BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạo đột phá để phát triển:

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Cập nhật ngày: 20/02/2022 - 23:21

BTN - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Đường ống đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Năm 2021, cùng với cả nước, tỉnh Tây Ninh trải qua nhiều khó khăn, thách thức khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nặng nề đến sản xuất, kinh doanh.

Bằng sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm, nỗ lực cao của các cấp, ngành, cùng với sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của người dân, tỉnh đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2022 tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng

Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực kinh tế phát triển sôi động của cả nước, thuộc tuyến vận tải hành lang Đông - Tây kết nối vùng Đông Nam Bộ với Vương quốc Campuchia.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong năm 2021, ngành Giao thông tỉnh thực hiện đầu tư 13 dự án, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 5 dự án, bao gồm: đường 781 đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương; đường Trưng Nữ Vương đoạn từ cầu Thái Hoà đến quốc lộ 22B; đường ra biên giới thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; đường 781 đoạn Phước Tân - Châu Thành thuộc dự án đường ra cửa khẩu biên mậu; đường 790 nối dài, đoạn từ đường Khedol - Suối Đá (ĐT.790B) đến đường Bờ Hồ - Bàu Vuông - Cống số 3 (ĐT.781B) giai đoạn 2.

Trong năm, ngành Giao thông tổ chức thông xe kỹ thuật 3 dự án, gồm cầu An Hoà, đường Trần Phú (đoạn từ cửa số 7 nội ô Toà thánh đến QL22B) và nâng cấp, mở rộng ĐT.793 - ĐT.792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc); đang triển khai thực hiện 3 dự án mới, gồm đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2, khởi công tháng 8.2021), nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795 (khởi công tháng 11.2021), đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 được khởi công vào tháng 12.2021 (dự án thành phần 2, tuyến đường ĐT.787B).

Bên cạnh đó, các tuyến giao thông mang tính kết nối, liên kết vùng như: cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà; dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh (tại thị xã Trảng Bàng)… đang được ngành Giao thông làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng sự phát triển của Tây Ninh.

Trong năm 2022, ngành Giao thông tỉnh tiếp tục nỗ lực hoàn thành, đưa vào khai thác 5 dự án: nâng cấp, mở rộng ĐT.782-ĐT.784 (đoạn từ tuyến tránh QL22 đến ngã tư Tân Bình); đường Đất Sét - Bến Củi; nâng cấp, mở rộng ĐT.793 - ĐT.792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc); đường Trần Phú (đoạn từ cửa số 7 nội ô Toà thánh đến QL22B) và cầu An Hoà; đồng thời tổ chức khởi công 3 dự án mới: đường Trường Hoà - Chà Là (từ đường Nguyễn Văn Linh đến ĐT.784); tiểu dự án đường mòn Bàu Tà On; tiểu dự án đường vào cầu Ông Sãi.

Phối hợp với Bộ GTVT và các tỉnh trong vùng triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến địa phương theo quy hoạch ngành quốc gia được duyệt.

Tổ chức triển khai thực hiện các đề án sau khi UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Đề án Phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án rà soát điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mô hình trồng chuối áp dụng công nghệ cao của Nông trường mía Thành Long.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao-xu thế tất yếu

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Là địa phương có hệ thống thuỷ lợi được đầu tư hoàn thiện, Tân Châu đủ điều kiện trở thành vùng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ, ứng dụng công nghệ cao. Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, tính đến nay, huyện thu hút được 59 dự án chăn nuôi (gia súc, gia cầm) với quy mô tổng đàn 4.645.000 con. Trong đó, 5 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng đàn 370.500 con; 3 dự án đang triển khai xây dựng; 27 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Tân Châu tiếp tục vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng; đáng chú ý, trên địa bàn huyện, hơn 200 ha sầu riêng, 600 ha chuối… đã ứng dụng công nghệ cao để canh tác, hệ thống nhà màng trồng rau, cây ăn quả đang hình thành.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển với trọng tâm định hướng là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản xuất áp dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị. Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản của tỉnh đạt 19.998 tỷ đồng, chiếm 22,1% tổng GRDP của tỉnh.

Trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 25%, giá trị sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết sản xuất - tiêu thụ đạt 13,5% (lĩnh vực chăn nuôi đạt 48%). Giá trị sản phẩm bình quân thu đạt 102 triệu đồng/ha/năm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Trong khi đó, đại đa số nông dân vẫn quen với tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng nông sản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe; giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có sự tập trung ruộng đất và chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, rất ít người dân đủ khả năng thực hiện.

Hệ thống ống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Để thực hiện tốt mục tiêu, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp trọng tâm như: chú trọng phát triển mạnh chăn nuôi trang trại, vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Định hướng phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút đầu tư tổ hợp các dự án hình thành chuỗi giá trị từ khâu giống - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thuỷ lợi phục vụ phát triển nông nghiệp thời gian tới thông qua các dự án trọng điểm: Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông; Dự án sửa chữa hồ chứa nước Tha La; Kế hoạch phát triển đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng; Dự án phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh (vốn ADB); Dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh (vốn WB).

Rà soát, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất đã được ban hành, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng và trình độ chuyên môn, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông - lâm - thuỷ sản được xác định là một trong 4 khâu đột phá trong kinh tế, và là cơ hội để nông nghiệp Tây Ninh phát triển, nhất là khi nông nghiệp thể hiện được vai trò là trụ đỡ về kinh tế trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Các chính sách lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước đã và đang tạo động lực lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Minh Dương