiêu dùng biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm. Khách hàng có thể truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm, định vị được địa điểm sản xuất trên bản đồ qua mã QR in trên bao bì sản phẩm bằng cách dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh. Khi sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, người sản xuất sẽ tăng được sự tin tưởng của khách hàng, minh bạch quá trình sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản.

Năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty TNHH KIAG triển khai thử nghiệm ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus trên địa bàn tỉnh. Có 70 hộ nông dân trồng cây ăn trái được hướng dẫn áp dụng phần mềm, cách nhập và truy xuất dữ liệu trên các thiết bị điện tử (máy tính bàn, laptop, điện thoại…).

Năm 2021 cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus cho 51 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 281 ha. Luỹ kế đến nay, đã triển khai ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus cho 1.894 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích trên 1.500 ha; cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 9 cơ sở (tổ chức, cá nhân) sản xuất cây ăn trái.

Quá trình triển khai thực hiện, đa số hộ dân tham gia đều rất tích cực, nhập quá trình canh tác hoặc tác động trên vườn vào phần mềm. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn như địa bàn rộng, việc liên hệ từng hộ dân mất nhiều thời gian; có hộ dân chưa đáp ứng được điều kiện cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc do không có điện thoại thông minh, lớn tuổi...

Ông Nguyễn Thanh Cường- Giám đốc Công ty TNHH Cường Niên (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) cho biết, đơn vị có tổng diện tích sản xuất 45 ha gồm 20 ha bưởi, 20 ha mít, 5 ha quýt. Đơn vị được Sở NN&PTNT hỗ trợ thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus, duy trì thực hiện trong 3 năm nay và đang phát triển thêm 40 ha cây ăn trái, trong đó có 15 ha mít, 25 ha sầu riêng.

Bên cạnh việc áp dụng truy xuất nguồn gốc, đơn vị còn đưa vào áp dụng khoa học công nghệ, tiến tới cơ giới hoá toàn bộ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; vườn cây ăn trái sẽ được thiết kế phù hợp với cơ giới hoá.

“Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhất là những thị trường khó tính, làm cho người tiêu dùng tin tưởng hơn đối với sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”- ông Cường chia sẻ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá, một số tổ chức, cá nhân tham gia đã thao tác tốt việc nhập dữ liệu canh tác vào phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng; cập nhật vị trí, thông tin nông trại, vẽ phân chia lô canh tác vào phần mềm.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, địa bàn rộng nên việc liên hệ tổ chức, cá nhân để cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm mất nhiều thời gian. Năm 2021, giá một số loại trái cây (nhãn, mãng cầu, cam, quýt, bưởi…) giảm, sản phẩm chỉ bán cho thương lái, do đó, việc vận động nông dân tham gia và duy trì hoạt động cập nhật dữ liệu gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Chi cục tiếp tục rà soát, thông tin đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện phần mềm này, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời, hỗ trợ cách thức nhập thông tin sản xuất vào phần mềm cho các tổ chức, cá nhân đã cài đặt, định vị phần mềm truy xuất nguồn gốc năm 2019, 2020 và các tổ chức, cá nhân mới cài đặt 2021.

Giang Hà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục