Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công xây dựng cơ bản
Thứ hai: 01:15 ngày 17/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hằng tháng so sánh giữa kết quả giải ngân thực tế và sơ đồ gantt đã cam kết để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời; giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu...

Mưa kéo dài khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong thi công nền hạ (ảnh chụp tại đường 794).

Thời gian qua, tỉnh luôn chỉ đạo sát sao công tác giải ngân đầu tư công đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư các công trình phải phối hợp với các đơn vị liên quan và nhà thầu nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân đúng kế hoạch đề ra. Thế nhưng ngoài những lý do như: giá xăng dầu, vật tư tăng cao, công tác giải phóng mặt bằng chậm… thời tiết mưa nhiều cũng gây khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công- nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

MƯA KÉO DÀI KHIẾN NHIỀU DỰ ÁN GIAO THÔNG GẶP KHÓ

Tại dự án đường 794 giai đoạn 2 (huyện Tân Châu), đại diện các nhà thầu thi công cho biết, công trình đang thi công nền hạ mặt đường, đây là công đoạn quan trọng nhưng do thời tiết bất thường làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Đại diện một nhà thầu cho biết, công trình đơn vị này được lựa chọn thầu tiếp giáp với đường 785, trong đó có công đoạn thi công cống thoát nước đoạn gần tiếp giáp đường 785. Tuy nhiên, do mưa kéo dài, lượng nước đổ về khu vực xã Tân Đông nhiều, gây ngập cục bộ nên việc thi công hệ thống thoát nước để đấu nối hoàn chỉnh không thể diễn ra theo dự kiến. Ngoài ra, có một đoạn chưa bàn giao mặt bằng (nông trường cao su đã nhận tiền đền bù nhưng đến nay chưa chịu thanh lý cao su để bàn giao mặt bằng). 

Một đơn vị trúng thầu xây dựng cầu Bổ Túc mới cho biết, công trình đạt khoảng 30% nhưng đơn vị không thể tiếp tục triển khai do khi xây cầu mới, đường dẫn vào cầu được thiết kế lại, cần phải giải phóng mặt bằng một đoạn đường có nhà dân. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc do một số hộ chưa đồng ý bàn giao. 

Tại dự án đường 795, đại diện nhà thầu thi công cũng “khóc ròng” do mưa nhiều, máy móc, xe cơ giới nằm chờ, nhân công phải thi công cầm chừng… Ở dự án đường 787B, nhà thầu rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Trong quá trình mở rộng đường, phần đất hai bên đường bị một số người dân đào lấy đất tạo thành những ao sâu, khi mưa lớn nước đọng nhà thầu không thể thi công nền hạ. Muốn đẩy nhanh tiến độ phải đợi khi nắng ráo, bơm nước từ các “ao” để đổ đất sỏi thi công mặt bằng.

Đại diện các nhà thầu đều khẳng định, khi thời tiết thuận lợi sẽ đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án về đích đúng kế hoạch.

Do không thể thi công nền đường, nên nhà thầu thi công đường 794 tranh thủ thi công hệ thống thoát nước.

KHÔNG CÓ MẶT BẰNG THI CÔNG, KHÓ KHĂN TÌM NGUỒN ĐẤT SỎI

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông không “về đích” theo dự kiến kế hoạch đề ra, điển hình là đường 784 và đường Đất Sét – Bến Củi.

Đối với đường 784, đến thời điểm này, nhà thầu mới có mặt bằng để tiếp tục thi công nền hạ. Thời gian qua, có lúc chủ đầu tư và nhà thầu có lúc phải chọn thi công theo kiểu “có bấy nhiêu làm bấy nhiêu”, do chưa giải quyết xong việc giải phóng mặt bằng. Khi công trình “chờ” mặt bằng, nhà thầu gần như rơi vào tình huống “bất khả kháng”, phương tiện phải tạm dừng, nhân công nghỉ… gây thiệt hại không nhỏ cho nhà thầu. Đó là chưa kể thời gian thi công bị kéo dài, giá cả vật tư, nguyên liệu tăng, đã khó lại càng thêm khó.

Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải phóng mặt bằng còn chưa nhịp nhàng. Đại diện nhà thầu thi công đường 787B (đoạn qua xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) cho rằng, dù mặt bằng đã có, nhưng đến thời điểm này Điện lực mới cho di dời hàng trụ điện trung thế, nhà thầu lại tiếp tục chờ.

Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, việc tìm nguồn vật tư đất sỏi để thi công nền hạ cũng khiến nhà thầu “đau đầu”. Đại diện các nhà thầu đường 787B cho biết, công trình thi công ở các huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành còn “dễ thở” trong việc tìm kiếm nguồn sỏi đỏ. Còn tại thị xã Trảng Bàng, gần như không còn nhiều mỏ khai thác khoáng sản đất phún, nhà thầu thi công phải vận chuyển từ các huyện Châu Thành, Tân Biên về phục vụ thi công, tốn thêm chi phí vận chuyển.

Trời vừa ráo, các nhà thầu tranh thủ thi công (ảnh chụp tại dự án đường 795).

Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tại Hội nghị giao ban xây dựng cơ bản cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng năm 2022, ước thực hiện quý III/2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2022 cho rằng, dù kết quả giải ngân của tỉnh đạt khá so với cả nước, nhưng so với mục tiêu đã đặt ra thì vẫn chưa đạt yêu cầu (giải ngân 9 tháng phải đảm bảo đạt 75% KH, tuy nhiên 8 tháng chỉ đạt 57,21%); vẫn còn một số đơn vị, địa phương giải ngân rất thấp. Nguyên nhân khách quan là giá xăng dầu biến động mạnh, kéo theo việc tăng chi phí vận chuyển, ca máy thi công và các loại vật liệu xây dựng; thậm chí ở một số thời điểm, xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với mặt hàng xăng dầu, nhựa đường. Điều này tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công.

Trước tình hình đó, đã xảy ra tình trạng dự án thi công cầm chừng, tạm dừng do tâm lý chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống hoặc chờ thương thảo, điều chỉnh lại giá gói thầu dẫn đến việc chậm triển khai thi công. Ngoài ra, các dự án khởi công mới đang chuẩn bị đấu thầu chậm triển khai do cần thực hiện cập nhật giá gói thầu theo giá thị trường. Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và triển khai tích cực, song một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.

Nguyên nhân chủ quan là do khâu chuẩn bị đầu tư dự án còn nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh. Công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các địa phương, các sở, ngành có nơi vẫn chưa tốt, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy đúng mức, chưa thực hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng cơ bản được giao.

Mưa lớn kéo dài khiến phần nền hạ đường 787B bị ngập nước, có nơi trở thành “ao” khiến nhà thầu “khóc ròng”.

GIẢI NGÂN XÂY DỰNG CƠ BẢN LÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG

Về nhiệm vụ giải pháp trong những tháng còn lại năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương, các chủ đầu tư cần xác định nhiệm vụ giải ngân xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính chất dẫn dắt có tác động lan tỏa, hiệu ứng đến tất cả các ngành, lĩnh vực và là điểm then chốt để kích thích, phục hồi phát triển, tăng trưởng kinh tế.

Do đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hàng tháng so sánh giữa kết quả giải ngân thực tế và sơ đồ gantt đã cam kết để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời; giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu; khắc phục tình trạng chủ quan, thiếu tích cực, dồn việc giải ngân vào những tháng cuối năm dẫn đến không hoàn thành kế hoạch được giao…

Liên quan đến cơ chế quản lý, khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh chuẩn bị triển khai trong thời gian tới (bao gồm cả các dự án đường cao tốc), ông Dương Văn Thắng yêu cầu Sở Xây dựng lưu ý cần thể hiện rõ vấn đề cân đối cung cầu vật liệu san lắp (cát, đất, dá, sỏi ...); cụ thể, tính toán được nhu cầu về khối lượng vật liệu; xác định được khối lượng này lấy tại khu vực nào? Mỏ trữ lượng bao nhiêu, hiện đã cấp phép chưa; nếu chưa thì khi nào được cấp phép...

Về việc chậm chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, đề nghị các địa phương, chủ đầu tư cần rút kinh nghiệm không để xảy ra tình trạng chậm chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; nghiên cứu, vận dụng nhiều phương pháp để đẩy nhanh tiến độ đối với công tác này như ngoài việc trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản có thể thực hiện tạm ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất hoặc tạm ứng trước từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện ...

THẾ NHÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục