Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua các lớp học nghề, một bộ phận thanh niên người dân tộc thiểu số có việc làm ổn định. Tuy nhiên cũng còn một số, do phong tục tập quán riêng nên sau khi học nghề xong, không tìm được việc làm hoặc làm một thời gian thì bỏ việc.
Vợ chồng Y Sa (trái) đang trò chuyện với Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc-Quốc hội khoá XII |
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số. Ngoài đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, xây tặng nhà tình thương, các ban, ngành, đoàn thể chức năng còn quan tâm đến việc dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho bà con người dân tộc thiểu số. Qua các lớp học nghề, một bộ phận thanh niên người dân tộc thiểu số có việc làm ổn định. Tuy nhiên cũng còn một số, do phong tục tập quán riêng nên sau khi học nghề xong, không tìm được việc làm hoặc làm một thời gian thì bỏ việc.
Tại vườn cao su tiểu điền của ông Mách Ta Rế (82 tuổi) ở ấp Chăm, xã Suối Dây (Tân Châu) anh Y Sa (32 tuổi) và vợ là chị Sa Ti Giá vui vẻ cho biết, trước đây, gia đình anh chị hết sức khó khăn. Nhà không có ruộng đất để sản xuất, hai vợ chồng phải làm thuê làm mướn đủ việc nhưng cũng không đủ nuôi 4 đứa con. Vì nghèo khổ mà mấy đứa con lớn của anh chị chưa được đi học. Hai năm nay, nhờ được học nghề cạo mủ cao su và được cụ Mách Ta Rế nhận vào làm cho nhà ông, vợ chồng Y Sa đỡ khổ hơn. Gần đây, hai anh chị được chính quyền địa phương xem xét, xây tặng cho một căn nhà tình thương. Có việc làm căn bản, mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được khoảng 3 triệu đồng lại có nhà ở, khỏi phải lo gió mưa, cuộc sống của họ đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây cho biết: ở ấp Chăm, không riêng gì vợ chồng Y Sa “sống được” nhờ nghề cạo mủ cao su mà hàng chục hộ khác cũng tương tự. Có những hộ trước đây rất khổ, nay nhờ trong nhà có đến ba, bốn người làm nghề cạo mủ mà thoát cảnh nghèo khó và có cuộc sống rất ổn định như gia đình bà Thị Chá, ông Ghế, ông Chàm Du… Toàn xã Suối Dây có 312 hộ dân tộc Chăm, với 1.447 nhân khẩu, sống tập trung ở ấp Chăm. Trước đây, hầu hết người Chăm sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, nhiều hộ chuyển qua trồng cây cao su. Hiện nay ở ấp Chăm đã phát triển được hơn 80 ha vườn cây cao su tiểu điền (diện tích tự nhiên của ấp khoảng 300 ha). Trong đó có một số vườn cao su bắt đầu thu hoạch. Có người dân trong ấp trồng được hơn 10 ha cao su, như hộ ông Mách Ta Rế chẳng hạn. Không chỉ làm, mà ông Mách Ta Rế còn vận động nhiều người dân trong ấp cùng trồng cao su như ông.
Bà Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây cho biết thêm, từ năm 2005 đến 2008, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã cùng phối hợp mở được 8 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nhiều đối tượng lao động trong xã, trong đó, có bà con người dân tộc thiểu số (thời gian học khoảng 1 tháng, với số lượng mỗi lớp từ 30-35 học viên). Xã cũng mở được một lớp cạo mủ cao su dành riêng cho chị em phụ nữ người dân tộc Chăm, với 30 chị em theo học. Tuy nhiên trong quá trình học nghề, một số bà con dân tộc thiểu số gặp trở ngại, nhất là phần học lý thuyết. Vì họ không biết chữ quốc ngữ và không giao tiếp được bằng tiếng Kinh. Do phong tục tập quán, do ngôn ngữ bất đồng, nhiều người không muốn làm cho các công ty xí nghiệp mà vẫn tiếp tục làm thuê, làm mướn bên ngoài. Một số ít có đến xin việc làm ở các công ty, xí nghiệp nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi nghỉ, vì khó hoà nhập được trong môi trường tập thể. Riêng lớp cạo mủ cao su, đến nay chỉ có 17 chị em xin được việc làm ở các vườn cao su tiểu điền, chủ yếu là ở các vườn cao su mới thu hoạch trong ấp (thời gian cạo mủ của các vườn cao su mới thu hoạch bắt đầu khoảng 5 giờ sáng). Số còn lại do ngại đi xa hoặc đơn giản vì… sợ ma, nên không dám đi làm ngoài ấp, cũng không chịu làm cho các vườn cao su lâu năm (thường bắt đầu từ 3 giờ sáng).
Từ thực tế đó, cho thấy việc đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số là việc làm rất cần thiết tuy nhiên, khi thực hiện cũng cần tính đến những nét đặc thù của đối tượng ở từng vùng riêng biệt. Có thể chọn những nghề phù hợp để đào tạo, sao cho khi học xong, tất cả đều có thể theo được, sống được với ngành nghề đã học. Nhưng trước hết có lẽ cũng cần phải quan tâm đến công tác xoá mù chữ, công tác giáo dục phổ thông cho cộng đồng người dân tộc thiểu số.
D.H