Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Dạy nghề cho lao động nông thôn:  Cần chú trọng hiệu quả sau đào tạo
Thứ hai: 05:21 ngày 02/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau hai năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Tây Ninh đã đào tạo nghề cho 7.132 người. Con số này được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội công bố tại cuộc họp sơ kết hai năm thực hiện Đề án 1956 do UBND tỉnh tổ chức hôm 29.3 vừa qua.

Sau hai năm thực hiện, kết quả ban đầu cho thấy các nghề: khai thác mủ cao su, chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật nuôi gia cầm, nuôi cá nước ngọt… được nhiều người lao động chọn học. Theo kết quả phát phiếu thăm dò, tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 78%. Tỷ lệ người lao động sau khi học xong chưa có việc làm là hơn 21%. Tổng kinh phí chi cho đào tạo nghề trong 2 năm qua là hơn 15 tỷ đồng.

Đại diện HĐND tỉnh giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau hai năm thực hiện, hiệu quả lớn nhất là tỉnh đã nâng cao tỷ lệ lao động được qua đào tạo. Sau khi học nghề, người lao động cũng dễ tìm việc làm hơn vì các lớp học đều được tổ chức theo kiểu “học đi đôi với hành”, được “cầm tay chỉ việc” nên bất cứ học viên nào dù trình độ văn hoá còn hạn chế vẫn có thể dễ dàng tiếp thu. Đề án 1956 không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn mà còn: từng bước làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp. Mặt khác, lao động nông thôn có việc làm đã hạn chế thời gian nhàn rỗi, hạn chế các tệ nạn xã hội xảy ra qua đó góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn.

Theo ý kiến của đại diện 9 huyện thị, để Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự phát huy hiệu quả thì còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc điều chỉnh chính sách. Với tư cách là cơ sở trực tiếp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đại diện Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Gò Dầu kiến nghị: Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sau khi học nghề. Bởi vì có người học nghề xong nhưng lại không có vốn để sản xuất.

Tương tự, đại diện huyện Bến Cầu cũng lo lắng: một số nghề tương đối dễ làm thì lại khó tiêu thụ sản phẩm như nghề trồng nấm các loại, trồng rau sạch. Nghề có hiệu quả kinh tế thì lại đòi hỏi vốn đầu tư phải lớn. Đại diện huyện Hoà Thành cũng nhận định: nghề trồng nấm trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ. Đa số người dân trồng nấm chỉ ở quy mô nhỏ, nếu trồng nấm quá nhiều thì e rằng sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hoà Thành cũng là địa phương mà tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề còn tương đối thấp: chưa đến 50%. Cũng theo lãnh đạo huyện Hoà Thành, khâu tổ chức, triển khai lớp học cần phải được rút kinh nghiệm. Khi người dân đã đăng ký học nghề thì lớp học được tổ chức càng sớm càng tốt, nếu người dân đăng ký mà phải chờ lâu quá thì sẽ thay đổi ý định.

Học viên lớp đào tạo nghề thực hành cạo mủ cao su ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành

Riêng ông Lê Huy Nhiều- Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên nêu kiến nghị: Ban chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh nên xem xét cho phép những người ngoài 60 tuổi được học nghề vì hiện nay có một số nghề mà người hết tuổi lao động vẫn có thể làm được như nghề chăm sóc cây kiểng, bonsai, làm vườn. Ý kiến của ông Nhiều nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp. Thực tế cho thấy đặc điểm lao động ở nông thôn rất đa dạng và phong phú, đôi khi không giới hạn độ tuổi lao động.

Một số ý kiến khác còn kiến nghị nên tăng mức hỗ trợ chi phí cho cả người đi học nghề lẫn người tham gia đào tạo nghề.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo cho rằng: Khi tổ chức các lớp đào tạo nghề cần phải đặc biệt lưu ý tính hiệu quả sau đào tạo, sử dụng đồng vốn. Mỗi huyện, thị có thể có cách làm riêng, không nên rập khuôn, bắt chước nhau trong việc mở nghề đào tạo. Các trường và trung tâm đào tạo nghề cần phải chủ động đi tiếp thị về năng lực đào tạo nghề của mình, nên đào tạo những nghề mà người lao động và thị trường lao động cần chứ không chỉ đào tạo những nghề mà nhà trường có. Phó chủ tịch Nguyễn Thảo cũng đề nghị các xã phải nghiêm túc thực hiện Đề án 1956, đặc biệt 25 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới phải tập trung đào tào nghề cho lao động nông thôn, tuyệt đối không được lơ là, vì Đề án 1956 là một chính sách rất lớn của Nhà nước đối nông dân nông thôn.

VIỆT ĐÔNG

Mặc dù Đề án 1956 đã được triển khai chính thức tại Tây Ninh nhưng cho đến nay, nhiều trường nghề và các cơ sở dạy nghề vẫn chưa tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2011. Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở dạy nghề nhưng hiện mới có 12 cơ sở tham gia.

Theo kế hoạch dự kiến của UBND tỉnh, năm 2012, Tây Ninh sẽ mở 196 lớp đào tạo nghề cho 5.942 học viên với tổng cộng 30 nghề khác nhau. Trong số đó, 15 nghề thuộc nhóm ngành nghề nông, lâm nghiệp. Số nghề còn lại thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp, xây dựng, thương mại  - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngư nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 7 tỷ đồng.

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục