Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự là một hình thức đặc biệt của thi hành án dân sự, bởi vì đối tượng phải thi hành án là người bị kết án trong các vụ án hình sự.
Đẩy mạnh việc thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự. Ảnh minh hoạ
Những vụ việc phải thi hành án trong bản án, quyết định hình sự thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) bao gồm hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và phần quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự gồm các việc như thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng; bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; bồi thường thiệt hại về tài sản...
Cục thi hành án dân sự tỉnh cho biết, thời gian qua, các cơ quan THADS tổ chức và thi hành án đúng nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định trong các vụ án hình sự chủ yếu thi hành các khoản về án phí, hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu huỷ... được cơ quan THADS thụ lý, ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2, Điều 36 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 và tổ chức thi hành theo luật định.
Riêng các khoản bồi thường, hoàn trả được tuyên tại các bản án, quyết định vụ án hình sự thì khi có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (người bị hại), đối với loại việc này cũng được thụ lý ra quyết định thi hành án theo khoản 2, Điều 36 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Trong năm 2020, tổng số việc phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 2.040 việc, tương ứng với 185.502.628.000 đồng. Qua đó, đã thi hành xong 1.014 việc, thu được số tiền là 36.242.341.000 đồng.
Tổng số việc phải thi hành về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 75 việc, tương ứng số tiền 70.435.179.000 đồng. Trong đó, số có điều kiện là 35 việc, với số tiền 26.449.838.000 đồng, đã thi hành xong 13 việc, với số tiền là 6.991.677.000 đồng. Số chưa có điều kiện thi hành: 37 việc, với số tiền 42.984.941.000 đồng.
Trước đó, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với hai vợ chồng H.T.N và P.T.T (cùng ngụ phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, khoảng đầu năm 2018, do làm ăn thiếu nợ và muốn có tiền tiêu xài nên vợ chồng N và T mượn bản chính các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 người chị ruột và người cháu của T đi photo để làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất do mẹ của T để lại tại khu phố Bàu Mây, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng.
Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo, N bàn với chồng sử dụng những giấy tờ này đem sang nhượng cho người khác chiếm đoạt tiền. Để người mua đất tin tưởng, cả 2 nói dối là các phần đất trên vợ chồng N đã mua và đang làm thủ tục chuyển nhượng.
Với thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2018 đến năm 2019, N và T đã thực hiện trót lọt 5 vụ, chiếm đoạt tổng cộng 5,185 tỷ đồng. Với hành vi trên, HĐXX đã tuyên phạt H.T.N 16 năm tù, P.T.T 13 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.
“Bản án hình sự đã có hiệu lực thi hành, các đối tượng đang chấp hành án phạt tù với mức án trên 10 năm thì việc bồi thường dân sự không biết đến khi nào các bị cáo mới thực hiện xong”, anh H.T, một người dự phiên toà bày tỏ.
Cục thi hành án dân sự tỉnh cho hay, theo quy định pháp luật, việc tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự không quy định cụ thể thời gian từ khi bắt đầu thực hiện đến khi kết thúc một vụ việc mà chỉ quy định một số thủ tục trong quá trình thực hiện. Vì vậy, cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật đến khi thi hành xong các nghĩa vụ, tuỳ vào từng vụ, việc cụ thể.
Ngoài ra theo quy định, sau khi đã chấp hành án một thời gian hoặc ra tù, nếu người phải thi hành án gặp khó khăn thì họ chỉ được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, cơ quan THADS lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Sau đó, Toà án sẽ thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do một thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan THADS đã đề nghị xét miễn, giảm.
Trong năm, các cơ quan THADS đã phối hợp với VKSND cùng cấp rà soát, lập hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án đối với 94 việc, tương ứng với số tiền 332.237.000 đồng. Qua đó, đã thực hiện miễn, giảm được 90 việc, với số tiền 332.066.000 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự cũng gặp nhiều khó khăn như không xác định được nơi cư trú, người phải thi hành án rời bỏ địa phương đi nơi khác, không có điều kiện để thi hành án... Đối với các đối tượng đang chấp hành án phạt tù, việc THADS là một bài toán nan giải vì không có tiền, tài sản để thi hành án.
Thiên Di